Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đánh thức tiềm năng đồng ruộng

Đánh thức tiềm năng đồng ruộng
Ngày đăng: 22/04/2015

Tư duy sản xuất nông nghiệp không “trói buộc” chỉ với cây lúa, nhiều cây trồng mới giá trị kinh tế cao hơn từng bước mạnh dạn chuyển đổi. Ở mỗi địa phương người nông dân có cách nghĩ, cách làm khác nhau, lựa chọn cho mình cây trồng phù hợp, nhưng tựu chung trong tâm tư của họ luôn khát khao được thoát nghèo, được làm chủ từ chính ruộng đồng của mình. Câu chuyện về anh nông dân Đào Đình Bắc ở thôn Nà Dì, xã Dương Quang, thị xã Bắc Kạn là một ví dụ.

Bao năm trồng lúa, thửa ruộng gần 500m2 của gia đình anh Bắc cho thu nhập chẳng đáng kể, mỗi năm chỉ được 2,5 tạ thóc, trừ chi phí các loại chỉ thu về 1,5 triệu đồng tiền lãi. Năm nay anh quyết định chuyển đổi đưa cây khoai môn xuống ruộng mặc dù cây khoai môn ở vùng này người dân thường trồng ở trên đồi. Xuống giống từ cuối năm ngoái, anh đầu tư chăm bón thường xuyên, tháng 5 sẽ thu hoạch. Thửa ruộng của anh trồng được 1.600 gốc khoai mất khoảng 30kg giống. Giá mỗi kg giống 12.000 đồng.

Anh hy vọng thu hoạch được khoảng 1 tấn củ. Giá bán thấp nhất cũng được 15.000 đồng/kg. Tính ra thu nhập sẽ cao gấp nhiều lần so với trồng lúa mà công sức bỏ ra ít hơn. Cùng thôn với anh năm nay còn có 02 hộ gia đình nữa cũng mạnh dạn đưa cây khoai môn xuống ruộng. Không chỉ có vậy, vừa qua anh còn quyết định chặt bỏ cây chuối trên 2 quả đồi rộng hơn 8.000m2 để chuyển sang trồng dứa. Tính sơ sơ năm nay đồi dứa của gia đình cũng có khoảng 2.000 quả, cầm chắc thu nhập hơn chục triệu đồng.

Câu chuyện thứ hai đó là bác nông dân Đào Đình Duy cũng ở thôn Nà Dì, xã Dương Quang. Chỉ có 100m2 trồng tỏi ta thử nghiệm, vừa qua gia đình đã thu về hơn 2 triệu đồng. Phấn khởi năm tới gia đình bác quyết định sẽ chuyển 600m2 đất trồng lúa sang trồng tỏi.

Việc đưa cây cam quýt xuống đất ruộng của một số hộ dân ở xã Rã Bản, Đông Viên huyện Chợ Đồn cho thấy có sự chuyển đổi mạnh trong cách làm. Trước đây 3.000m2 ruộng của hộ gia đình ông Triệu Văn Cành, thôn Cốc Quang xã Rã Bản thường xuyên thiếu nước, cấy lúa, trồng ngô cũng chỉ đươc 1 vụ mà hiệu quả kinh tế thấp.

Việc trồng cam quýt trên đồi ở vùng này thì hiệu quả đã rõ rệt, tuy nhiên đưa cây ăn quả xuống ruộng thực ra chưa có ai làm. Nhờ sự hỗ trợ của dự án do Viện Rau quả Trung ương và Sở Khoa học Công nghệ năm 2007 gia đình ông Cành đã quyết định trồng quýt trên toàn bộ diện tích này với 400 gốc, nay diện tích đã bắt đầu cho quả. Toàn huyện Chợ Đồn có khoảng trên 1ha đất trồng lúa người dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Việc cải tạo, chuyển đổi sang trồng cây ăn quả trên diện tích canh tác cây lương thực kém hiệu quả cần được tính đến.

Có thể nhận thấy sau nhiều năm người nông dân đã nhận thấy giá trị, tiềm năng của đất đai, là thứ để sinh ra của cải. Có thể dẫn ra đây những con số cho thấy sự chuyển đổi rõ rệt trong tư duy sản xuất của người dân trong gần 20 năm qua kể từ ngày tái lập tỉnh: Giai đoạn 1997-2000, sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta gần như bắt đầu từ con số 0, khi đó cả năm người dân chủ yếu cấy 1 vụ lúa mùa,  hệ số vòng quay của đất chỉ đạt 1,1 vụ. Từ 2000-2005, Bắc Kạn đẩy mạnh các chính sách phát triển nông nghiệp, trợ giá, trợ cước 100% cho các mặt hàng giống, phân bón phục vụ sản xuất, đưa tiến bộ khoa học đến với đồng ruộng, năng suất cây trồng, vật nuôi đã tăng đột phá, giải quyết được bài toán an ninh lương thực.

Giai đoạn 2006-2010, ngành nông-lâm nghiệp tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao; sản lượng lương thực tăng nhanh, bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa, góp phần quan trọng trong xoá đói giảm nghèo và phát triển nông thôn.

Đặc biệt, năm 2009, diện tích canh tác đạt giá trị trên 50 triệu đồng/ha là gần 3.000 ha. Và đến nay đã có gần 3.000ha cánh đồng đạt thu nhập 70 triệu đồng. Tỷ lệ vòng quay của đất đã nâng lên 1,96 vụ. Nhiều địa phương đã vận động nhân dân làm vụ 3 (vụ đông) với một số loại cây trồng phù hợp góp phần tăng thu nhập như khoai tây, ngô đông, rau xanh…Nhiều vùng chuyên canh có diện tích cây công nghiệp ngắn ngày lên tới trên 1.000 ha đã hình thành.

Thành tích nổi bật của tỉnh ta những năm gần đây trong lĩnh vực phát triển kinh tế đó là lĩnh vực nông lâm nghiệp đạt tăng trưởng cao. Đó chính là sự tổng hợp của nhiều yếu tố trong đó chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư thâm canh, khai thác hiệu quả diện tích đất nông nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng để tạo thành vùng sản xuất tập trung, đem lại giá trị thu nhập cao hơn.


Có thể bạn quan tâm

Phát triển mô hình lúa cá theo hướng thâm canh Phát triển mô hình lúa cá theo hướng thâm canh

Mô hình kết hợp lúa - cá là giải pháp bền vững nhằm giảm ô nhiễm môi trường, duy trì môi trường sinh thái tự nhiên, tạo ra sản phẩm cá và lúa sạch cung cấp cho thị trường. Đặc biệt, mô hình đã giúp bà con nông dân vùng trũng, vùng lũ chuyển dịch sản xuất, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, hiện nay mô hình này đa phần được bà con nuôi dưới hình thức quảng canh, cơ sở hạ tầng vùng sản xuất yếu và thiếu, con giống, đầu ra sản phẩm còn nhiều bất cập…

07/09/2015
Tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ Tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ

Theo báo cáo của các địa phương, trong 7 tháng đầu năm 2015, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là trên 21.000ha, gây tổn thất lớn về kinh tế của người nuôi và ngân sách nhà nước; người nuôi còn lạm dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trong phòng, chống, trị bệnh cho tôm dẫn đến một số nước đã ngừng hoặc cảnh báo tôm Việt Nam có dư lượng kháng sinh vượt giới hạn cho phép.

07/09/2015
Mỹ lại áp thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam Mỹ lại áp thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ra phán quyết sơ bộ mức thuế chống bán phá giá lần thứ 11 (POR11) đối với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam vào thị trường này trong giai đoạn 1/8/2013 đến 31/7/2014.

07/09/2015
Kiểm tra đột xuất trại nuôi heo nghi vấn sử dụng chất cấm Kiểm tra đột xuất trại nuôi heo nghi vấn sử dụng chất cấm

Ngày 3-9, Đoàn kiểm tra của Chi cục Thú y Đồng Nai đã kiểm tra đột xuất trang trại nuôi heo Tuyết An tại xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu).

07/09/2015
Làm giàu từ nuôi dúi Làm giàu từ nuôi dúi

Anh Dư Văn Hai – chủ trang trại chăn nuôi dúi, xã Minh Quang (Tam Đảo - Vĩnh Phúc) không chỉ được người dân địa phương biết đến mà nhiều nhà hàng lớn ở Vĩnh Phúc và các tỉnh, thành lân cận như: Hà Nội, Tuyên Quang, Phú Thọ... biết tiếng. Với quy mô chăn nuôi lên đến hàng nghìn con, trang trại của anh Hai được Hội Các ngành sinh học Việt Nam (Bộ Công thương) và Bộ NN&PTNT nhiều lần tới tham quan.

07/09/2015