Dẫn Đầu Về Xây Dựng Nông Thôn Mới

Thông tin từ Văn phòng Điều phối Chương trình nông thôn mới (NTM) tỉnh, tới nay với những kết quả đã đạt được sau hơn 3 năm (2010 - 2014) triển khai, Lâm Đồng đang là tỉnh dẫn đầu khu vực Tây Nguyên về thực hiện chương trình này.
Không chỉ là tỉnh có xã đạt chuẩn NTM cao nhất, Lâm Đồng còn là tỉnh đạt tiêu chí NTM bình quân trên xã cao nhất không chỉ với khu vực, mà có thể là của cả nước.
Tới cuối tháng 6/2014 vừa qua, toàn tỉnh đã có 4 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM (Tân Hội, Quảng Lập, Lạc Lâm và Xuân Trường), 17 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 43 xã đạt 10 - 14 tiêu chí và 53 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí. Như vậy, tới thời điểm này, Lâm Đồng không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí NTM và bình quân đạt 10,85 tiêu chí/xã.
Trong khi đó, cũng theo Ban Điều phối thì cả nước tới nay mới có 144 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM và con số này của 5 tỉnh Tây Nguyên là 13 xã; bình quân chung của cả nước đạt 8,84 tiêu chí NTM/xã, còn của khu vực Tây Nguyên là 7,3 tiêu chí/xã (Đắc Nông 6,59 tiêu chí/xã, Đắc Lắc 6,56 tiêu chí/xã, Gia Lai 6,49 tiêu chí/xã, Kon Tum 5,98 tiêu chí/xã).
Cùng với Chương trình xây dựng NTM, các chương trình, dự án khác được Nhà nước đầu tư trong thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã làm thay đổi sâu sắc bộ mặt nông thôn và đời sống của nông dân khi giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân của cả tỉnh đã đạt 122,2 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân đạt 38,4 triệu đồng/người và tỷ lệ hộ nghèo hạ xuống dưới 4,13%.
Phát huy những thành công này, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã quyết định chọn Đơn Dương và Đức Trọng để tập trung đầu tư trở thành huyện NTM trong giai đoạn từ nay tới cuối năm 2016.
Các huyện khác trong tỉnh như Lạc Dương (năm 2017), Lâm Hà, Đạ Huoai, Di Linh (năm 2018) và Cát Tiên (năm 2020), trên cơ sở phát huy tối đa nội lực của địa phương cũng đã đăng ký trở thành huyện NTM vào những năm tiếp theo. Mục tiêu chung của toàn tỉnh là tới cuối năm nay phải có ít nhất 14 xã NTM và tới cuối năm 2015 là 43 xã (toàn tỉnh hiện có 117 xã).
Cũng theo số liệu của Ban điều phối Chương trình NTM tỉnh thì tổng nguồn lực huy động và đầu tư cho xây dựng NTM của toàn tỉnh từ năm 2010 tới nay vào khoảng 13.013 tỷ đồng (quy tròn). Trong đó, vốn ngân sách nhà nước chỉ chiếm trên dưới 10,5%, còn lại là vốn đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp, vốn tín dụng và vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác.
Thực tế này cho thấy, nguồn vốn ngân sách nhà nước cho Chương trình xây dựng NTM chỉ mang tính hỗ trợ là chính, nguồn vốn chính để đầu tư xây dựng NTM ở các địa phương chủ yếu được huy động ngay tại địa bàn.
Nguồn vốn này có được khi các địa phương đã phát huy được vai trò chủ thể của người nông dân trong việc họ tự nguyện đầu tư cho phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cũng như việc sửa sang lại nhà cửa và tự nguyện đóng góp công sức, vốn liếng, đất đai để cùng với chính quyền và cộng đồng xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn như điện - đường - trường - trạm - công trình thủy lợi…
Chính từ việc phát huy được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM, vừa qua, đã có 73 gương nông dân tiêu biểu (trong đó có 3 gương sáng tạo kỹ thuật nhà nông, 52 gương nông dân SX-KD giỏi và 18 gương tiêu biểu trong việc tự nguyện đóng góp xây dựng hạ tầng nông thôn) được Hội Nông dân Việt Nam, UBND tỉnh và các cấp có thẩm quyền của tỉnh tôn vinh.
Tại Hội nghị Sơ kết Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2013 của tỉnh mới được tổ chức gần đây do Tỉnh ủy và UBND tỉnh tổ chức, UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 28 tập thể và 22 cá nhân đã có nhiều thành tích trong phong trào xây dựng NTM.
Có thể nói, cùng với thành lập và duy trì hoạt động của các ban chỉ đạo chương trình từ tỉnh tới cơ sở cùng với huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các địa phương đã phát huy tốt được vai trò chủ thể của người nông dân trong xây dựng NTM. Đây chính là bài học để địa phương tiếp tục đẩy nhanh Chương trình xây dựng NTM theo phương châm “…
Tiếp tục lấy việc nâng cao đời sống nhân dân làm mục tiêu, lấy lợi ích nhân dân làm động lực, lấy nguồn lực trong dân để xây dựng NTM là chính trên cơ sở tự nguyện, hợp với sức dân” mà Hội nghị Sơ kết Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010-2013 đã kết luận.
Related news

Năm 2013, từ nguồn kinh phí của khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh đã triển khai mô hình sản xuất cà phê bền vững được cấp giấy chứng nhận tại Tây Nguyên theo quy tắc 4C (bộ quy tắc chung của cộng đồng cà phê quốc tế).

Nước tưới có vai trò quyết định đến năng suất, chất lượng của cây cà phê, song vai trò trọng yếu này đang bị đe dọa khi người trồng cà phê phải đối mặt với nhiều thách thức do diện tích cà phê tăng nhanh, nhưng nguồn nước tưới chưa được quan tâm đầu tư.

Để hạn chế những thiệt hại do hạn hán có thể xảy ra đối với cây trồng vụ đông xuân 2013 - 2014, ngành chức năng và bà con nông dân huyện Krông Nô đã, đang chủ động triển khai xây dựng, nạo vét kênh mương thủy lợi, khơi thông dòng chảy... để đảm bảo nước tưới cho toàn bộ mùa vụ.

Trong những năm qua, hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất trên địa bàn huyện Đắk Glong đã đạt được nhiều kết quả.

Cũng như các tỉnh Tây Nguyên, nền sản xuất nông nghiệp của Đắk Nông phát triển đa dạng và tương đối toàn diện với nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Theo đó, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp tạo thế và lực cho ngành Nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, nhằm mở ra hướng đi mới.