Đắng ngắt quýt đường
Điều đáng quan tâm là hiện đang vào mùa thu hoạch chính vụ, nhưng hàng loạt vườn quýt bị rụng trái, giá cả ngày càng hạ do tư thương ép giá, nông dân đứng ngồi không yên.
Đây là bài học và cũng là hồi chuông cảnh báo cho tình trạng phát triển nóng vội, tràn lan, thiếu chiến lược quy hoạch về loại cây trồng này trên địa bàn tỉnh.
Dốc vốn vào quýt
Bán hết gia sản ở Tiền Giang được hơn 2,5 tỷ đồng, gia đình ông Nguyễn Văn Thùng chọn ấp 7, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh làm quê hương thứ 2.
Toàn bộ gia sản, gia đình ông đầu tư hết vào vườn quýt đường rộng 4 ha.
Sau 2 năm đổ ra bao mồ hôi, công sức, tiền của, cây quýt không phụ lòng người, phát triển tốt và đang cho lứa trái đầu tiên.
“Theo tôi, vùng đất Lộc Hưng rất hợp với cây quýt đường.
Ở miền Tây thu khoảng 6 năm là hết, còn ở đây thì thời gian dài hơn, bệnh cũng ít hơn.
Như ông anh tôi lên trước, 1 ha thu 1 tỷ đồng mỗi năm là chuyện bình thường nên tôi cũng hy vọng được như vậy” - ông Thùng kỳ vọng.
Vợ chồng ông Vũ Trọng Lưới xót xa khi vườn quýt rụng gần hết trái
Hộ ông Thùng chỉ là 1 trong 15 hộ đang đầu tư trồng quýt đường với diện tích gần 50 ha tại xã Lộc Hưng.
Các hộ trồng quýt nơi đây chủ yếu từ Bình Dương và miền Tây lên.
Họ đã bán hết tài sản ở quê để đầu tư và hộ nào cũng kỳ vọng, mong chờ loại cây này sẽ giúp họ đổi đời trên quê hương mới.
Mơ ước, kỳ vọng là quyền của mỗi người, nhưng khi phải đối diện với thực tế rủi ro do quýt đường bị bệnh rụng trái hàng loạt như tại xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài khiến những ai đang trồng loại cây này không thể làm ngơ.
Cả gia sản của anh Đoàn Thế Phúc ở ấp 8, xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài chỉ có 3 sào quýt đường.
Năm rồi, anh thu bói được 1 tấn trái, tạm đủ chi phí phân bón, thuốc bảo vệ chăm sóc vườn cây.
Những tưởng vào chính vụ năm nay, năng suất sẽ gấp đôi, gấp ba, kinh tế ổn hơn.
Vậy mà vườn quýt sắp bước vào thời kỳ thu hoạch thì cứ đụng tay vào cành là trái rụng tả tơi.
Tận mắt chứng kiến, ai cũng phải xót xa!
Nhận lại trái đắng
Những người chưa có nhiều kinh nghiệm như hộ anh Phúc đành bấm bụng nhìn quýt rụng khắp vườn đã đành.
Ngay cả những người là thành viên tổ trồng quýt đường của xã Tân Thành, vốn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm cho nhau thì vườn quýt của họ cũng không mấy sáng sủa.
Vườn quýt 2 ha của hộ ông Nguyễn Văn Hùng ở ấp 8, thành viên tổ hợp tác trồng quýt đường của xã Tân Thành cũng trái rụng la liệt.
Ông Hùng cho biết: “Bệnh rụng trái đã làm giảm năng suất phần diện tích 2 sào đang cho thu hoạch trên 70%.
Đầu mùa, ước đạt khoảng 8 tấn trái, hiện chỉ còn khoảng trên dưới 1 tấn.
Giá quýt cũng rớt thảm hại.
Lúc cao điểm quýt loại 1 giá trên 30 ngàn đồng/kg, nay chỉ còn lại 13, 14 ngàn đồng/kg; quýt loại 2 chỉ 5.000 đồng/kg.
Rẻ nhưng nông dân trồng quýt vẫn bị tư thương ép giá và người trồng phải đem rao bán khắp nơi.
Là thành viên tổ hợp tác, cũng như ông Hùng, 2 ha quýt đường 5 năm tuổi của hộ ông Vũ Trọng Lưới không có cách gì cứu vãn được.
Gần 4 tháng nay, từ khi ra bông, đậu trái đến thời điểm thu hoạch, vườn quýt cứ lần lượt vàng cuống rồi rụng trái dần.
Nhiều cây trái rụng vàng cả gốc.
“Tôi mong các nhà khoa học sớm đến giúp những người trồng quýt đường tìm ra nguyên nhân gây bệnh rụng trái.
Làm ăn thế này quá khổ.
Ở đây, 10 hộ thì có đến 9 hộ bị thất mùa, rụng trái như nhà tôi”.
Dân mong ngành hữu quan vào cuộc
Xã Tân Thành hiện có hơn 300 ha quýt đường đang cho thu hoạch, được thị xã Đồng Xoài chọn làm cây trồng chiến lược và là mô hình điểm trong xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên 4 tháng nay, kể từ khi tình trạng quýt bị bệnh rụng trái hàng loạt và người trồng đã nhiều lần phản ánh, hiện vẫn chưa có đơn vị chức năng nào vào cuộc.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng cây quýt đường bị rụng trái hàng loạt, theo phỏng đoán của người trồng, có thể do cây giống không đảm bảo; cũng có thể do thuốc giả, phân kém chất lượng và cũng có thể do thời tiết và nhiều nguyên nhân khác gây ra.
Cho dù với bất kỳ nguyên nhân nào, nhưng một khi đã chọn đây là cây trồng chủ lực, là chiến lược để phát triển kinh tế thì phải có sự quan tâm, hướng dẫn, hỗ trợ đúng mức và kịp thời của chính quyền cả về đầu tư, hỗ trợ về quy hoạch, vốn vay, kỹ thuật trồng, chăm sóc, đầu ra và xây dựng thương hiệu cho nông sản của nông dân.
Hạn chế tình trạng tự phát, ồ ạt trồng.
Khi xảy ra dịch bệnh phải phản ứng nhanh, khẩn trương vào cuộc để có hướng xử lý.
Bởi nếu để dịch bệnh kéo dài, sự thiệt thòi, thất thu của người dân ngày càng lớn.
Hệ lụy là sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cũng bị ảnh hưởng theo.
Có thể bạn quan tâm
Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Như Thanh đã có nhiều giải pháp tăng cường công tác chỉ đạo để nhân dân phát triển kinh tế đồi rừng, đưa kinh tế đồi rừng trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương. Nhờ vậy, kinh tế của huyện có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân được cải thiện, nhiều hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Xác định đưa cơ giới hóa vào sản xuất là động lực để hiện đại hóa nền nông nghiệp và góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, huyện Đông Anh (Hà Nội) quyết tâm ứng dụng mô hình mạ khay, máy cấy vào sản xuất lúa, từng bước giúp người dân nâng cao hiệu quả canh tác, tăng thu nhập.
Vụ mùa năm 2014, huyện Hoằng Hóa gieo cấy gần 8.000 ha lúa, trong đó chủ yếu là các giống ngắn ngày như BC15, DQ11, Bắc Thơm... Tính đến ngày 31-7, cây lúa sinh trưởng, phát triển nhanh, lúa đại trà vụ mùa đang ở giai đoạn kết thúc đẻ nhánh bước vào giai đoạn đứng cái làm đòng.
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT Tam Bình (Vĩnh Long), từ nay đến năm 2015, huyện sẽ khuyến khích nhà vườn không trồng mới mà tập trung đầu tư thâm canh nâng cao chất lượng cam sành, ổn định diện tích trồng theo quy hoạch khoảng 2.000ha ở các xã Bình Ninh, Loan Mỹ, Ngãi Tứ, Mỹ Thạnh Trung, Tường Lộc, Hòa Lộc và Hòa Hiệp; đồng thời kêu gọi hợp tác xã xây dựng mạng lưới thu mua.
Chiều 5.8, lãnh đạo Công ty cổ phần thủy sản Bình Định (Bidifisco) và Công ty Kato Hitoshi General Office Co., Ltd (Kato Office) của Nhật Bản đã chính thức ký kết hợp đồng kinh doanh đại lý độc quyền.