Dân chặt cao su trồng keo
Thời gian gần đây, người dân trồng cao su ở vùng gò đồi ở tỉnh TT-Huế đã chặt bỏ nhiều diện tích cây cao su bán cho các doanh nghiệp kinh doanh gỗ tạp vì giá mủ cao su xuống quá thấp.
Giữa trưa nắng như chảo rang, nhiều vườn cao su ở thôn Hiệp Hòa (xã Bình Thành) vẫn không ngớt tiếng máy cưa xẻ, tiếng cây đổ. Bà Nguyễn Thị Cúc, một hộ dân cho biết: “Liên tục hơn một năm nay, giá mủ cao su rớt thê thảm. Nay giá mủ nước chỉ còn 5.000 đồng/kg. Với giá đó, một ngày chỉ thu được trăm nghìn đồng, không đủ chi phí công cán, phân thuốc nên bà con chọn giải pháp chặt hạ cây cao su”.
Hộ bà Cúc vừa chặt bỏ 6 ha cây cao su ở vùng gò đồi nhà mình để trồng cây keo. Bà Cúc cho biết, với giống keo mới, trồng 4-5 năm là cho thu hoạch, 1 ha cũng kiếm được 60-70 triệu đồng, thu nhập ổn định hơn.
Trong khi trồng cây cao su, đặc biệt với thời điểm giá mủ thấp như hiện nay bà con cầm chắc thua lỗ. Hàng trăm hộ dân khác ở xã Bình Thành cũng rơi vào tình cảnh như bà Cúc nên tự tay đốn bỏ hàng chục ha cao su sau bao năm dày công chăm sóc.
Tại thôn Hương Lộc, Bình Dương (xã Hương Bình), những ngày này, nhiều tuyến xe tải vào hẳn trong vườn cao su để thu mua gỗ. Người dân ở đây cho biết, số diện tích cao su họ chặt bỏ chủ yếu trồng từ những năm 1993-1994.
Một số ít hộ dân chặt cao su trồng từ những năm 2000-2001 để bán vì không trụ nổi. Bà con chặt cao su bán gỗ tạp với giá từ 100-150 nghìn đồng/cây.
Anh La Văn Cời, trú thôn Bình Dương cho biết: “Trồng cao su bây giờ không bằng một ngày tui đi vác tràm, keo thuê cho mấy hộ chủ rừng. Trước đây, với 3,5 ha cao su, một ngày tui thu chí ít cũng được 500 nghìn đồng.
Bây giờ dậy sớm tinh mơ, cạo cho đến mặt trời gần lên cũng được có 100 nghìn bạc, không đủ bù công cán, phân tro. Biết là cao su còn cho mủ nhưng giá thấp quá, không chặt đi lấy đất đâu mà trồng loại cây khác”.
Tại huyện miền núi Nam Đông (TT-Huế), cũng diễn ra tình trạng người dân chặt nhiều diện tích cây cao su bán gỗ tạp. Tuy nhiên, theo ông Phạm Tấn Son, Trưởng phòng NN-PTNT huyện, đây là số diện tích bị ảnh hưởng do các cơn bão qua các thời kỳ, cho mủ kém. Trên địa bàn huyện Nam Đông tính đến thời điểm này chỉ có 10 ha cao su bị chặt bỏ. |
Hộ gia đình anh Cời trồng 3,5 ha cao su thì đến thời điểm hiện tại đã chặt 1 ha bán được 40 triệu đồng. Số tiền này anh Cời sẽ đầu tư mua giống, thuê nhân công trồng lại cây keo trên diện tích cao su vừa chặt bỏ.
Ông Nguyễn Chánh Thắng, Chủ tịch UBND xã Hương Bình cho biết: “Toàn xã có 1.181 ha cao su, trong đó có 950 ha đang trong thời gian cho mủ. Tình trạng người dân chặt bán vườn cao su cho các thương lái một phần do mủ xuống thấp, số cây chặt bán chủ yếu rơi vào diện tích được trồng từ năm 1994, hiệu suất khai thác thấp”.
Ông Lê Văn Anh, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hương Trà thông tin: “Hiện nay diện tích cao su trên toàn thị xã hơn 2.450 ha, trong đó diện tích đang trong quá trình khai thác mủ khoảng 1.890 ha.
Ở các xã Hương Bình, Bình Thành người dân có bán cao su làm gỗ, nguyên nhân là do những diện tích cao su này được trồng năm 1993 theo dự án 327 đã hết chu kỳ kinh doanh lấy mủ, một số diện tích qua các cơn bão các năm trước đã bị gãy đổ gần hết không đảm bảo mật độ, cho sản lượng mủ thấp”.
Ông Anh cho biết thêm, từ năm 2013 đến nay người dân trồng cao su toàn thị xã đã chặt bỏ cao su bán gỗ khoảng 52 ha. Thời gian tới, Phòng Kinh tế thị xã sẽ phối hợp với các cơ quan như Trạm Bảo vệ Thực vật, Trạm Khuyến nông lâm ngư thường xuyên kiểm tra tình hình sâu bệnh và tập huấn kỹ thuật chăm sóc phòng trừ sâu bệnh cho các hộ dân, phối hợp với UBND các xã có trồng cao su vận động người dân cố gắng giữ vườn cao su để tiếp tục chăm sóc mặc dù giá mủ đang xuống thấp.
Có thể bạn quan tâm
Bước vào nhà anh Vũ, đập vào mắt tôi là những dãy tủ bằng gỗ có nhiều hộc nhỏ. Cứ tưởng đây là những tủ đựng thuốc nam hay thuốc bắc, hỏi ra mới biết, mỗi hộc tủ ấy là “nhà” của một con rắn hổ hèo...
Hồ tiêu Quảng Trị có thương hiệu bởi chất lượng, nhưng thứ cây truyền thống hiệu quả kinh tế cao này đang thối gốc, héo lá rồi chết hàng loạt khiến người làm vườn như ngồi trên đống lửa vì không có cách chữa trị.
Tháng tư trời nắng như đổ lửa, trên những ruộng dưa hấu ở các đội Sao Vàng, Truyền Thống, thị trấn Việt Trung (Bố Trạch - Quảng Bình), bà con nông dân đang hối hả thu hoạch vụ mùa, chính trong năm. Thời điểm này, điệp khúc “được mùa mất giá” đang hiện hữu nơi đây khi giá dưa hấu đã tụt hơn một nửa so với năm ngoái, đồng thời một số chủ ruộng dưa lâm vào hoàn cảnh dở khóc dở cười vì thương lái “bỏ của chạy lấy người”...
Chủ nhiệm Hợp tác xã Hòa Lộc (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, Tiền Giang) Nguyễn Thành Nhơn cho biết vụ xoài thu hoạch sớm năm nay nguồn cung không đủ cầu và có giá cao kỷ lục.
Thực hiện chuyển đổi giống cây trồng trên vùng đất sản xuất kém hiệu quả, đang được người dân các địa phương trong tỉnh quan tâm áp dụng. Mới đây người dân thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) đã thử nghiệm trồng giống táo dây xanh trên vùng đất khô hạn, bạc màu, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá rõ.