Cửa Biển Bồi Lấp, Ngư Dân Khốn Đốn
Vài tháng trở lại đây, hàng trăm ngư dân ở xã Lộc Bình (huyện Phú Lộc, tỉnh TT - Huế) phải bỏ nghề đầm phá, phiêu tán nhiều nơi do cửa Tư Dung bị bồi lấp, nguồn nước bị ngọt hóa, thủy sản chết hàng loạt.
Thủy sản chết hàng loạt
Nằm khá tách biệt trên tỉnh lộ 18, xã Lộc Bình từ nhiều đời nay bà con ngư dân sống dựa vào nguồn đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên đầm phá. Khu đầm Hải Phú trải dài trên 60 ha qua địa bàn 2 xã Lộc Bình và Vinh Hiền, từ lâu là nguồn sinh kế của hàng trăm ngư dân. Khoảng vài tháng trở lại đây, cửa Tư Dung bị bồi lắng, nguồn nước trong đầm Hải Phú bị ô nhiễm, ngọt hóa làm cho hàng chục ha mặt nước là diện tích nuôi trồng các loại thủy sản như ngọc trai, cá, vẹm xanh… đồng loạt bị “bức tử”.
Tháng 4, bước vào vụ nuôi trồng thủy sản nhưng khu đầm vắng ngắt, lều trại, ngư lưới cụ phơi mưa phơi nắng bạc phếch. Anh Lê Viết Khánh (thôn Hải Bình, xã Lộc Bình) cho biết, từ năm ngoái đến nay, gia đình anh đầu tư nuôi gần 20 lồng cá cùng nhiều ốc, vẹm xanh… Mỗi năm, đến mùa thu hoạch, các thương lái từ Đà Nẵng ra tận đầm thu mua, với giá cá mú 260.000 đồng/kg, cá hồng 170.000 đồng/kg, gia đình anh thu nhập vài trăm triệu.
Thế nhưng, thời gian gần đây do cửa Tư Dung bị bồi lắng, đầm Hải Phú bị biến thành “ao”, nước lắng đọng, ngọt hóa, cùng với việc nuôi tôm ồ ạt, xả thải nước thẳng ra khu đầm làm nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng đã làm 80% số thủy sản nuôi trồng của anh bị chết, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Mỗi ngày, anh Khánh xuống khu nuôi trồng thủy sản của mình vớt hàng chục cân cá.
“Thủy sản chết dai dẳng từ nhiều tháng nay. Cá chết đành mang cho lợn ăn, chứ bán cũng chẳng ai mua” - anh Khánh buồn nói. Cùng rơi vào tình cảnh đổ nợ như anh Khánh, còn nhiều hộ gia đình khác như hộ ông Lê Viết Sơn, Trần Cát đều thị thiệt hại hàng chục triệu đồng.
Nguồn nước ô nhiễm còn làm nhiều trang trại nuôi trai lấy ngọc ở Lộc Bình rơi vào cảnh khốn đốn do trai đang trong thời kỳ sinh trưởng bị chết hàng loạt. Trang trại nuôi trai lớn nhất tỉnh TT - Huế của Cty TNHH Đầu tư và sản xuất Ngọc Việt (Cty Ngọc Việt) đầu tư từ nhiều tháng nay các lồng nuôi trai bỏ hoang hóa.
Trang trại nuôi cỏ mọc um, lồng trai chết vứt ngổn ngang. Người quản lý cơ sở trang trại ở đây cho biết, năm 2009, cơ sở đầu tư 1 triệu con trai, cho sản phẩm ngọc chất lượng khá tốt. Thế nhưng, tính hơn nửa năm nay, do nguồn nước bị ngọt hóa, ảnh hưởng ô nhiễm từ các hồ nuôi tôm xả thải thẳng ra đầm Phú Hải đã làm số trai bị chết hơn 90%, ước thiệt hại gần cả chục tỷ đồng.
Ngư dân… bỏ biển
Ông Lương Thế Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Bình cho hay, việc nguồn nước bị ô nhiễm do cửa Tư Dung bị bồi lắng không chỉ làm thiệt hại hàng tỷ đồng của các trang trại, ngư dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn mà còn làm hàng trăm ngư dân mất nguồn thu chính từ đầm phá, mất việc làm, nhiều hộ phải chuyển sang trồng rừng, phụ hồ hay đi các địa phương khác làm ăn.
Năm 2011, Cty Ngọc Việt từng bỏ kinh phí khoảng 500 triệu đồng, thuê nhân công, máy móc nạo vét, thổi cát nhằm khơi thông cửa Tư Dung, trả lại độ mặn cần thiết cho đầm Hải Phú. Thế nhưng, chỉ một thời gian sau cửa Tư Dung lại bị bồi lắng với lượng cát dày hơn trước.
Anh Nguyễn Ánh (thôn Hải Bình) cho biết: “Bao đời nay gia đình tui đều theo nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Giờ thả con gì nuôi đều chết, vài vụ như ri thì cụt vốn hết. Nên gia đình đang tính chuyện chuyển qua trồng rừng, hay đi phụ hồ kiếm sống”. Theo nhiều người dân ở Lộc Bình, những năm trước, ra với đầm phá, bình quân họ cũng kiếm được trên dưới 100 nghìn đồng mỗi ngày, nhưng giờ sinh kế khó khăn, việc làm bị mất đã khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh dân biển nhưng đành bỏ biển, làm nghề “tay trái” mưu sinh.
Nguồn nước ô nhiễm khiến ngọc trai chết hàng loạt ở các cơ sở nuôi cũng khiến người dân không còn việc. Những năm trước, khi con trai được đưa vào nuôi thử nghiệm, Cty Ngọc Việt đều mở lớp đi tham quan, học hỏi về cách nuôi, chăm sóc ngọc trai cho bà con ngư dân. Cơ sở nuôi trai đã giải quyết, tạo việc làm cho hàng chục lao động với thu nhập 300 nghìn đồng/người/tháng.
Theo báo cáo của UBND xã Lộc Bình, nguồn nước ở đầm Phú Hải bị giảm độ mặn từ 30/1.000 xuống còn 0/1.000. “Tình trạng này chỉ xảy ra sau mỗi mùa lụt, nước nguồn đổ về, đến nay cửa Tư Dung bị bồi lắng vào thời điểm đã bước vào vụ nuôi nên gây thiệt hại nặng về nuôi trồng thủy sản. Trong khi đó, để khơi thông được cửa biển này cần phải có nguồn kinh phí lớn, vượt qua khả năng của xã” - ông Vĩnh nói.
Có thể bạn quan tâm
Những năm gần đây, phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã được triển khai mạnh mẽ ở huyện Mỹ Lộc nhằm khai thác tối đa tiềm năng, nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho nông dân. Trong đó, trồng ớt cay xuất khẩu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra một hướng đi mới cho người nông dân nơi đây.
Ngoài bán bông tươi, người dân còn làm dưa chua điên điển, giá 30.000 đ/hộp (0,5kg). Bông điên điển là món ăn ưa thích của người dân ĐBSCL, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon.
Hiện tại, giá lúa IR 50404 thu mua tại ruộng đang ở mức 5.000 - 5.200 đ/kg. Còn gạo nguyên liệu thuộc giống IR 50404 đang được các DN chế biến và XK thu mua với giá 7.600 - 7.700 đ/kg, tăng 100 đ/kg so với tuần trước.
Những vạt ruộng trải dài màu bạc của lá lúa bị cháy do sâu cuốn lá. Người dân cho biết, mấy năm nay mới lại xuất hiện một đợt dịch sâu cuốn lá nặng đến thế. Đến nay, toàn tỉnh đã có 70.232 ha lúa bị bệnh sâu cuốn lá phát sinh và gây hại. Ngày 18/7, UBND tỉnh đã phải ra quyết định công bố dịch. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, vẫn còn tình trạng chủ quan trong công tác phòng trừ.
Hai ngành hàng cá tra và tôm ở ĐBSCL vẫn trong cơn khủng hoảng nợ kéo dài mấy năm nay, với "khối u" lớn nhất chưa xử lý được: DN chế biến chiếm dụng vốn của người nuôi và nợ xấu vốn vay ngân hàng.