Đại gia Việt chia lại thị trường
Nhiều doanh nghiệp mới sẽ là đối trọng chi phối thị trường thức ăn chăn nuôi trong tương lai
Thức ăn chăn nuôi chiếm 70% trong cơ cấu giá thành sản phẩm chăn nuôi và là mắt xích vô cùng quan trọng trong ngành chăn nuôi, nhất là nước nông nghiệp như Việt Nam.
Đáng tiếc là nhiều năm qua, các doanh nghiệp nước ngoài chiếm ưu thế trong mảnh đất màu mỡ này.
Số liệu từ Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho thấy, doanh nghiệp ngoại chiếm giữ khoảng 65% tổng sản lượng của toàn thị trường.
Tân binh trên thị trường
Tuy nhiên, chiếc bánh thức ăn chăn nuôi đang có sự thay đổi lớn khi nhà đầu tư nội như Masan, Hùng Vương, Hòa Phát… đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực này.
Là nhà xuất khẩu cá tra hàng đầu Việt Nam, đầu tháng 10 Công ty cổ phần Hùng Vương (Hùng Vương) công bố thông tin chính thức chuyển hướng kinh doanh thêm mảng thức ăn chăn nuôi kết hợp phát triển hệ thống nuôi heo khép kín từ con giống, sản xuất thức ăn, thú y, trang trại và bao tiêu sản phẩm cho người chăn nuôi.
Theo Hùng Vương, đối tác công ty trong dự án lớn này đến từ Đan Mạch với tổng đầu tư toàn dự án lên đến 2.000 tỉ đồng, trong đó có 2 nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản… tại Bình Định và Long An.
Để thực hiện chiến lược đầu tư mới, từ đầu năm 2013 Hùng Vương đã thâu tóm thành công Công ty thức ăn chăn nuôi Việt Thắng, sở hữu trên 55,3% cổ phần.
Năm 2014, Hùng Vương cung cấp ra thị trường 1,7 triệu tấn thức ăn chăn nuôi (bao gồm thức ăn gia súc, thủy sản, gia cầm…).
Với động thái này, doanh nghiệp đặt kế hoạch đến 2018 sẽ nâng sản lượng thức ăn chăn nuôi của tập đoàn lên 3 triệu tấn/năm.
Trước đó, vào cuối tháng 4.2015, Masan Group tuyên bố công ty con của tập đoàn là Masan Nutri - Science (MNS) đã nắm được quyền kiểm soát 2 doanh nghiệp hàng đầu lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi là Proconco (sở hữu 52% cổ phần) và Anco (sở hữu 70% cổ phần).
Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Masan cho thấy, doanh thu thuần của MNS đạt 3.332 tỉ đồng, lợi nhuận thuần 217 tỉ đồng.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Masan cho biết biên lợi nhuận của MNS đạt trên 19% trong nửa đầu năm 2015 và đây cũng là tỷ lệ lợi nhuận cao nhất trong ngành.
“Đây là lĩnh vực quan trọng trong chuỗi phát triển của ngành chăn nuôi.
Có sản phẩm tốt và hệ thống phân phối tốt, chúng tôi tin chắc sẽ thành công hơn nữa.
Mục tiêu của chúng tôi là những ngành hàng nào tập đoàn đã đầu tư, phải tiến đến nắm giữ 50% thị phần”, đại diện Masan cho biết.
Hiện 3 nhà máy mới của MNS đang trong quá trình xây dựng, dự kiến đưa vào hoạt động vào cuối năm 2015 và 2016 sẽ tăng công suất sản phẩm thức ăn chăn nuôi lên trên 40%.
Một nguồn tin đáng tin cậy trong giới đầu tư kinh doanh thức ăn chăn nuôi cũng cho biết, Masan đang đàm phán mua lại thương hiệu thức ăn chăn nuôi GreenFeed trị giá lên đến 500 triệu USD.
GreenFeed là doanh nghiệp đang có tham vọng nắm giữ 20% thị phần thức ăn chăn nuôi.
Thay đổi "cuộc chơi"
Số liệu từ Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam năm 2013 cho thấy, doanh nghiệp chiếm thị phần cao nhất trên thị trường thức ăn chăn nuôi nội địa là CP Việt Nam (Thái Lan) với 19,4%, kế đó là Cargill Việt Nam 8,11%, Proconco 8%, GreenFeed 5%, Anco 4%, Japfa 4%...
Nhưng số liệu này khá cũ so với tình hình thị trường hiện tại.
Với việc kiểm soát Anco và Proconco, Masan đang nắm giữ 12% thị phần.
Nếu thương vụ với GreenFeed thành công, tỷ lệ nắm giữ thị phần thức ăn chăn nuôi của tập đoàn này sẽ tăng lên trên 16%.
Trong bảng xếp hạng top 101 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới tháng 10 - 11.2015 do Tổ chức Thức ăn quốc tế (Feed International) công bố, Masan xếp thứ 60/101.
Với tất cả những thông tin này, hoàn toàn có cơ sở để tin rằng Masan có khả năng nằm trong nhóm các nhà đầu tư nội có thể thay đổi cuộc chơi thức ăn chăn nuôi.
Trước Masan, một đại gia ngành thép là Tập đoàn Hòa Phát cũng tuyên bố chính thức tham gia thị trường thức ăn chăn nuôi, đầu tư 300 tỉ đồng xây nhà máy đầu tiên đạt công suất 300.000 tấn/năm.
Theo thông tin Hòa Phát công bố, đến đầu năm 2016, sản phẩm sẽ có mặt trên thị trường với tham vọng đạt doanh số 8.000 tỉ đồng riêng lĩnh vực thức ăn chăn nuôi.
Hòa Phát tuyên bố nắm giữ 10% thị phần thị trường thức ăn chăn nuôi trong 10 năm tới. Như vậy, có thể thấy các doanh nghiệp nội đang gây sức ép và chủ động chia lại chiếc bánh thị phần thức ăn chăn nuôi đầy béo bở của Việt Nam.
Đặc biệt, có nhiều dự báo đưa ra về khả năng soán ngôi dẫn đầu đến từ doanh nghiệp nội địa.
Chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần cho rằng, để các nhà đầu tư nước ngoài điều hành và chi phối hoàn toàn ngành thức ăn chăn nuôi là không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà là một “mất mát lớn” đối với ngành chăn nuôi Việt.
Thực tế mấy năm nay đã tồn tại tình trạng một số công ty thức ăn chăn nuôi lớn định giá bán cao hơn mức giá thực tế, gây thiệt hại không nhỏ cho các nhà chăn nuôi và tiêu dùng.
Vì vậy, việc các doanh nghiệp nội tham gia lĩnh vực này sẽ tạo ra đối trọng với nhà đầu tư ngoại, khiến họ không thể chi phối và lũng đoạn thị trường này như lâu nay.
Có thể bạn quan tâm
Những ngày cuối tháng 3 này, 11 hộ dân ở bản giáp biên Tả Lo San, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé (Điện Biên) vui mừng đón nhận công trình đập thuỷ lợi Khe To đã được khởi công.
Cụ thể, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nuôi tôm sú quảng canh bị thiệt hại hơn 70% sẽ được hỗ trợ 6.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại từ 30-70% sẽ được hỗ trợ là 2.000.000 đồng/ha.
Còn với anh Bùi Minh Tâm, thương lái mua dưa tại huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), giá dưa giảm do không xuất khẩu sang Trung Quốc được nhiều. Bên cạnh đó, nông dân trồng dưa không theo quy hoạch, thấy năm ngoái được giá nên năm nay tăng diện tích.
Tình hình của con cá tra không đến nỗi bi quan, bởi nếu so với kết quả sơ bộ của POR9, thì mức thuế trong kết quả cuối cùng đã giảm khá nhiều.
Hà Nội là địa phương có tiềm năng lớn về phát triển nuôi trồng thủy sản với 30.840ha mặt nước ao hồ. Ngoài ra, còn có khả năng phát triển nuôi cá lồng, bè trên các sông, suối.