Cuộc cách mạng trên ruộng đồng
Mới đây, Bộ NNPTNT đã đưa ra kế hoạch sẽ “nâng cấp” vụ đông thành vụ sản xuất chính trong năm với mục tiêu sẽ tạo ra nhiều giá trị hơn để nâng cao đời sống nông dân. Vậy vụ đông sẽ được phát triển ra sao?
Phải chọn cây phù hợp
Những năm gần đây, Vĩnh Phúc được biết đến là tỉnh có nhiều nỗ lực, chính sách khuyến khích trong việc phát triển cây vụ đông, song diện tích cây vụ đông không những không tăng, mà còn giảm dần theo các năm. Cụ thể, năm 2009 diện tích sản xuất vụ đông của tỉnh là 24.585ha, song năm 2014 chỉ còn 20.387ha. Diện tích này giảm đều, kể các những cây chủ lực như: Ngô, khoai lang, đậu tương, lạc… song các loại cây rau màu như: Bí xanh, dưa chuột, cà chua, bắp cải, ớt… thì tăng lên từ 2.967ha năm 2009, lên 4.617ha năm 2014.
Chúng tôi về xã Trung Hà, Tề Lỗ (Yên Lạc), Kim Long (Tam Dương)… nơi có phong trào trồng cây vụ đông mạnh ở Vĩnh Phúc. Chị Nguyễn Thị Hương- một hộ dân ở xã Tề Lỗ cho biết, mặc dù còn gần tháng nữa mới trồng cây vụ đông, nhưng chị đã chuẩn bị các vật tư cần thiết như giống, phân bón… Theo chị Hương, trồng cây vụ đông có rất nhiều lợi thế, như thời gian sinh trưởng của cây màu ngắn, đa số là cây có giá trị kinh tế cao, nên thu nhập thường cao hơn cây trồng chính vụ.
“Tuy nhiên, giá vật tư phân bón, thuốc BVTV, ngày công còn cao, bất hợp lý đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Công nghệ thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch còn hạn chế, nên giá trị đem lại chưa tương xứng. Theo tôi vụ đông chỉ nên phát triển những cây là thế mạnh của địa phương, chứ không nên trồng kiểu xôi đỗ, mỗi thứ một tý, rất khó có thể phát triển thành hàng hóa” – chị Hương chia sẻ.
Ông Lê Văn Dũng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Vĩnh Phúc cho biết, trong những năm qua tỉnh đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ người dân trong phát triển cây vụ đông. Cụ thể, hỗ trợ, 15 triệu đồng/ha su su, 12,5 triệu đồng/ha khoai tây, 7 triệu đồng/ha cà chua, 6 triệu đồng/ha dưa các loại và bí xanh, 5,4 triệu đồng/ha cho bí đỏ, 4 triệu đồng cho ớt… Ngoài ra vụ đông năm 2013, tỉnh hỗ trợ 900.000 đồng/ha cho ngô, đậu tương trở lên.
Nói về nguyên nhân cây vụ đông giảm, ông Dũng cho hay: “Về khách quan, do tác động của biến đổi khí hậu, nên vào đầu vụ trời hay mưa, gây ngập úng, nên việc trồng cây vụ đông gặp rất nhiều khó khăn, có năm phải trồng lại. Về chủ quan, người nông dân vẫn phụ thuộc vào thị trường, mà chưa chủ động được đầu ra”.
Tương tự ở Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình… mặc dù tỉnh cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, song diện tích cây vụ đông hàng năm vẫn giảm. Anh Lê Văn Thành, một nông dân ở xã Thái Tân (Nam Sách, Hải Dương) trồng 0,5ha cà rốt cho hay: “Tôi đồng ý đưa vụ đông thành vụ chính, tuy nhiên cần có chính sách hỗ trợ người dân rõ ràng, nhất là việc tích tụ đất đai, vay vốn, thậm chí là giao thông, thủy lợi… thì người dân mới có thể yên tâm được”.
Đầu ra ở đâu?
Hầu hết các nông dân chúng tôi gặp, khi được hỏi về quan điểm đưa vụ đông thành vụ chính, họ đều nhất trí cao. Song hầu hết họ đều cho rằng, điều đáng lo ngại nhất là khi đưa vụ đông thành vụ chính, thì lượng sản phẩm làm ra sẽ lớn, do đó khâu tiêu thụ sẽ đóng vai trò rất quan trọng.
Theo tìm hiểu của NTNN, tại các tỉnh như Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, ít nhiều các mặt hàng như dưa chuột bao tử, cà chua bi, cà rốt, hay bí xanh, đỏ người nông dân cũng đã có sự liên kết với các doanh nghiệp trong việc bao tiêu đầu ra. Tuy nhiên, nói là bao tiêu, nhưng khi hàng không bán được, họ vẫn vô tư phá hợp đồng.
Anh Hoàng Văn Mạnh, ở xã Mộc Bắc (Duy Tiên, Hà Nam), người đã nhiều năm liên kết trồng cà chua bi xuất khẩu với Công ty Rau quả Hà Nam cho hay: “Hợp đồng là do hai bên thỏa thuận, không có sự ràng buộc từ chính quyền, nên họ vẫn có thể phá hợp đồng và người nông dân vẫn là người chịu thiệt nhất”.
Trao đổi với chúng tôi về các vấn đề trên, ông Tăng Xuân Hòa – Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NNPTNT Hà Nam) cho hay: “Một trong khó khăn chung của ngành nông nghiệp là chưa chủ động được đầu ra. Mặc dù trên địa bàn Hà Nam có rất nhiều công ty chế biến rau, củ, quả, nhưng vẫn còn rất hạn chế. Trong thời gian tới, một mặt chúng tôi quy hoạch lại chỉ phát triển những cây thế mạnh, đồng thời sẽ làm chung gian, giám sát doanh nghiệp và người dân, để có sự công bằng nhất”.
Trong 5 năm gần đây, diện tích cây vụ đông các tỉnh phía Bắc giảm khoảng 40.000ha (chiếm 10%), đạt 420.000ha. Sản lượng cây vụ đông tăng cao qua các năm do năng suất tăng và đạt trên 4,1 triệu tấn năm 2014. Giá trị thu nhập từ 1ha cây vụ đông khoảng 47 triệu đồng và giá trị vụ đông toàn phía Bắc khoảng 20.000 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Xuất khẩu trái cây tăng cao hơn trước, nhưng nông dân và doanh nghiệp vẫn nên cẩn trọng trong đánh giá thị trường và tìm cách nâng cao chất lượng mặt hàng này.
Hiện nay, nông dân trồng đậu phộng (lạc) vụ HT ở hai huyện Tịnh Biên – Tri Tôn (An Giang) rất phấn khởi, bởi năng suất và giá bán tăng, trừ chi phí còn lãi 50 triệu đ/ha.
Rất nhiều nhà vườn, thương lái tích trữ hàng trăm tấn hành tây tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) chờ cơ hội tăng giá để kiếm lời, nay trở nên trắng tay. Nguyên nhân là do hành cùng loại của Trung Quốc ồ ạt tràn vào thị trường, bán với giá rẻ mạt, khiến hành tây Đà Lạt không còn chỗ đứng.
Chiều ngày 30/5, đồng chí Lê Vĩnh Tân - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cùng đoàn công tác đã đến làm việc tại tỉnh Đồng Tháp về tình hình triển khai, giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp (NN); tái cơ cấu ngành hàng cá tra trên địa bàn tỉnh.
Thời gian này đang là vụ nuôi tôm chính trong năm, song ở nhiều vùng nuôi tôm trọng điểm, lại đang bùng phát dịch bệnh gây thiệt hại nặng cho hàng nghìn ha nuôi tôm của bà con nông dân. Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi ý kiến với Phó Cục trưởng Thú y Dương Tiến Thể về tình hình dịch bệnh và các giải pháp ngăn chặn dịch lan rộng.