Doanh nghiệp thủy sản gian nan tìm đường về
Tiêu thụ thủy sản bình quân năm tại Việt Nam là 27kg/ người/ năm.
Qua rồi cái thời các doanh nghiệp thủy sản chỉ say sưa với hướng đi duy nhất là xuất khẩu; lo đi xúc tiến kinh doanh ở nước ngoài, mà quên lãng thị trường trong nước gần 100 triệu dân.
Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp chế biến thủy sản đông lạnh Việt Nam có định hướng quay lại sân nhà lại gặp không ít khó khăn, thậm chí còn khó khăn hơn xuất khẩu.
Chật vật trên sân nhà
Trong cơ cấu hàng đông lạnh tại các hệ thống siêu thị hiện nay, thủy sản đông lạnh đang chiếm tỷ lệ áp đảo với 60%. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó tổng giám đốc hệ thống Saigon Co.op cho biết, sản lượng tiêu thụ hàng thủy sản đông lạnh tại hệ thống Saigon Co.op tăng trưởng đều trong nhiều năm trở lại đây.
Ông Ngô Quang Tú, Trưởng phòng chế biến, bảo quản thủy sản, thuộc
Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối - Bộ NN & PTNT cho biết, năm 2014 sản lượng thủy sản tiêu thụ nội địa đạt 478.380 tấn, gồm có: thủy sản đông lạnh, mực khô, tôm khô, cá khô, đồ hộp, nước mắm, mắm các loại và các sản phẩm khác như giò, chả, sứa… với giá trị hơn 13.146 tỷ đồng.
Tốc độ tăng trưởng bình quân/năm về sản lượng và giá trị của mặt hàng này trong giai đoạn 2009-2014 tương ứng là 7% và 15,4%.
Trước tiềm năng của thị trường trong nước, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã quan tâm nhiều hơn cho việc đẩy mạnh kinh doanh tại thị trường nội địa. Có những doanh nghiệp trước đây chỉ chuyên làm xuất khẩu thì nay cũng đã và đang có kế hoạch quay về sân nhà. Tuy nhiên, việc chinh phục thị trường nước ngoài đã khó, đường về sân nhà của không ít doanh nghiệp thủy sản cũng chẳng mấy dễ dàng.
Từ năm 2003, khi các doanh nghiệp thủy sản vẫn còn mải mê với thị trường xuất khẩu, Công ty cổ phần Saigon Food đã quan tâm đến phát triển thị trường nội địa.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm “thâm canh” trên mảnh đất quê hương, đến nay tỷ trọng giữa xuất khẩu và nội địa của công ty vẫn còn chênh lệch khá lớn, ở mức 80/20. Saigon Food đặt ra mục tiêu đến năm 2020 phải nâng tỷ trọng giữa xuất khẩu và nội địa lên 50 - 50.
Tuy nhiên, chính ban lãnh đạo công ty cũng thừa nhận, đây là một mục tiêu đầy thách thức vì hệ thống bán lẻ hiện đại trong nước chưa phát triển như mong muốn.
“Trong khi kênh phân phối hiện đại ở Thái Lan chiếm 70% thì ở Việt Nam con số này mới ở mức 20%”, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Saigon Food cho hay.
Ngoài ra theo bà Lâm, các nhà chế biến thủy sản trong nước không có tiềm lực để xây dựng hệ thống phân phối riêng mà phải nương theo sự phát triển của các kênh bán lẻ hiện đại, nơi có điều kiện bảo quản thủy sản đông lạnh. Do vậy, doanh nghiệp thủy sản còn bị các nhà bán lẻ đòi hỏi chiết khấu cao và chiết khấu của năm sau lại cao hơn năm trước.
“Đến thời điểm hiện nay, có siêu thị ngoại đòi chiết khấu tới 20% nên một số công ty có tiềm lực phải ngừng cung cấp hàng để đàm phán lại giá. Trong khi đó, các công ty nhỏ thì không dám làm điều đó mà âm thầm giảm chất lượng”, bà Lâm nói.
Cũng giống như Saigon Food, Thủy sản Minh Phú cũng đặt ra mục tiêu tăng doanh thu của thị trường nội địa lên khoảng 5% trong ít nhất 5 năm tới. Tuy nhiên, mục tiêu này không dễ gì đạt được.
Ông Nguyễn Trung Hiếu - Phó giám đốc kinh doanh hàng nội địa của Minh Phú thừa nhận, việc khai thác thị trường nội địa gặp không ít khó khăn, thậm chí là phức tạp hơn xuất khẩu.
Trong đó tập quán, thói quen tiêu dùng hàng thủy sản tươi sống của người tiêu dùng trong nước và sự lệ thuộc vào kênh bán lẻ hiện đại chính là rào cản.
Ngoài ra, còn có một nghịch lý khác là thủy sản bán tại thị trường nội địa có giá cao hơn xuất khẩu do chi phí vận tải, lưu thông và phân phối cao. Chẳng hạn, cá tra phile đông lạnh xuất khẩu chỉ có giá 56.000 - 60.000 đồng/kg, nhưng bán tại Hà Nội là 70.000 - 80.000 đồng/kg.
Miếng ngon đem bán xứ người
Theo dự báo của Hiệp hội Bán lẻ, mức tiêu thụ hàng thủy sản trong nước năm 2015 đạt 790.000 tấn, đến năm 2020 sẽ là 940.000 tấn, trong đó hàng thủy sản đông lạnh chiếm trên 30%. Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch hiệp hội cho hay, tiêu thụ thủy sản bình quân năm tại Việt Nam là 27 kg/người (cả tươi lẫn đông lạnh), gần với mức 32 kg/người/năm của Indonesia.
Thế nhưng thị trường tiềm năng này lại chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức. “Thị trường trong nước với gần 100 triệu dân thì không thấy ai xúc tiến thương mại, lại cứ lo đi xúc tiến ở nước ngoài, có quốc gia chỉ có vài triệu dân”, ông Ngô Quang Tú, Bộ NN & PTNT bức xúc.
Ông Tú cũng nêu ra một thực tế được nhiều người đồng tình, đó là các doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng đến việc bán những sản phẩm có chất lượng ở thị trường nội địa. “Sản phẩm không xuất khẩu được mới đem tiêu thụ nội địa”, ông Tú nói. Thực tế này cho thấy thị trường nội địa trở thành “con ghẻ”, ít được quan tâm chăm sóc.
Trong cơ cấu hàng đông lạnh tại các hệ thống siêu thị hiện nay, thủy sản đông lạnh đang chiếm tỷ lệ áp đảo với 60%
Ông Huỳnh Tiến Dũng - Giám đốc Chương trình bảo tồn thiên nhiên hoang dã tại Việt Nam (WWF) cho biết, trong thời gian qua, WWF đã nỗ lực hỗ trợ cho ngành thủy sản Việt Nam thông qua việc đưa ra các chương trình nâng cao năng lực phù hợp với chứng nhận nuôi trồng có trách nhiệm ASC cho tôm, cá tra, cá rô phi.
Chứng nhận thứ 2 là MSC quy định việc đánh bắt bền vững. Tuy nhiên, “điều nghịch lý là các sản phẩm đạt tiêu chuẩn ASC và MSC đều xuất khẩu, người trong nước muốn mua cũng không có”, ông Dũng nêu thực trạng.
Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Thủy sản Hùng Vương cho biết, thời gian tới Hùng Vương sẽ tiếp tục đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm từ cá basa vào các siêu thị trong nước với chất lượng tương đương như hàng xuất khẩu. Hiện nay, sản lượng tiêu thụ nội địa của Hùng Vương đạt khoảng 400 tỷ đồng/năm.
Trong khi đó, thủy sản Minh Phú cũng cho biết đang xây dựng mối liên kết với hệ thống các siêu thị để tiêu thụ những sản phẩm đảm bảo chất lượng với giá ổn định cho người có thu nhập cao.
Có thể bạn quan tâm
Tiền Giang nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và có nhiều lợi thế phát triển vùng cây ăn trái. Để tạo bước chuyển biến, tỉnh ta đã xác định 7 loại trái cây đặc sản cần khuyến khích đầu tư phát triển và đã hình thành các vùng chuyên canh như: Xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, sầu riêng Ngũ Hiệp, vú sữa Lò Rèn, thanh long Chợ Gạo, sơ ri Gò Công, khóm Tân Phước.
Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP): 9 tháng năm 2014, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt gần 2,94 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ. Đến cuối năm, dự báo xuất khẩu tôm sẽ đạt mức 3,8 tỷ USD.
Những ngày này, trên các cánh đồng lúa, đồng bào dân tộc thiểu số của xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) đang khẩn trương bước vào mùa thu hoạch lúa lai. Vụ này, bà con ở đây đã chú trọng đưa vào gieo cấy các loại giống lúa lai nên đã đem lại năng suất cao và chất lượng gạo thơm, ngon.
Trao đổi về tình hình sản xuất khoai lang trên địa bàn, ông Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Tuy Đức cho biết: “Từ tháng 6/2012, huyện Tuy Đức đã xây dựng vườn ươm giống khoai lang Nhật Bản bằng phương pháp nuôi cấy mô với diện tích 2 ha. Bắt đầu từ năm 2013, mỗi 1 ha cung cấp cây giống thế hệ F1 đủ trồng cho 30 ha.
Giống lúa là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định đến năng suất, sản lượng thu hoạch trên diện tích canh tác. Vì vậy, vụ mùa năm 2014 Chi cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình triển khai sản xuất thử giống lúa thuần TBR225 tại xã Pom Lót (huyện Điện Biên).