Dân Bức Xúc Vì 60 Ha Ruộng Bỏ Hoang
Hơn 8 năm nay, 60ha đất sản xuất nông nghiệp ở các cánh đồng Tam Ván, Tân Đức, xã Bình Châu (Bình Sơn) không sản xuất được khiến đời sống 800 hộ nông dân ở các thôn Châu Thuận Nông, Phú Quý, Tân Đức gặp khó khăn.
Năm 2006, hệ thống mương nước thuộc Dự án hạ tầng cơ sở nông thôn dựa vào cộng đồng do Nhà nước đầu tư dài 1km từ xi phông Bà Quýt đến cánh đồng Tam Ván hoàn thành. Người dân nơi đây chưa kịp vui mừng đón nhận dòng nước ngọt về tưới cho đồng ruộng thì xót xa nhìn cảnh 60ha ruộng thành nơi chăn thả bò.
Bà Lê Thị Lan ở thôn Châu Thuận Nông than vãn, vì không có nước tưới tiêu cho sản xuất, ruộng càng bị nhiễm mặn nên gia đình bà đành bỏ hoang mấy sào ruộng này. Gia đình bà Lan vốn đã khó khăn, nay không có đất sản xuất phải làm thuê làm mướn, tìm đủ cách mưu sinh qua ngày.
Còn ông Trần Văn Hòe (ngụ cùng thôn) cho biết: “Gia đình có 2 sào ruộng cũng đành bỏ gần chục năm rồi! Làm sao mà cấy sạ được! Cây lúa nào sống nổi trong cảnh nước ngọt không có, nước mặn thì... đầy”.
Bà Lan, ông Hòe và nhiều hộ dân khác là những hộ thuần nông tại xã ven biển Bình Châu. Vì thế nên khi đồng ruộng không sản xuất được làm cho đời sống của họ càng thêm khó khăn.
Nghịch lý xảy ra kể từ khi hệ thống mương dẫn nước được đầu tư 600 triệu đồng này đưa vào sử dụng thì các cánh đồng này lâm vào cảnh... thiếu nước sản xuất. Nguyên nhân “có kênh nhưng không có nước” vì Bình Châu nằm ở cuối tuyến kênh Thạch Nham, hệ thống mương nước thiết kế theo kiểu cống áp lực, nhưng lượng nước về đây rất yếu dẫn đến không thể tạo áp lực để dẫn nước xuống đồng ruộng.
Trong khi trước đây, cánh đồng này có mương đất dẫn nước từ các nguồn khác nhau về tưới tiêu cho sản xuất, bà con gieo sạ 2 vụ/năm. Đến khi đầu tư hệ thống mương bê tông xây dựng chính giữa thì lối dẫn nước này cũng bị... tắc. Cộng với ảnh hưởng bởi các hồ nuôi tôm nên đồng ruộng càng bị nhiễm mặn, đành bỏ hoang.
Nhiều chỗ ruộng xơ xác đến nỗi cỏ dại không mọc nổi. Nay chỉ có 10 ha tại đồng Tam Ván là “vớt vát” được vụ đông xuân nhờ nước trời. Nhưng cũng “may nhờ rủi chịu” nếu gặp thời tiết xấu thì bà con sản xuất ở khu vực này cũng mất trắng.
Các cánh đồng trên có bề mặt bằng phẳng, lại nằm sát bên các tuyến đường của xã rất thuận tiện cho việc thu hoạch, vận chuyển. Nếu có nước sản xuất, rửa mặn thì xứ đồng này sẽ phát huy hiệu quả góp phần ổn định đời sống người dân. Dù chính quyền đã nhiều lần vận động người dân nạo vét mương, nhưng hệ thống mương nước nhanh chóng bị bồi lấp khi không có nước dẫn về.
“Mong các cấp có thẩm quyền đầu tư nâng cấp tuyến kênh B10, B12, khắc phục xi phông số 2, số 3 để cấp nước ngọt phục vụ sản xuất; đầu tư nâng cấp đê ngăn mặn Kiến Thiết tránh tình trạng đồng ruộng nhiễm mặn trở lại”, ông Nguyễn Quốc Vương - Chủ tịch UBND xã Bình Châu kiến nghị.
Nguồn bài viết: http://baoquangngai.vn/channel/2025/201411/dan-buc-xuc-vi-60-ha-ruong-bo-hoang-2351127/
Có thể bạn quan tâm
Trà Vinh là tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản khá lớn ở ĐBSCL. Từ thế mạnh này, đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, 02 năm gần đây, tình hình tôm nuôi bị thiệt hại nghiêm trọng ngay từ đầu vụ khiến cho một số hộ nuôi tôm phải “lâm nợ”. Mặc dù hiện nay lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo sát sao và có chính sách hỗ trợ cho người nuôi tôm bị thiệt hại, nhưng với tình hình thời tiết không thuận lợi, giá nhiên liệu tăng, người nuôi tôm thiếu vốn, việc đầu tư vụ nuôi mới càng khó khăn hơn.
Ông Đặng Văn Mạnh, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, vụ hè thu 2013, chi cục phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, HTX Nông nghiệp An Ninh Tây tiến hành gieo sạ khảo nghiệm 20 giống lúa chịu mặn trên diện tích 1.000m2 tại xã An Ninh Tây (Tuy An). Bộ giống do Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh và Trường đại học Nông lâm Huế tuyển chọn từ Viện lúa Quốc tế (RIRI) chuyển giao.
Nông dân vùng mặn ở huyện Đông Hải (Bạc Liêu) đang đẩy mạnh nuôi tôm sú - cua kết hợp, nuôi cua trên ruộng muối cho thu nhập khá cao.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, những năm gần đây, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.
Trước nay, nhiều hộ dân trồng rau màu ở Đức Trọng (Lâm Đồng) đã phải chịu cảnh “Được mùa rớt giá, được giá mất mùa” và thường bị thương lái ép giá với những lý do về chất lượng sản phẩm. Từ khi áp dụng sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng sản phẩm được đảm bảo, đầu ra ổn định và kinh phí đầu tư cũng giảm.