Trang chủ / Hải sản / Tôm càng xanh

Đánh Thức Nguồn Lợi Tôm Càng Xanh

Đánh Thức Nguồn Lợi Tôm Càng Xanh
Ngày đăng: 04/03/2011

Tôm càng xanh là loài thủy sản không xa lạ với người dân Cà Mau. Từ khi chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm sú, con tôm càng xanh ít được người dân chú trọng. Những năm gần đây, khi nguồn lợi ngoài tự nhiên cạn kiệt, nông dân bắt đầu nuôi đối tượng "mới" này. Thế nhưng, hình thức nuôi chủ yếu vẫn là bắt con giống ngoài tự nhiên.

Triển vọng một mô hình

Thời gian qua, con tôm càng xanh hầu như biến mất ở Cà Mau khi độ mặn ngày càng tăng do sự thay đổi của thời tiết. Sau nhiều năm con tôm sú “lên ngôi” trên vùng ngọt hóa của các huyện Thới Bình, Trần Văn Thời, U Minh... môi trường nuôi ngày càng xấu đi, dinh dưỡng trong môi trường tự nhiên thấp nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra.

Nạn tôm chết kéo dài làm cho nông dân ngày càng ý thức hơn trong việc tìm các đối tượng nuôi thích hợp với sự thay đổi của môi trường. Và con tôm càng xanh là một đối tượng nuôi đầy triển vọng trên vùng đất nuôi kết hợp tôm - lúa của vùng nước lợ và ngọt hóa.

Ông Nguyễn Văn Khoái, ấp Trương Thoại, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, là người mê con tôm càng từ 2 đến 3 năm nay. Do vào mùa mưa ông bắt tôm càng cỡ nhỏ từ con sông trước nhà thả vào vuông nuôi rất hiệu quả. Thế nhưng 3 năm qua, ông không tìm mua được con giống để thả nuôi.

Ông cho biết: "Đây là một trong những mô hình nuôi kết hợp với tôm sú trên ruộng lúa mang lại hiệu quả cao. Nhưng do tôm càng là đối tượng mới, người nông dân chưa mạnh dạn đầu tư. Tôi tiên phong đi đầu để cho bà con nông dân như tôi thấy đối tượng tôm càng này được nuôi trên ruộng lúa cho hiệu quả kinh tế khá cao".

Nếu mô hình lúa - tôm thời gian qua đã khẳng định tính hiệu quả thì đối tượng tôm càng xanh kết hợp với trồng lúa sẽ bền vững hơn. Đó là do trong quá trình nuôi, con tôm càng không xảy ra dịch bệnh, không cần cho ăn và có thể nuôi cùng với tôm sú mà không bị ảnh hưởng dịch bệnh từ tôm sú.

Ông Phạm Văn Triệu, cùng ấp Trương Thoại, khi tham quan mô hình của ông Khoái, nói: "Tôi thấy mê quá, nhất định nuôi tôm càng này vào vụ lúa năm nay. Mô hình của anh Khoái cho thu hoạch trên 100 triệu đồng, cả 3 đối tượng: tôm càng xanh, tôm sú và lúa. Hiện tại trong xã này chỉ có 2 người tiên phong nuôi theo mô hình này".

Sau 6 tháng thả nuôi với 40 ngàn con tôm giống càng xanh xen canh với tôm sú và trồng một vụ lúa, mỗi tháng ông Khoái đặt lú thu hoạch tôm sú từ 4 - 5 triệu đồng; 17 công lúa, mỗi công thu hoạch 27 giạ lúa khô. Chỉ tính 2 đối tượng này ông thu về trên 60 triệu đồng. Khi tôm càng xanh được 6 tháng, ông tiến hành tát nước thu hoạch được gần 500 kg. Giá tôm càng của ông bán dao động từ 70 - 170 ngàn đồng/kg, trừ chi phí con giống 8 triệu đồng, ông còn lãi trên 50 triệu đồng. Là người đi đầu trong mô hình nuôi cua xen với tôm sú, giờ đây ông Khoái cũng đi đầu về mô hình nuôi tôm càng trên ruộng lúa cho năng suất cao ở huyện Thới Bình.

Dễ dàng nhân rộng

Ông Khoái cho biết thêm: "Thật sự tôi rất mê con tôm càng nhưng không tìm được con giống. Rất may là gần đây tại Cà Mau có Công ty Giống thủy sản Phụng Hiệp chuyên cung cấp tôm càng giống giúp cho bà con chúng tôi có con giống thả nuôi.

Ngoài ra, Công ty Giống thủy sản Phụng Hiệp còn hướng dẫn kỹ thuật nuôi, hỗ trợ tiền con giống đến 3 tháng, khi nào tôi thấy nuôi có hiệu quả, thấy được con tôm càng lớn lên trong ruộng nuôi thì mới trả tiền".

Do tôm càng không vào lú nên người nuôi tôm sú chung với tôm càng dễ dàng thu hoạch tôm sú mà không ảnh hưởng đến tôm càng. Khi đến thời điểm 6 tháng nuôi thì có thể tát cạn nước thu hoạch rất dễ dàng.

Anh Lê Minh Tài, ấp Trương Thoại, với diện tích 15 công tầm lớn anh thả 20 ngàn con tôm càng giống thu hoạch 200 kg tôm thịt, lãi trên 20 triệu đồng; thu hoạch lúa gần 30 triệu đồng. Anh phấn khởi nói: "Mô hình này rất thành công. Vụ tới, tôi nuôi với mật độ dày hơn, đồng thời tôi cho ăn dặm. Vụ này tôi thả 2 con/m2, vụ tới tôi sẽ thả 5 con/m2, chắc chắn sẽ cho hiệu quả cao hơn".

Kỹ sư Hồ Sơn Lăm, cán bộ khuyến nông - khuyến ngư xã Trí Phải, huyện Thới Bình, cho biết: "Vừa qua, Phòng Nông nghiệp huyện đã chọn đánh giá 20 hộ nuôi đối tượng tôm càng này kết hợp với trồng lúa thuộc đề án tôm - lúa của tỉnh. Kết quả bình quân lúa đạt 25 giạ/công, tôm càng đạt từ 80 kg/ha trở lên. Huyện sẽ nhân rộng mô hình này trong thời gian tới".

Được biết, nông dân chỉ đầu tư 40%, số còn lại Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ 40% lúa giống, tôm càng giống, 20% vật tư nông nghiệp và thức ăn cho tôm nuôi. Diện tích thả nuôi mỗi hộ là 1 ha với 15 ngàn con tôm càng giống. Hiện nông dân đang thu hoạch trung bình tôm đạt trọng lượng 15 con/kg.


Có thể bạn quan tâm

Niềm vui trên cánh đồng lúa tôm càng xanh Niềm vui trên cánh đồng lúa tôm càng xanh

Tận dụng điều kiện thực tế của địa phương, nhiều năm qua huyện Thới Bình (Cà Mau) đã phát triển nhiều mô hình kinh tế đa cây, đa con mang lại thu nhập cao. Trong đó, mô hình lúa – tôm càng xanh ngày càng khẳng định được vị thế trên đồng đất Thới Bình.

16/11/2015
Kỹ thuật ương tôm càng xanh trong nhà vèo Kỹ thuật ương tôm càng xanh trong nhà vèo

Hệ thống nuôi vèo siêu thâm canh hiện nay giúp tăng đáng kể lợi nhuận cho người nuôi tôm

10/09/2015
Nuôi tôm càng xanh bền vững tại Ấn Độ Nuôi tôm càng xanh bền vững tại Ấn Độ

Nghề nuôi tôm càng xanh đã tồn tại hàng chục năm nay tại Ấn Độ với nhiều biện pháp nuôi hiệu quả và luôn hướng tới tính bền vững.

10/09/2015
Kỹ thuật ương tôm càng xanh trong ao nổi lót bạt Kỹ thuật ương tôm càng xanh trong ao nổi lót bạt

Tôm càng xanh là một loài tôm nước ngọt có nguồn gốc ở vùng Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương và bắc Úc.

10/09/2015
Kỹ thuật nuôi tôm càng xanh trong ao Kỹ thuật nuôi tôm càng xanh trong ao

Kỹ thuật nuôi tôm càng xanh trong ao (Địa điểm xây dựng ao nuôi, Tính chất đất, Công trình ao nuôi, Chuẩn bị ao…)

10/09/2015