Dẫn Đầu Về Xây Dựng Nông Thôn Mới
Thông tin từ Văn phòng Điều phối Chương trình nông thôn mới (NTM) tỉnh, tới nay với những kết quả đã đạt được sau hơn 3 năm (2010 - 2014) triển khai, Lâm Đồng đang là tỉnh dẫn đầu khu vực Tây Nguyên về thực hiện chương trình này.
Không chỉ là tỉnh có xã đạt chuẩn NTM cao nhất, Lâm Đồng còn là tỉnh đạt tiêu chí NTM bình quân trên xã cao nhất không chỉ với khu vực, mà có thể là của cả nước.
Tới cuối tháng 6/2014 vừa qua, toàn tỉnh đã có 4 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM (Tân Hội, Quảng Lập, Lạc Lâm và Xuân Trường), 17 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 43 xã đạt 10 - 14 tiêu chí và 53 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí. Như vậy, tới thời điểm này, Lâm Đồng không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí NTM và bình quân đạt 10,85 tiêu chí/xã.
Trong khi đó, cũng theo Ban Điều phối thì cả nước tới nay mới có 144 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM và con số này của 5 tỉnh Tây Nguyên là 13 xã; bình quân chung của cả nước đạt 8,84 tiêu chí NTM/xã, còn của khu vực Tây Nguyên là 7,3 tiêu chí/xã (Đắc Nông 6,59 tiêu chí/xã, Đắc Lắc 6,56 tiêu chí/xã, Gia Lai 6,49 tiêu chí/xã, Kon Tum 5,98 tiêu chí/xã).
Cùng với Chương trình xây dựng NTM, các chương trình, dự án khác được Nhà nước đầu tư trong thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã làm thay đổi sâu sắc bộ mặt nông thôn và đời sống của nông dân khi giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân của cả tỉnh đã đạt 122,2 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân đạt 38,4 triệu đồng/người và tỷ lệ hộ nghèo hạ xuống dưới 4,13%.
Phát huy những thành công này, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã quyết định chọn Đơn Dương và Đức Trọng để tập trung đầu tư trở thành huyện NTM trong giai đoạn từ nay tới cuối năm 2016.
Các huyện khác trong tỉnh như Lạc Dương (năm 2017), Lâm Hà, Đạ Huoai, Di Linh (năm 2018) và Cát Tiên (năm 2020), trên cơ sở phát huy tối đa nội lực của địa phương cũng đã đăng ký trở thành huyện NTM vào những năm tiếp theo. Mục tiêu chung của toàn tỉnh là tới cuối năm nay phải có ít nhất 14 xã NTM và tới cuối năm 2015 là 43 xã (toàn tỉnh hiện có 117 xã).
Cũng theo số liệu của Ban điều phối Chương trình NTM tỉnh thì tổng nguồn lực huy động và đầu tư cho xây dựng NTM của toàn tỉnh từ năm 2010 tới nay vào khoảng 13.013 tỷ đồng (quy tròn). Trong đó, vốn ngân sách nhà nước chỉ chiếm trên dưới 10,5%, còn lại là vốn đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp, vốn tín dụng và vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác.
Thực tế này cho thấy, nguồn vốn ngân sách nhà nước cho Chương trình xây dựng NTM chỉ mang tính hỗ trợ là chính, nguồn vốn chính để đầu tư xây dựng NTM ở các địa phương chủ yếu được huy động ngay tại địa bàn.
Nguồn vốn này có được khi các địa phương đã phát huy được vai trò chủ thể của người nông dân trong việc họ tự nguyện đầu tư cho phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cũng như việc sửa sang lại nhà cửa và tự nguyện đóng góp công sức, vốn liếng, đất đai để cùng với chính quyền và cộng đồng xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn như điện - đường - trường - trạm - công trình thủy lợi…
Chính từ việc phát huy được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM, vừa qua, đã có 73 gương nông dân tiêu biểu (trong đó có 3 gương sáng tạo kỹ thuật nhà nông, 52 gương nông dân SX-KD giỏi và 18 gương tiêu biểu trong việc tự nguyện đóng góp xây dựng hạ tầng nông thôn) được Hội Nông dân Việt Nam, UBND tỉnh và các cấp có thẩm quyền của tỉnh tôn vinh.
Tại Hội nghị Sơ kết Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2013 của tỉnh mới được tổ chức gần đây do Tỉnh ủy và UBND tỉnh tổ chức, UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 28 tập thể và 22 cá nhân đã có nhiều thành tích trong phong trào xây dựng NTM.
Có thể nói, cùng với thành lập và duy trì hoạt động của các ban chỉ đạo chương trình từ tỉnh tới cơ sở cùng với huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các địa phương đã phát huy tốt được vai trò chủ thể của người nông dân trong xây dựng NTM. Đây chính là bài học để địa phương tiếp tục đẩy nhanh Chương trình xây dựng NTM theo phương châm “…
Tiếp tục lấy việc nâng cao đời sống nhân dân làm mục tiêu, lấy lợi ích nhân dân làm động lực, lấy nguồn lực trong dân để xây dựng NTM là chính trên cơ sở tự nguyện, hợp với sức dân” mà Hội nghị Sơ kết Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010-2013 đã kết luận.
Có thể bạn quan tâm
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 267 của tỉnh phê duyệt Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của Điện Biên đã giảm khá nhanh, còn 31% (năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo là 50%, cao nhất nước).
Hiện nay, nhiều hộ nông dân ở tỉnh Đăk Nông đang đổ xô trồng hồ tiêu, bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương về những hệ lụy của tình trạng trồng cây tự phát này. Họ chặt phá hàng nghìn ha cây trồng khác như cao su, điều, cà phê...
Với đề án nâng chất tiêu chí nông thôn mới ở TP.HCM giai đoạn 2015 – 2020,"môi trường sống của người dân nông thôn thành phố sẽ tốt hơn nhiều”. Đó là khẳng định của ông Trần Ngọc Hổ - Phó Giám đốc Sở NNPTNT, Chánh văn phòng Điều phối Chương trình NTM TP.HCM.
Đại diện Công ty CP Chăn nuôi C.P cho biết, doanh nghiệp này đang lập đề án xuất khẩu thịt lợn sang thị trường Nga và EU.
Bức tranh HTX là không sáng, có nguyên nhân “bệnh thành tích”, chạy theo số lượng, buông lơi các điều kiện cần và đủ là: Xã viên, vốn, bộ máy cán bộ và phương thức hoạt động.