Đại gia nước mắm xứ Thanh từng gõ cửa nhà dân để chào hàng
Để có được thương hiệu nước mắm Phương Vích, anh Hoàng Thăng Vích (45 tuổi, ở khu phố Bắc Kỳ, phường Trung Sơn, thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa) đã phải bươn chải, lăn lộn và “cõng” từng lít nước mắm đi bán dạo.
Truân chuyên với nghề
Hơn 20 năm qua, anh Vích là người hiểu hơn ai hết về nỗi vất vả của nghề chế biến nước mắm. Bởi lẽ, trên thị trường có nhiều loại nước mắm, nhưng làm thế nào để khách hàng chấp nhận sản phẩm, dùng và nhớ đến sản phẩm là việc cực kỳ khó… Đó là điều khiến anh Vích luôn trăn trở.
Anh Hoàng Thăng Vích (phải) kiểm tra những bể chứa nước mắm.
Kể về những truân chuyên trong nghề, anh Vích nhớ lại: “Tôi đã phải chở vài chục lít nước mắm bằng xe đạp đến các huyện miền núi xa rao bán rong. Có chuyến đi cả tuần, nhưng cũng chỉ đủ tiền mua gạo ăn cho gia đình, rồi nguyên liệu đầu vào khan hiếm, giá cao nên nhiều phen gia đình khốn đốn”.
Vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, đa số các gia đình làm nghề chế biến hải sản ở quê anh Vích khi đó chỉ mong đủ ăn. Không chịu nhìn cảnh ấy, anh đã đưa ra một hướng đi riêng để tự người tiêu dùng nhận ra chất lượng nước mắm do mình sản xuất. Nghĩ là làm, anh tự tay chuẩn bị hàng trăm lít nước mắm, rồi một mình chở đi khắp các huyện trong tỉnh giới thiệu. Ban đầu là rao bán, đi cả tuần cũng chẳng bán được lít nào, anh mạnh dạn gõ cửa một vài nhà dân tự chào hàng, thăm dò thị trường.
Một nguyên nhân - mà theo anh Vích khi đó còn quý hơn vàng, đó là những người đi bán nước mắm dạo như anh toàn bán loại kém chất lượng, để lâu hay bị thối nên mất uy tín. Tìm được nguyên nhân ấy, anh đã đưa ra lời đề nghị: “Gửi mỗi gia đình một lít nước mắm dùng thử, sau một tháng anh sẽ quay lại kiểm tra, nếu kém chất lượng hay bị thối, sẽ không lấy tiền của bà con”.
Sau một tháng trời anh trở về, mang theo một cuốn sổ dày ghi tên, địa chỉ các gia đình mà anh đã gửi nước nắm. Thế nhưng, anh nhận được không ít cái lắc đầu của bạn bè và người thân dành cho mình. Như đã hẹn, khi giao hết hàng ở vùng sau, anh quay lại những nơi đã giao nước mắm đợt trước. Điều đáng mừng, các gia đình đã dùng thử nước mắm của anh đều chấp nhận, có người còn đứng ra làm đầu mối tiêu thụ…
2 bí quyết thành công
" Để có loại nước mắm ngon, chất lượng, thì công thức chung là cá tốt, muối tốt, tỷ lệ phù hợp, đảm bảo vệ sinh thì sẽ cho sản phẩm ngon, an toàn. Làm được điều đó, chính là cái “tâm”, còn giữ được khách hàng cũ, thêm khách hàng mới là giữ uy tín trong buôn bán”.
Anh Hoàng Thăng Vích
Sau 1 năm lăn lộn tìm kiếm thị trường, việc sản xuất nước mắm của gia đình anh Vích đã dần ổn định. Làm ăn thuận lợi chưa được bao lâu thì khó khăn lại xuất hiện. Đó là, thời điểm năm 2010, giá các mặt hàng tiêu dùng tăng cao, nhất là xăng dầu, nên đầu tư cho nhưng chuyến biển trở nên tốn kém, nguyên liệu khan hiếm.
Làm thế nào để giữ nghề và giữ được khách hàng mà bấy lâu nay vất vả lắm mới gây dựng được? - với suy nghĩ ấy, anh Vích quyết định vay thêm vốn, duy trì sản xuất, không tăng giá, giữ chất lượng sản phẩm.
Đồng thời, anh dành tiền cho người đi biển tạm ứng mua xăng, dầu. Khó khăn qua đi, nghề đi biển lại thuận lợi, anh vẫn giữ mức giá thu mua nguyên liệu.
Anh Vích tâm sự: “Mỗi gia đình làm nước mắm đều có những bí quyết gia truyền riêng. Nhưng để có loại nước mắm ngon, chất lượng, thì công thức chung là cá tốt, muối tốt, tỷ lệ phù hợp, đảm bảo vệ sinh thì sẽ cho sản phẩm ngon, an toàn. Làm được điều đó, chính là cái “tâm”, còn giữ được khách hàng cũ, thêm khách hàng mới là giữ uy tín trong buôn bán.
Với cách nghĩ như vậy, nên anh Vích tự đặt hàng riêng một loại bể chứa với hình dáng khác biệt. Bên trong bể chứa được tráng men để đảm bảo dùng được lâu dài và vệ sinh sạch sẽ, dễ dàng.
Sau nhiều năm gây dựng, tích cóp, hiện nay gia đình anh Hoàng Thăng Vích đầu tư 30 bể ủ nước mắm, với tổng trị giá gần 7 tỷ đồng. Mỗi năm cơ sở chế biến nước mắm của anh Vích thu mua, sử dụng từ 400 - 500 tấn cá nguyên liệu, cung cấp ra thị trường 66.000 – 70.000 lít nước mắm cốt các loại. Anh đã tạo việc làm cho 12 lao động thường xuyên và 30 lao động thời vụ, với mức thu nhập 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Những tâm huyết với nghề của anh giờ đây đã được đền đáp xứng đáng, khi thương hiệu nước mắm Phương Vích đã và đang được thị trường chấp nhận, sản phẩm của gia đình anh đã có mặt cả ở những địa phương vốn có nghề làm nước mắm nổi tiếng trên khắp cả nước.
Có thể bạn quan tâm
Cùng với việc làm giầu từ phát triển chăn nuôi nhím, thỏ, ong... nhiều năm gần đây người dân ở huyện Thanh Thủy còn làm giầu từ cây táo, loại cây dễ trồng, đầu tư, chăm sóc ít mà hiệu quả kinh tế lại rất cao.
Giá bán thanh long ruột đỏ tại Đồng Nai hiện chỉ còn 8-10 ngàn đồng/kg, còn thanh long ruột trắng được đổ đống bên đường bán với giá 3.000 đồng/kg.
Hạ tầng nông thôn được kiện toàn qua 5 năm (2009 - 2014) triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là tam nông) là tiền đề để huyện Thăng Bình thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người lao động, từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn.
Thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam trong những tháng cuối năm nay đón nhận nhiều thông tin tích cực khi các thị trường lớn quay lại mua hàng, giảm tải áp lực tiêu thụ gạo khi thị trường Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại.
11 tỉnh có hộ nghèo được nhận bò giống gồm: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Thanh Hóa và Nghệ An.