Cùng liên kết để phục hồi và phát triển cây hồ tiêu
Sau 3 năm triển khai, dự án đã xây dựng thành công các mô hình phục hồi và trồng mới hồ tiêu sạch bệnh, năng suất cao, tạo vùng lõi kỹ thuật để nhân rộng mô hình ra toàn huyện Cam Lộ (Quảng Trị) và các địa phương khác.
Vườn tiêu do tổ chức ROP hỗ trợ kỹ thuật đang phát triển tốt
Theo đó, tổ chức ROP đã hỗ trợ kỹ thuật, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng mô hình trồng tiêu mới với quy mô 500 m2/hộ cho bà con nông dân.
Để thực hiện mô hình này, ROP phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức thành lập 10 câu lạc bộ (CLB) trồng tiêu tại các xã nằm trong vùng dự án là Cam Thành, Cam Nghĩa, Cam Chính gồm 260 hộ tham gia.
Với quan điểm hợp tác nhân dân đóng góp 50%, dự án tài trợ 50%, sau khi thành lập các CLB trồng tiêu, tổ chức ROP tổ chức 6 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 89 lượt người tham gia là cán bộ tổ kỹ thuật huyện, khuyến nông xã, chủ nhiệm các CLB; tổ chức 16 lớp tập huấn trực tiếp cho 1.059 lượt nông dân về các kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo từng thời kỳ sinh trưởng của cây hồ tiêu.
Hàng tháng, cán bộ khuyến nông, chủ nhiệm CLB tổ chức giám sát, quản lý, thăm vườn, tập huấn và hỗ trợ kỹ thuật cho các thành viên CLB.
Bên cạnh đó, tổ chức ROP phối hợp với Công ty Hợp Trí, Công ty Syngenta tổ chức hội thảo giới thiệu các sản phẩm hỗ trợ sản xuất tiêu, tập huấn kỹ thuật sử dụng hiệu quả, an toàn thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân.
Ngoài ra, ROP còn phối hợp với tổ chức MAG rà phá bom mìn cho 87 hộ thuộc 3 xã dự án với diện tích rà phá trên 51.000 m2 để cải tạo vườn tạp, trồng tiêu đảm bảo an toàn.
Đến nay, tổ chức ROP đã hỗ trợ trồng mới 14 ha hồ tiêu, chăm sóc vườn tiêu 261 ha.
Kết quả các mô hình trồng mới đều sinh trưởng, phát triển tốt, tạo nguồn giống chất lượng cung cấp cho những năm sau.
Kết quả cho thấy mô hình phục hồi vườn tiêu theo quy trình kỹ thuật mới cho năng suất cao hơn tập quán của bà con nông dân 4-6 tạ/ha, đưa năng suất hồ tiêu bình quân toàn huyện từ 8 tạ lên 12,5 tạ/ ha, điển hình có vườn tiêu đạt 30 tạ/ha, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập và hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.
Tổng kinh phí tổ chức ROP tài trợ xây dựng các mô hình trồng mới và phục hồi vườn tiêu trên địa bàn huyện Cam Lộ là 1 tỷ đồng.
Đây chính là vùng lõi kỹ thuật để nhân dân học tập, nhân rộng trồng mới 84 ha hồ tiêu và phục hồi vườn tiêu sạch bệnh 110 ha, nâng diện tích hồ tiêu toàn huyện lên 336 ha, đáp ứng chủ trương biến đặc sản “vàng đen” trở thành thế mạnh làm giàu cho người dân trong vùng dự án.
Ông Phạm Viết Thanh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp&PTNT huyện Cam Lộ nhận xét: “Thành công của dự án phát triển nông nghiệp bền vững do tổ chức ROP tài trợ đã góp phần thay đổi tư duy của người dân từ trông chờ hỗ trợ của nhà nước và các tổ chức sang hợp tác cùng phát triển;
Đồng thời đào tạo được mạng lưới kỹ thuật từ huyện đến thôn (CLB) về kiến thức khoa học kỹ thuật mới chuyên sâu để phát triển cây hồ tiêu trên địa bàn, giúp vườn tiêu phát triển ổn định, an toàn dịch bệnh, nâng cao năng suất và thu nhập cho người sản xuất.
Hy vọng với sự vào cuộc của “4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) trong chuỗi liên kết giá trị sản xuất nông nghiệp hàng hóa, cây hồ tiêu trên địa bàn huyện Cam Lộ sẽ phát triển bền vững, hiệu quả hơn”.
Tiếp tục triển khai dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp, tổ chức ROP đang thay đổi cách tiếp cận hợp tác từ hỗ trợ đầu tư theo quy mô hộ sang quy mô hợp tác vùng dự án và giải quyết đầu ra cho sản phẩm hồ tiêu.
Bước đầu, tổ chức ROP đang thu mua cho nông dân vùng dự án sản phẩm tiêu đỏ (tiêu chín trên cây qua chế biến có màu đỏ) với giá cao gấp 2,5 lần tiêu đen truyền thống để đưa đi chào hàng tại Mỹ; đồng thời hướng dẫn phân loại tiêu đen để bán ra thị trường nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người trồng tiêu, phần lợi nhuận thu được sẽ tái đầu tư cho nông dân.
Đây là hướng đi hiệu quả để đưa thương hiệu hồ tiêu Cam Lộ đi xa đến các thị trường khó tính trên thế giới, giúp cây hồ tiêu và người trồng tiêu nâng cao giá trị kinh tế, hướng đến xây dựng và phát triển một nền nông nghiệp bền vững.
Có thể bạn quan tâm
“Năng suất đạt hơn 4 tấn/ha, như vậy cây điều có thể giúp nông dân làm giàu rồi…” Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nói trong dịp đi thực tế vườn điều đã được trẻ hóa của 2 nông dân Hoàng Trọng Thủy, Hoàng Trọng Thanh ở thôn 10, xã Long Hà (Bù Gia Mập - Bình Phước) vào đầu tháng 4.
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện, mặc dù năm nay mùa khô kéo dài, các hồ đập mực nước xuống thấp nhưng do địa phương đã nhận định được tình hình, chủ động xây dựng lịch nông vụ và điều tiết nước tưới hợp lý nên toàn bộ diện tích cây trồng đều đảm bảo được nguồn nước.
Vụ đậu xanh năm nay, toàn huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) trồng 1.066 ha (tăng 259 ha so năm trước), tập trung ở các xã: Khánh Bình Tây 535 ha, Khánh Hưng 420 ha, Trần Hợi 79 ha, Khánh Bình Tây Bắc 17 ha và Khánh Bình Đông 15 ha. Đến nay, bà con thu hoạch được 30 ha, năng suất ước đạt từ 1,5 - 1,8 tấn/ha.
Đến xã Mỹ Thanh (Bạch Thông, Bắc Kạn) chúng tôi được nghe nói về việc trồng gừng ở các thôn Phiêng Kham, Thôm Ưng và thôn Châng, nhờ cây trồng này mà nhiều hộ đồng bào dân tộc Dao đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Với mô hình trồng gừng trên đất đồi đã mở ra một cách làm mới, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Được thành lập từ năm 2010, đến nay, Tổ hợp tác trồng rau an toàn ở phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Phước có 22 thành viên tham gia, với diện tích trên 10 ha.