Đánh Thức Vùng Cao Bằng Cây Bắp Lai
Vẫn loại cây trồng cũ nhưng cách làm mới, bắt đầu từ vụ đông xuân 2013-2014, được sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông Sơn Hà, mô hình thí điểm trồng giống bắp lai LVN 10 được triển khai ở xã Sơn Bao (Sơn Hà - Quảng Ngãi). Mô hình bước đầu đã mang lai hiệu quả tích cực, góp phần giúp người dân tăng lợi nhuận trên cùng một diện tích đất sản xuất.
Đưa bắp lai lên núi
Không phải đến bây giờ mà trước đó cùng với giống LVN10, một số loại bắp lai khác đã được các hộ đồng bào thiểu số ở Sơn Hà mua từ dưới đồng bằng đem về để gieo trồng. Thế nhưng với thói quen lâu nay vẫn làm theo kiểu "bỏ giống xuống đất rồi giao cho trời" chờ ngày thu hoạch, cho nên năng suất và sản lượng của số bắp lai mang về cũng không cao hơn mấy so với giống bắp truyền thống đã trồng lâu nay.
"Sau những lần "bám đồng' và qua theo dõi từ các hộ đã trồng nhận thấy, giống ngô LVN 10 phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây. Theo đó vụ đông xuân 2013-2014, từ nguồn kinh phí ngân sách được phân bổ, Trạm Khuyến nông Sơn Hà đã chọn và triển khai điểm tại cánh đồng Nà Rớ, thôn Làng Mùng, xã Sơn Bao"- ông Đinh Văn Trung, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Sơn Hà cho biết.
Tiếng là thí điểm thế nhưng không như những lần triển khai với nhiều loại cây trồng khác trước đó, mô hình bắp lai LVN 10 được thực hiện từ tháng 12.2013-4.2014, trên diện tích lên đến 40 sào (500m2/sào), với sự tham gia của 40 hộ, tổng kinh phí trên 30 triệu đồng.
Để mô hình đạt hiệu quả, trước và khi thực hiện Trạm Khuyến nông huyện đã tổ chức tập huấn kỹ thuật cho số hộ tham gia; tổ chức cho người dân làm đất, xử lý đất, bón phân lót, tỉa dặm... theo đúng quy trình. Ngoài ra, trạm còn mời cán bộ thôn, xã tham gia để có sự phối hợp chỉ đạo kịp thời.
Kết quả đầy khả quan
Trong quá trình thực hiện, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn như: Ngay sau khi xuống giống gặp đợt không khí lạnh kéo dài, tiếp đến trời khô hanh làm cho bắp nẩy mầm không thuận lợi, sâu bệnh phát sinh nhiều làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của bắp; giai đoạn bắp xoắn nõn trổ cờ thì thời tiết lại khô hạn; diện tích thực hiện mô hình rộng, trong khi đó trình độ nhận thức còn hạn chế nên không ít hộ tham gia vẫn chưa thực hiện tốt theo qui trình đã hướng dẫn...
Thế nhưng nhờ trước đó có sự chuẩn bị tốt, cho nên những trở ngại trên đã được xử lý, khắc phục kịp thời. Nhờ vậy kết quả thu được từ mô hình vẫn không thấp so với dự kiến ban đầu. Theo đó năng suất bắp đạt được trên 56tạ/ha, gấp từ 4-6 lần so với giống bắp truyền thống.
Ông Đinh Văn Treo- một trong số những hộ tham gia mô hình này bộc bạch: Cây bắp thì lâu nay gia đình vẫn trồng, thế nhưng thu hoạch rất ít. Có mùa chỉ hái được vài gùi thôi. Thế nhưng lần này thì khác, nhờ làm theo hướng dẫn của cán bộ nên khoảng 2 sào, thu hoạch được gần 6 tạ bắp. Đây lần đầu tiên gia đình thu hoạch được nhiều bắp như vậy.
Theo ông Đinh Văn Trung- Trưởng trạm Khuyến nông huyện Sơn Hà cho biết: Ngoài tăng lợi nhuận trên cùng một diện tích sản xuất, điều quan trọng không kém là qua mô hình này từng bước giúp người dân, đặc biệt là đồng bào thiểu số địa phương nâng cao nhận thức trong thực hiện hình thức gieo trồng gối vụ, xen canh; tiếp thu và áp dụng những tiến bộ khoa học kĩ thuật; tận dụng nguồn lực sẵn có như đất đai, lao động để có xác định đầu tư phù hợp.
"Từ thành công bước đầu, trong những vụ mùa tiếp theo Trạm sẽ triển khai nhân rộng mô hình này ở các địa phương khác có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, qua đó giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, phát triển kinh tế; đồng thời góp phần thúc đẩy nhanh hơn chủ trương chuyển dịch cơ cấu, đa dạng hóa cây trồng ở địa phương"- ông Trung bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Nắng trải đều trên những nương đậu hè thu là thời điểm bà con nông dân tập trung thu hoạch lứa thứ nhất. Vượt qua những thách thức của nắng hạn đầu vụ, đậu xanh năm nay được mùa, được giá.
Mùa nước nổi kéo theo nhiều tôm cá đổ về nội đồng, cũng là thời điểm nông dân tạm gác cuốc cày để thả lưới giăng câu. Nhưng năm nay, đã bước vào trung tuần tháng 7 âm lịch, nhiều cửa hàng bán ngư cụ vẫn thưa khách.
Mùn cưa cây cao su là nguyên liệu chính để trồng nấm sò, sau khi dùng xong, thải ra, ông Đỗ Đình Hòa ở xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn (Bình Định) tái sử dụng trồng nấm rơm có hiệu quả cao.
Cách trung tâm Thủ đô gần 30 km, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) được biết đến bởi mô hình trồng rau hữu cơ giúp nông dân đổi đời với những cánh đồng cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha/tháng.
Nghề nuôi con cá “tỷ đô” này đã trải qua nhiều thăng trầm, không ít nông dân nuôi cá thua lỗ phải “bỏ ao” nhưng hàng năm ông Năm Đời vẫn lời bạc tỷ và trở thành người giàu nhất ở xứ cù lao Tân Phong.