Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đắng Mùa Dưa Tết

Đắng Mùa Dưa Tết
Ngày đăng: 05/03/2015

Những ngày giáp Tết Ất Mùi vừa qua, nhiều chủ ruộng dưa ở thị trấn Võ Xu (Đức Linh - Bình Thuận) ngậm ngùi bỏ lại ruộng dưa không thèm thu hoạch! Ngoài đồng dưa bỏ lăn lóc, bên vệ đường những điểm thu mua dưa chất đống như núi với giá 1.200 đồng/ký, chỉ bằng 1/10 của mùa dưa năm ngoái...

Sau mấy ngày tết, tôi đi thăm mấy người bà con trên huyện Đức Linh, bữa ăn nào cũng được chủ nhà tráng miệng bằng món... “dưa hấu ở địa phương”. Dưa ngọt, nhưng nhiều quá, đâm ra món tráng miệng này không còn mấy ấn tượng. Cho đến khi về, tôi được biếu đến mấy giỏ nặng trịch, từ chối hoài mới biết: “Dưa ở đây rẻ lắm, đem về ăn cho đã...”.

Tiễn tôi ra ngõ, chủ nhà chỉ vào đống dưa còn to đùng bên vệ đường: “Kia kìa, đống dưa đó thằng Hai hôm trong năm đi chở thuê cho người ta, họ không có tiền trả, cấn trừ bằng dưa, thấy rẻ nó chở về mấy tấn, phục vụ bà con trong xóm ăn tết, kiếm lại tiền cước, nhưng để đó hôm trong năm tới giờ, có mấy ai đến mua... cần thêm thì ra đó, chỉ có 1.000 đồng/ký...”.

Việc được mùa, mất giá là chuyện thường tình đối với nhà nông, nhưng hiện tượng “dưa đắng” ở thị trấn Võ Xu trong dịp tết vừa rồi, thì đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy. Quyết định chậm chuyến đi về, tôi ghé thăm vài điểm trồng dưa để biết thực hư. Cô bán dưa bên đường gần ngay trạm bơm Võ Xu, đon đã mời tôi, nếu anh mua nhiều em tính... 1.200 đồng/ký.

Hỏi thêm mới biết, năm ngoái người ta xuất dưa sang Trung Quốc nhiều, nên giá cao, năm nay số người canh để xuất sang Trung Quốc nhiều quá mà họ lại không mua nên ứ lại đây. “Bây giờ, anh đi hỏi chuyện mấy chủ dưa, thì hỏi cho khéo khéo, chứ họ đang buồn bực lắm đó” - chị bán dưa mách trước cho tôi.

Rẻ như... dưa hấu tết!

Cận tết năm ngoái, giá dưa hấu như cơn sốt ở khu vực ven sông La Ngà thuộc huyện Đức Linh, có lúc lên đến 12.000 - 14.000 đồng/ký. Còn cận tết năm nay, giá mua xô tại ruộng cũng chỉ 1.000 đồng/ký. Nhiều chủ ruộng dưa phủi tay, gạt nước mắt đành cam chịu một cái tết không tiền tiêu xài.

Có người ở địa phương khác đến mướn ruộng trồng dưa, 2 tháng trời ăn ngủ cùng với dưa, đến cận ngày thu hoạch bỗng nhiên anh ta mất tích. Hỏi ra mới biết anh ta... bỏ của chạy lấy người; xù tiền mướn ruộng, xù luôn tiền phân thuốc ứng trước ở mấy đại lý. Vậy là ai cũng trắng tay. Anh Nguyễn Văn Tám, ở Võ Xu cho biết, anh canh tác 3 sào dưa, chi phí phân thuốc công cán hơn 21 triệu đồng.

Ruộng dưa anh chăm sóc tốt, nhẩm tính được 3 tấn/sào với diện tích ấy anh có 9 tấn, chỉ cần giá bằng một nửa năm ngoái thôi, anh có khoảng 50 triệu đồng. Nhưng người tính không bằng... thị trường tính, 9 tấn dưa, anh bán tại ruộng đúng 9 triệu đồng, lỗ đứt 12 triệu đồng vốn bỏ ra đầu tư với hai tháng trời thấp thỏm bụng mừng đón cái tết năm nay sẽ được tươm tất.

Với anh Tám như thế cũng còn may, ai làm nhiều lỗ nhiều, có người không có ruộng làm, đi mướn 1,5 - 2 triệu đồng/sào, cộng với chi phí phân thuốc cố định thêm 7 triệu đồng nữa, nhưng giá bán cũng chỉ là 1.000 đồng/ký. Rất nhiều gia đình ở thị trấn Võ Xu lỗ hàng chục triệu đồng vì đầu tư cho mùa dưa tết năm nay.

Không chỉ người trồng dưa...

Không chỉ có người trồng dưa điêu đứng. Hệ lụy kèm theo là những đại lý phân thuốc, hoặc chủ nậu vựa bao tiêu thu mua ở nơi đây cũng méo mặt vì cái quan hệ làm ăn ở nông thôn. Việc đầu tư ứng trước cho nông dân từ lâu là cách làm ăn hỗ trợ lẫn nhau rất hữu ích cho người làm lẫn người thu mua, nhưng khi gặp thị trường nhũng như thế này, không ít người trồng giao hẳn đám dưa cho chủ nợ gỡ vốn.

Họ phá vỡ giao kèo ra về với bàn tay trắng, còn chủ đầu tư đành bán tống bán tháo để gỡ lại phần nào vốn mình đã đầu tư. Không ít những trường hợp xảy ra tranh chấp, ẩu đả lẫn nhau ở những ruộng dưa vào dịp cận tết vừa rồi. Bởi vì chủ thu mua cam kết bao tiêu giá cả theo thị trường, nhưng khi dưa ế ẩm họ lại lựa chọn quá khắt khe, ném bỏ không thương tiếc những quả dưa không được đẹp.

Sẽ còn nhiều tháng năm nữa, vị đắng của quả dưa hấu tết năm nay sẽ vẫn còn được nhắc tới với những người nông dân một nắng hai sương. Tạm biệt con sông La Ngà hiền hòa tưới mát những cánh đồng nơi nó đi qua, bao nhiêu phù sa bồi đắp, chắc chưa đủ để kết trái ngọt cho nơi này.


Có thể bạn quan tâm

Thực Hiện Chính Sách Bảo Hiểm Phát Triển Thủy Sản Từ 25/8 Thực Hiện Chính Sách Bảo Hiểm Phát Triển Thủy Sản Từ 25/8

Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư số 115 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 67/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

23/08/2014
Lai Châu Sốc Lại Cây Chè Lai Châu Sốc Lại Cây Chè

PGS.TS Lê Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ nói vui: “Các em sinh viên hăng hái đo đếm, lấy khí… quý thầy”. Thật ra đó là khí thải môi trường của nhóm nghiên cứu do GS.TS Lê Quang Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (BĐKH) chỉ đạo; khí thải chăn nuôi do GS.TS. Nguyễn Văn Thu theo dõi.

03/09/2014
Nuôi Thử Nghiệm Tôm Thẻ Chân Trắng Ở Cù Lao Long Trị, Xã Long Đức, Thành Phố Trà Vinh Nuôi Thử Nghiệm Tôm Thẻ Chân Trắng Ở Cù Lao Long Trị, Xã Long Đức, Thành Phố Trà Vinh

Theo một số người dân ở ấp Long Trị, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh: Vụ tôm năm 2014, lần đầu tiên ở cù lao ấp Long Trị, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh có một hộ dân ở thành phố Trà Vinh đến thuê đất để nuôi thử nghiệm tôm thẻ chân trắng.

23/08/2014
Sử Dụng Chất Cấm Trong Thức Ăn Chăn Nuôi Bị Truy Tố! Sử Dụng Chất Cấm Trong Thức Ăn Chăn Nuôi Bị Truy Tố!

Cục Chăn nuôi phối hợp với các tỉnh sẽ kết hợp với cơ quan công an, tiến hành điều tra, kiểm tra gắt gao chất lượng thức ăn chăn nuôi (TĂCN), đặc biệt là sử dụng chất cấm.

23/08/2014
Vững Bước Trong Mọi Thử Thách Vững Bước Trong Mọi Thử Thách

Sáu tháng đầu năm 2014, doanh thu của toàn Tổng công ty đạt trên 650 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 50 tỷ đồng, nộp ngân sách tỉnh 18 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 5,7 triệu đồng/tháng, cổ tức đạt 20%...

03/09/2014