Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vuông tôm nuốt dần cánh đồng mẫu

Vuông tôm nuốt dần cánh đồng mẫu
Ngày đăng: 26/10/2015

Các hộ dân bức xúc đã làm đơn yêu cầu gởi đến các cơ quan chức năng, trong đó có UBND tỉnh Cà Mau, để nhờ giải quyết.

Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo Sở NN&PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Thới Bình xử lý trường hợp trên.

Tuy nhiên, tình trạng người dân tự ý đưa nước mặn vào nuôi tôm trong vùng quy hoạch cánh đồng mẫu ấp 3, xã Tân Lộc Bắc chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí còn có nguy cơ lan rộng, đe doạ xoá sổ cánh đồng mẫu của xã.

Vụ mùa thất trắng

Ông Trần Văn Hà, ấp 3, xã Tân Lộc Bắc chỉ tay vào mấy chục bao lúa còn chất đống sau nhà, cười chua chát:

“12 công đất thu hoạch được nhiêu đây nhưng đem bán không ai mua, cho vịt ăn nó còn chê! Nước bị nhiễm mặn nên thu hoạch toàn lúa lép.

Vụ rồi chỉ gặt được 2 công nằm cách xa chỗ người ta nuôi tôm, còn 10 công cặp bên, thằng con đi mót được 12 bao, nhưng toàn lúa lép”.

 

Ông Phan Văn Trung thản nhiên lấy nước mặn vào nuôi tôm trên ruộng lúa cánh đồng mẫu ấp 3, xã Tân Lộc Bắc.

Ruộng lúa của ông Trần Văn Hà nằm ngay cạnh vuông tôm của ông Phan Văn Trung, người mới lấy nước mặn vào nuôi tôm từ đầu năm nay, nên nước mặn thấm qua, gây thiệt hại gần như toàn bộ diện tích trồng lúa của gia đình.

Ông Trần Văn Hà than thở: “Vụ lúa rồi mất trắng nên giờ gia đình phải gánh khoản nợ mấy chục triệu đồng chi phí mua phân bón, thuốc trừ sâu, công cán thuê mướn... không biết lấy đâu ra tiền để trả”.

Nhìn ra cánh đồng đang chuẩn bị sạ lại vụ mới, bà Lê Kim Yến nói: “Vụ vừa rồi tôi sạ 3,5 công nhưng không thu được bông lúa nào, bởi khi lúa vừa dứt phân thì nhà kế bên bơm nước mặn vào ruộng để nuôi tôm.

Mấy năm qua, năm nào cũng thu hoạch trung bình từ 13 - 15 bao lúa/công, có năm lên đến 18 bao, nhưng vụ rồi thì tìm không ra một bông lúa!”.

Khu vực cánh đồng mẫu thuộc ấp 3, xã Tân Lộc Bắc có tổng diện tích 68 ha, năng suất cao, đem lại thu nhập ổn định. Chính vì lẽ đó, việc một số hộ nằm ở khu vực đất ruộng trũng hơn tự ý chuyển sang nuôi tôm đã gây bức xúc cho đa số người dân nơi đây.

Ông Nguyễn Văn Ðáng, Trưởng ấp 3, cho biết: “Hiện tại khu vực cánh đồng mẫu có 13 hộ đã cuốc đất đắp bờ bao và đưa nước mặn vào nuôi tôm.

Âp vận động tuyên truyền và xã đã xuống lập biên bản vi phạm nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được”.

Ðược biết, từ khi có quy hoạch cánh đồng mẫu, người dân trồng lúa đạt năng suất khá cao, trên 30 giạ/công, đặc biệt năm rồi, trước khi một số hộ dân lấy nước mặn vào nuôi tôm, lúa đạt năng suất đến 40 giạ/công.

Ông Nguyễn Văn Ðáng cho biết:

“Ðất của tôi không nằm trong khu vực cánh đồng mẫu, nhưng tôi có thuê 8,5 công đất trong khu vực này để trồng lúa. Vụ vừa rồi tôi thu hoạch 40 giạ/công, bán được trên 24 triệu đồng (còn 50 giạ lúa chưa bán), trừ chi phí còn lãi trên 20 triệu đồng".

Ông Trần Văn Hà nói: “Trước khi đất ruộng tôi bị nhiễm mặn, năm nào cũng đạt năng suất trung bình trên 35 giạ lúa/công.

Tôi thấy trồng lúa có thu nhập ổn định nên quyết tâm trồng, nhưng với tình hình này gia đình tôi không biết phải sống ra sao?".

Nguy cơ mất cánh đồng mẫu

Trong khi người trồng lúa đang rầu “thối ruột” do mất mùa, nợ nần chồng chất thì những hộ tự ý đưa nước mặn vào nuôi tôm lại phấn khởi ra mặt.

Với việc người dân hăng hái chuyển sang nuôi tôm trong vùng quy hoạch trồng lúa tại cánh đồng mẫu của ấp 3, xã Tân Lộc Bắc như hiện nay thì nguy cơ vuông tôm “nuốt” dần ruộng lúa là khó tránh khỏi.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lộc Bắc Lâm Thị Trúc Mai cho biết:

“Chuyện một số hộ dân tự ý lấy nước mặn vào nuôi tôm trong khu vực cánh đồng mẫu ở ấp 3 mới phát sinh.

Chính quyền địa phương đã nhiều lần lập biên bản xử lý cũng như tuyên truyền để người dân không vi phạm vùng quy hoạch lúa nhưng vấn đề chưa giải quyết được. Chính quyền địa phương đang chờ sự chỉ đạo của cấp trên”.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có công văn chỉ đạo Sở NN&PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Thới Bình về việc xử lý tình trạng tự ý đưa nước mặn vào vùng ngọt hoá để nuôi tôm.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND huyện Thới Bình chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân xã Tân Lộc Bắc sản xuất nông nghiệp đúng quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, không tự ý đưa nước mặn vào vùng ngọt hoá để nuôi tôm;

Đồng thời củng cố hồ sơ, xử lý trường hợp cố tình vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT tăng cường kiểm tra, hướng dẫn Nhân dân xã Tân Lộc Bắc áp dụng mô hình sản xuất phù hợp hệ sinh thái ngọt, có hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Ông Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết:

“Giải quyết vấn đề trên là của chính quyền địa phương, là trách nhiệm của huyện, của xã.

Chuyện này phát sinh nhiều năm nay chứ không phải bây giờ mới có (vấn đề người dân tự ý đưa nước mặn vào nuôi tôm ở vùng chuyên canh trồng lúa). Xử phạt là quyền của địa phương, Sở NN&PTNT là đơn vị chuyên ngành không tham gia xử lý được”.

Khi được hỏi về cách xử lý trường hợp ở ấp 3, xã Tân Lộc Bắc, ông Nguyễn Văn Tranh cho biết:

“Chuyện mình quy hoạch thì quy hoạch nhưng mà người ta không thực hiện quy hoạch thì mình cũng không có chế tài nào để xử người ta được! Cái đó thì tới đâu hay tới đó thôi chớ mình không có cách nào khác?!”.

Với thực trạng và cách xử lý như trên, không quá 1 năm nữa diện tích chuyên canh trồng lúa trong vùng quy hoạch cánh đồng mẫu thuộc ấp 3, xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình sẽ bị "con tôm nuốt" dần nếu như chưa có hướng giải quyết thấu đáo?

 


Có thể bạn quan tâm

Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá lóc đầu nhím Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá lóc đầu nhím

Cá bố mẹ được chọn từ các ao nuôi thương phẩm hoặc các ao nuôi cá hậu bị của trại giống. Chọn cá bố mẹ khỏe mạnh, không bị trầy xước, có trọng lượng khoảng 600 - 1.200 g. Cá có trọng lượng khoảng 700 g có sức sinh sản tốt nhất.

12/08/2015
Tam Nông tập trung phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa Tam Nông tập trung phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa

Hiện nay là thời điểm lúa mùa đang sinh trưởng mạnh, đồng thời cũng là giai đoạn khá nhiều loại sâu bệnh hại lúa như sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bọ xít, rầy… phát triển mạnh. Trong hơn 10 ngày qua thời tiết không thuận lợi, liên tục có mưa khiến cho việc phun thuốc phòng trừ không đạt hiệu quả cao. Nhiều địa phương đã xuất hiện sâu bệnh hại lúa với mật độ khá cao, trong đó có huyện Tam Nông.

12/08/2015
Kiểm tra tình hình sâu bệnh hại lúa mùa tại huyện Thanh Thủy Kiểm tra tình hình sâu bệnh hại lúa mùa tại huyện Thanh Thủy

Vừa qua, đoàn công tác do đồng chí Hoàng Công Thủy - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra thực tế tình hình sâu bệnh hại lúa mùa năm 2015 tại thị trấn Thanh Thủy. Cùng đi có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT; Chi cục BVTV.

12/08/2015
Tư duy và cơ chế với cây sâm Tư duy và cơ chế với cây sâm

Cây sâm khúc trúc - tên gọi dân gian được dược sĩ Đào Kim Long phát hiện vào năm 1973 trên sườn núi Ngọc Linh. Cây sâm đã được đưa vào chữa trị và chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ trong kháng chiến. Sâm Ngọc Linh cũng có tên từ đó. Là cây dược liệu đặc hữu với nhiều hàm lượng vi chất có trong củ, lá, cành còn nhiều hơn cả sâm Hàn Quốc, được các nhà khoa học thế giới khẳng định. Cây sâm có công dụng bồi bổ sức khỏe, chữa trị nhiều bệnh, phục hồi sức khỏe…

12/08/2015
Thu tiền tỷ nhờ trồng đặc sản Thu tiền tỷ nhờ trồng đặc sản

Ông Nguyễn Văn Tân, nông dân tại xã Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ), nổi tiếng tại địa phương vì có vườn cây rộng 5 hécta trồng đặc sản bơ, sầu riêng thu lãi cao. Đặc biệt, ông tự lai tạo ra giống bơ “khủng” với trọng lượng từ 1-1,6kg/trái, luôn bán được giá cao vì được thị trường ưa chuộng.

12/08/2015