Đắng Mùa Dưa Tết

Những ngày giáp Tết Ất Mùi vừa qua, nhiều chủ ruộng dưa ở thị trấn Võ Xu (Đức Linh - Bình Thuận) ngậm ngùi bỏ lại ruộng dưa không thèm thu hoạch! Ngoài đồng dưa bỏ lăn lóc, bên vệ đường những điểm thu mua dưa chất đống như núi với giá 1.200 đồng/ký, chỉ bằng 1/10 của mùa dưa năm ngoái...
Sau mấy ngày tết, tôi đi thăm mấy người bà con trên huyện Đức Linh, bữa ăn nào cũng được chủ nhà tráng miệng bằng món... “dưa hấu ở địa phương”. Dưa ngọt, nhưng nhiều quá, đâm ra món tráng miệng này không còn mấy ấn tượng. Cho đến khi về, tôi được biếu đến mấy giỏ nặng trịch, từ chối hoài mới biết: “Dưa ở đây rẻ lắm, đem về ăn cho đã...”.
Tiễn tôi ra ngõ, chủ nhà chỉ vào đống dưa còn to đùng bên vệ đường: “Kia kìa, đống dưa đó thằng Hai hôm trong năm đi chở thuê cho người ta, họ không có tiền trả, cấn trừ bằng dưa, thấy rẻ nó chở về mấy tấn, phục vụ bà con trong xóm ăn tết, kiếm lại tiền cước, nhưng để đó hôm trong năm tới giờ, có mấy ai đến mua... cần thêm thì ra đó, chỉ có 1.000 đồng/ký...”.
Việc được mùa, mất giá là chuyện thường tình đối với nhà nông, nhưng hiện tượng “dưa đắng” ở thị trấn Võ Xu trong dịp tết vừa rồi, thì đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy. Quyết định chậm chuyến đi về, tôi ghé thăm vài điểm trồng dưa để biết thực hư. Cô bán dưa bên đường gần ngay trạm bơm Võ Xu, đon đã mời tôi, nếu anh mua nhiều em tính... 1.200 đồng/ký.
Hỏi thêm mới biết, năm ngoái người ta xuất dưa sang Trung Quốc nhiều, nên giá cao, năm nay số người canh để xuất sang Trung Quốc nhiều quá mà họ lại không mua nên ứ lại đây. “Bây giờ, anh đi hỏi chuyện mấy chủ dưa, thì hỏi cho khéo khéo, chứ họ đang buồn bực lắm đó” - chị bán dưa mách trước cho tôi.
Rẻ như... dưa hấu tết!
Cận tết năm ngoái, giá dưa hấu như cơn sốt ở khu vực ven sông La Ngà thuộc huyện Đức Linh, có lúc lên đến 12.000 - 14.000 đồng/ký. Còn cận tết năm nay, giá mua xô tại ruộng cũng chỉ 1.000 đồng/ký. Nhiều chủ ruộng dưa phủi tay, gạt nước mắt đành cam chịu một cái tết không tiền tiêu xài.
Có người ở địa phương khác đến mướn ruộng trồng dưa, 2 tháng trời ăn ngủ cùng với dưa, đến cận ngày thu hoạch bỗng nhiên anh ta mất tích. Hỏi ra mới biết anh ta... bỏ của chạy lấy người; xù tiền mướn ruộng, xù luôn tiền phân thuốc ứng trước ở mấy đại lý. Vậy là ai cũng trắng tay. Anh Nguyễn Văn Tám, ở Võ Xu cho biết, anh canh tác 3 sào dưa, chi phí phân thuốc công cán hơn 21 triệu đồng.
Ruộng dưa anh chăm sóc tốt, nhẩm tính được 3 tấn/sào với diện tích ấy anh có 9 tấn, chỉ cần giá bằng một nửa năm ngoái thôi, anh có khoảng 50 triệu đồng. Nhưng người tính không bằng... thị trường tính, 9 tấn dưa, anh bán tại ruộng đúng 9 triệu đồng, lỗ đứt 12 triệu đồng vốn bỏ ra đầu tư với hai tháng trời thấp thỏm bụng mừng đón cái tết năm nay sẽ được tươm tất.
Với anh Tám như thế cũng còn may, ai làm nhiều lỗ nhiều, có người không có ruộng làm, đi mướn 1,5 - 2 triệu đồng/sào, cộng với chi phí phân thuốc cố định thêm 7 triệu đồng nữa, nhưng giá bán cũng chỉ là 1.000 đồng/ký. Rất nhiều gia đình ở thị trấn Võ Xu lỗ hàng chục triệu đồng vì đầu tư cho mùa dưa tết năm nay.
Không chỉ người trồng dưa...
Không chỉ có người trồng dưa điêu đứng. Hệ lụy kèm theo là những đại lý phân thuốc, hoặc chủ nậu vựa bao tiêu thu mua ở nơi đây cũng méo mặt vì cái quan hệ làm ăn ở nông thôn. Việc đầu tư ứng trước cho nông dân từ lâu là cách làm ăn hỗ trợ lẫn nhau rất hữu ích cho người làm lẫn người thu mua, nhưng khi gặp thị trường nhũng như thế này, không ít người trồng giao hẳn đám dưa cho chủ nợ gỡ vốn.
Họ phá vỡ giao kèo ra về với bàn tay trắng, còn chủ đầu tư đành bán tống bán tháo để gỡ lại phần nào vốn mình đã đầu tư. Không ít những trường hợp xảy ra tranh chấp, ẩu đả lẫn nhau ở những ruộng dưa vào dịp cận tết vừa rồi. Bởi vì chủ thu mua cam kết bao tiêu giá cả theo thị trường, nhưng khi dưa ế ẩm họ lại lựa chọn quá khắt khe, ném bỏ không thương tiếc những quả dưa không được đẹp.
Sẽ còn nhiều tháng năm nữa, vị đắng của quả dưa hấu tết năm nay sẽ vẫn còn được nhắc tới với những người nông dân một nắng hai sương. Tạm biệt con sông La Ngà hiền hòa tưới mát những cánh đồng nơi nó đi qua, bao nhiêu phù sa bồi đắp, chắc chưa đủ để kết trái ngọt cho nơi này.
Related news

Tổng đàn bò của huyện Ba Tri (Bến Tre) hiện có khoảng 71 ngàn con, trong đó xã Phước Tuy có trên 3.600 con. Ông Nguyễn Văn Lư - Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã Phước Tuy, chia sẻ: “Những năm gần đây, nghề nuôi bò thịt phát triển mạnh, xã có hơn một ngàn hộ nông nghiệp thì hầu như nhà nào cũng nuôi từ một đến hai con bò, có nhà nuôi năm, bảy con đến cả chục con”. Nghề nuôi bò sinh sản, bò thịt vỗ béo đã giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo và nhân rộng số hộ khá, giàu tại xã.

Được sự giới thiệu của anh Lê Đình Nguyên, Chủ tịch Hội Nông dân Tp. Phan Rang Tháp Chàm, chúng tôi đến khu phố 6, phường Phủ Hà tìm gặp ông Lê Tấn Báu, nông dân tiêu biểu sản xuất giỏi của thành phố.

Liên quan đến thông tin liệu có dừng thí điểm bảo hiểm nông nghiệp hay không, đại diện Bộ Tài chính khẳng định: Vẫn tiếp tục chương trình này, vì qua thực tiễn thí điểm, kết quả đạt được tương đối tốt và có nhiều ý kiến đề xuất đưa ra thực hiện đại trà.

Sáng sớm ngày 13-3, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Lương 51 tuổi tất bật vào mùa thu hoạch thuốc lá vàng sấy. Anh Lương là một trong những nông dân tiêu biểu vượt khó vươn lên làm giàu bảo đảm cuộc sống no ấm từ đồng đất Nha Húi thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn. Anh vận động gia đình thi đua sản xuất giỏi tích cực góp phần xây dựng nông thôn mới.

Chúng tôi thật sự ấn tượng trước mô hình kinh tế gia trại phát triển theo hướng bền vững của ông Huỳnh Miên. Hệ thống gia trại được đầu tư xây dựng nề nếp phản ảnh tinh thần nỗ lực vươn lên làm giàu từ nông nghiệp, chung tay xây dựng nông thôn mới của người nông dân có gần nửa thế kỷ gắn bó với vùng đất xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước.