Đặc sản và đặc ân

Mới đây, các chị em giới trung lưu khá giả lại “khuấy sóng” thị trường với loại quả đến từ trời Âu có cái tên rất mỹ miều- nho chuỗi ngọc- và sẵn sàng bỏ ra 2 triệu đồng để thưởng thức 1 kg.
Trên các diễn đàn mạng, không ít người sau khi thưởng thức nho chuỗi ngọc đã hết lời khen ngợi: Đặc sản!
Trong khi đó, ở nước ta có biết bao nhiều loại trái cây cũng được xem là đặc sản, nào vải thiều Lục Ngạn, nhãn lồng Hưng Yên, đến bưởi Diễn, cam Canh, dừa xiêm miệt vườn Bến Tre...
Nhưng khó có từ nào tả xiết nỗi buồn, vào những ngày chính vụ, vải thiều chỉ 3.000 đồng/kg nhà vườn còn khó bán; bưởi Diễn có năm vứt lăn lóc đến rồi đổ đi; dừa xiêm Bến Tre mấy bữa nay giá chỉ còn 2.000 đồng/quả…
Lần tìm vài con số giá bán của một số loại nông sản khác mà... giật mình. Ví như bán 1 kg cà phê nhân chỉ thu khoảng 2 USD, tương đương giá trung bình 1 ly cà phê ở các nước nhập khẩu, trong khi 1kg cà phê nhân có thể pha được 50 ly...
Yếu kém trong ngành nông nghiệp đã được chỉ ra. TS. Võ Hùng Dũng- Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ- từng phát biểu
: Vị thế của ngành trồng trọt tỏ ra rất mạnh với nhiều nhóm sản phẩm xuất khẩu đạt kim ngạch lên đến hàng tỷ USD, nhưng Việt Nam đã nhập khẩu ngày càng nhiều hơn trái cây, rau quả...
Ở tầm vĩ mô, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, làm đầu tàu thúc đẩy các chuỗi giá trị đối với các loại nông sản chủ lực để có hiệu quả cao hơn là giải pháp mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khẳng định.
Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp cũng đã được Chính phủ phê duyệt, mà cốt lõi là đưa sản xuất, xuất khẩu nông sản từ thô sang tinh để tạo thêm nhiều giá trị gia tăng.
Còn nhiều, rất nhiều những giải pháp khác nữa.
Nhưng, dưới góc độ tiêu dùng, để góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp cũng rất cần người tiêu dùng Việt tích cực ủng hộ nông sản Việt, nhất là những đặc sản, bằng những hành động cụ thể, thiết thực, thậm chí có thể coi đó là những “đặc ân”.
Đương nhiên, về phía mình, đặc sản Việt cũng phải đẹp về hình thức, nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đó cũng chính là những “đặc ân” mang đến và chinh phục người tiêu dùng Việt.
Có thể bạn quan tâm

Cứ thứ 7 hàng tuần, người dân ở các thôn, bản thuộc xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang lại tấp nập dắt trâu, bò ra bãi đất trống bên dòng sông Phó Đáy hiền hòa để trao đổi, buôn bán. Vì thế mà người dân gọi đây là chợ trâu Hùng Lợi. Hàng hóa ở đây chẳng có gì khác ngoài những chú trâu, bò lừng lững. Chợ bắt đầu họp từ lúc trời tờ mờ sáng cho đến trưa mới tan, có những phiên số lượng trâu, bò mang ra bán lên đến vài chục con. Không ai biết chính xác chợ trâu được hình thành từ khi nào nhưng giờ đây chợ trâu xã Hùng Lợi đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của một xã thuần nông miền núi.

Hiện tượng cá nổi đầu vào buổi sáng rất phổ biến và thường gặp trong các ao nuôi cá, chủ yếu do thiếu ôxy. Trong ao nuôi, ôxy có được là do sự khuếch tán từ không khí và trong tầng nước, nhờ quá trình quang hợp của tảo, nhờ các máy sục khí, máy quạt nước, …Ôxy bị mất đi chủ yếu do quá trình hô hấp của tôm, cá, tảo, vi khuẩn và phân hủy các vật chất lắng tụ ở đáy ao

Năm nay, người dân trồng cà phê trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) hết sức phấn khởi, bởi vừa kết thúc việc thu hoạch cà phê chè catimor thì họ lại bắt tay vào thu hoạch cà phê mít. Và năm nay được xem là một năm bội thu đối với loại cây trồng này.

Người trồng dứa ở vùng nguyên liệu Quỳnh Lưu (Nghệ An) đang ngao ngán với phương án thu mua của nhà máy chế biến dứa xuất khẩu thuộc Công ty cổ phần Thực phẩm Nghệ An (Nafoods).

Thời gian gần đây, tại một số địa phương ngập lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang: Cai Lậy, Cái Bè... có hiện tượng nông dân đua nhau chạy theo phong trào trồng mít Thái siêu sớm, trồng xoài Đài Loan, đào ao trên đất trồng lúa để ương dưỡng cá tra giống