Đào Ao Ương Cá Tra Giống Ôm Nợ Vì Bất Chấp Khuyến Cáo
Những ngày này, người dân ương cá tra giống ở 2 xã Thạnh Lộc, Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đang khóc dở, mếu dở vì cá tra giống. Cá giống đã quá lứa nhưng bán giá rẻ cũng chẳng ai mua. Viễn cảnh phá sản, nợ nần chồng chất đang treo lơ lửng trên đầu người dân.
Ông Tám Việt, một chủ hộ ương cá tra giống ở ấp 2 xã Thạnh Lộc, than thở: “Thấy người ta làm có lời nên ham làm theo, ai dè tới mình thì… mắc cạn”. Đầu năm 2012, ông Việt quyết định bỏ nghề tài xế xe tải đường dài để về nhà đào ao ương cá tra giống. Nếu tính toán của ông chính xác, sau 2 năm ương cá giống, với hơn 7.000m² ao, ông có thể kiếm lời 500 - 700 triệu đồng. Số tiền này đủ cho ông cất được căn nhà mới.
Tính là vậy còn kết quả thực tế lại là chuyện khác. Sau gần 2 năm ương cá, căn nhà trong mơ ở đâu chưa thấy, chỉ thấy hiện nay số cá giống đã quá lứa gần 2 tháng, bán giá rẻ cũng chưa thấy ai mua. Tuy chưa lỗ, nhưng số vốn dành dụm được bao nhiêu năm làm tài xế xe tải đường dài, giờ chỉ còn con số không.
Còn ông Kha, nhà cùng xóm với ông Việt, thấy người ta làm có lời cũng làm theo: Thuê gần 7.000m² để đào ao ương cá giống. Sau 2 năm cặm cụi ương cá giống, nay ông phải kêu bán 1ha đất nhà để trả nợ vì bị lỗ hàng trăm triệu đồng. Còn bà Ba ở ấp 1 xã Thạnh Lộc cũng thế, thấy người ta ương cá giống lời gấp mấy lần làm lúa nên ông quyết định chuyển 4 công đất lúa sang đào ao ương cá giống. Sau mấy năm ương cá, lỗ gần 200 triệu đồng, ông hoảng quá lấp ao, quay về trồng lúa.
Tại xã Mỹ Thành Bắc, nhiều người đào ao ương cá giống cũng lâm cảnh nợ nần, phá sản vì thua lỗ. Kể cả những “đại gia” lời tiền tỷ từ những năm trước đây cũng bỏ của chạy lấy người, quyết định ngừng ương hoặc lấp ao để trồng lúa, hay nuôi cầm chừng, chờ bán hết cá giống rồi chuyển qua nuôi một loại thủy sản khác.
Theo những người ương cá tra giống, nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ là do giá thức ăn thời gian qua liên tục tăng cao, người ương cá chưa có kinh nghiệm nên tỷ lệ hao hụt nhiều, rồi đầu ra cho con cá giống cũng bị tắc, trong khi vốn đầu tư phần lớn là vốn vay… “Đây là bài học xương máu của tụi tôi. Vì hám lợi mà bất chấp khuyến cáo của các cơ quan chức năng, nên mới dẫn đến thua lỗ thê thảm như thế này”, ông Thành, một chủ ao ương cá giống với hơn 10.000m² ở xã Thạnh Lộc than thở.
Theo người dân, nghề ương cá tra giống ở đây bắt đầu manh nha từ năm 2006. Lúc đầu, thấy vài hộ nuôi có lời nhiều nên một số người làm theo. Cao điểm là đầu năm 2012, có trên 100ha đất vườn, ruộng ở 2 xã này được người dân chuyển qua đào ao ương cá, dù chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện khuyến cáo tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về đầu ra. Đó là chưa nói đến vấn đề kỹ thuật ương giống mà bà con vẫn còn… mù tịt. Thế nhưng bà con nông dân vẫn bất chấp, dù giá cá tra giống liên tục giảm, rồi dịch bệnh phát sinh do nguồn nước bị ô nhiễm, nhiều người vẫn lao vào đào ao ương cá.
Một cán bộ của Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Cai Lậy, cho biết: Giá cá tra giống hiện nay chỉ còn hơn 18.000 đồng/kg, trong khi thương lái lại ngưng mua, nên nhiều bà con sẽ còn gặp khó trong thời gian tới, vì hiện nay đã có nhiều hộ nuôi, cá ương đã quá lứa. Hiện tại cũng đã có 12ha ao cá được chủ ao thuê máy cơ giới san lấp lại để trồng lúa. Có thể trong thời gian tới, số ao ương cá sẽ được san lấp nhiều hơn khi đầu ra con cá bị bế tắc.
Có thể bạn quan tâm
Từ giữa tháng 6/2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có mưa đều trên diện rộng, do đó các địa phương đã và đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ hè thu, đảm bảo đến cuối tháng 6/2015 kết thúc gieo trồng…
Ngày 15/6, Hội Thuỷ sản tỉnh Cà Mau cùng Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh và Phòng Kinh tế, Hội Thuỷ sản TP Cà Mau tiến hành khảo sát tại hộ ông Quách Văn Tứ - bà Nguyễn Thị Ðào, là cặp vợ chồng tàn tật, ở ấp Thành Thưởng, xã An Trạch, huyện Ðông Hải, tỉnh Bạc Liêu, thành công với mô hình nuôi tôm nước tĩnh cho hiệu quả cao.
Những tháng đầu năm 2015, giá cá tra có chuyển biến tích cực, dao động từ 23.000 - 24.000đ/kg, đảm bảo người nuôi có lãi. Diện tích thu hoạch cá tra 6 tháng đầu năm đạt 674 ha, tăng 2,5%, sản lượng đạt 130.342 tấn, tăng 5,2% so cùng kỳ. Tuy nhiên, đến đầu tháng 5 năm 2015, giá cá tra nguyên liệu đột ngột giảm giảm, hiện chỉ còn từ 20.000 - 21.000 đ/kg, làm cho người nuôi cá tra lo lắng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích nuôi thủy sản của tỉnh An Giang 6 tháng đầu năm 2015 đạt 1.097 héc- ta (tăng 7,2% so cùng kỳ); thu hoạch 163.898 tấn (tăng 5,2% so cùng kỳ).
Hồ thủy điện Hòa Bình (hồ sông Đà) địa phận tỉnh ta có diện tích mặt nước 8.900 ha thuộc 19 xã của 4 huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Cao Phong, Tân Lạc và TP Hòa Bình, là tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển nghề cá. Tỉnh đã quy hoạch và đang triển khai những giải pháp cụ thể, tạo “cú huých” khai thác tiềm năng, lợi thế đặc thù của vùng hồ phát triển nghề cá theo hướng sản xuất hàng hóa.