Cơn Sốt Bò Sữa
Chưa bao giờ đầu ra cho bò sữa lại tốt như hiện nay khi cả 3 nguồn thu là sữa, thịt và con giống đều ở mức giá cao nhất từ trước đến nay
Điều này đã kích thích nông dân giữ vững và tăng đàn do những lợi ích kinh tế thu lại. Tuy nhiên, việc các công ty sữa đổ vốn lớn vào đầu tư trang trại để phát triển vùng nguyên liệu mới thực sự là cú hích giúp tăng trưởng đàn bò sữa.
Đầu ra giá đỉnh
Theo ông Trần Văn Lê, chủ đàn bò sữa 48 con ở xã Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi, TP HCM), hiện đầu ra của bò sữa đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. So với năm ngoái, giá sữa các công ty thu mua tăng hơn 20%, hiện ở mức khoảng 14.000 đồng/lít. Bê con mới đẻ, nếu là cái có giá bán 10 triệu đồng, bê đực giá từ 2 - 3 triệu đồng/con, bò cái mang thai 60 triệu đồng/con.
Trước đây, nếu là bê đực, chủ trại sẽ nuôi vài tháng sau đó bán để làm bê thui thì nay bò được giữ lại để nuôi tiếp nên hình thành thêm nghề nuôi bò sữa lấy thịt. “So với nuôi bò lấy sữa thì nuôi bò lấy thịt nhàn hơn. Tôi vừa xuất chuồng 4 con bò thịt với giá 135 triệu đồng trong khi mấy tháng trước bán 4 con tương tự chỉ 120 triệu đồng nên tiếp tục đầu tư mua mới 8 con bê đực về nuôi” - chủ trại bò kế nhà ông Lê cho biết.
Theo Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng - Vật nuôi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM: Hiện giá sữa tươi nguyên liệu, giá bò giống ở mức cao, thu nhập từ tiền bán sữa ổn định, một số người dân giữ lại bò đực để nuôi lấy thịt.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân tăng đàn và hộ chăn nuôi bò sữa. Theo thống kê đến cuối tháng 6, TP HCM có 99.500 con bò sữa, tăng 7,34% so với cùng kỳ năm 2013. Còn theo số liệu mới nhất của Cục Chăn nuôi, đàn bò sữa cả nước hiện là 200.400 con, tăng 14% so với cùng kỳ. Cục Chăn nuôi cho biết đến năm 2020, đàn bò sữa cả nước sẽ là 300.000 con, đúng mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, do “cơn khát” sữa tươi của thị trường Việt Nam, nhiều đại gia đã tham gia vào ngành nuôi bò sữa nên mục tiêu này có thể về đích sớm.
Tăng đàn nhờ… đại gia
Đại diện Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết trong ngày 23 - 9, lần thứ 5 kể từ đầu năm đến nay Vinamilk đón đàn bò sữa cao sản mang thai với số lượng 200 con. Đây là đàn bò cái tơ giống HF thuần chủng mang thai phối tinh giới tính nhân tạo bằng tinh bò thuần chủng HF của Úc, nâng tổng số bò đã nhập từ đầu năm đến nay lên 800 con, nằm trong kế hoạch nhập 5.000 con bò trong năm 2014 của Vinamilk.
Như vậy, tại các trang trại của Vinamilk, đàn bò sữa đã tăng 40% so với cùng kỳ. Trong năm 2014 và 2015, Vinamilk sẽ tiếp tục triển khai đưa vào hoạt động thêm 3 trang trại mới, quy mô tại Tây Ninh (8.000 con), Hà Tĩnh (3.000 con), Thanh Hóa (3.000 con) và Nông trường Thống Nhất - Thanh Hóa (20.000) con.
Nâng tổng số trang trại bò sữa của Vinamilk lên 9 với 46.000 con, đáp ứng được 40% nhu cầu sữa tươi nguyên liệu (trong đó trang trại chiếm 20%, còn lại 20% của các hộ nông dân).
“Đây là các bước thực hiện để đưa Vinamilk phát triển chiều sâu, từng bước chủ động nguồn nguyên liệu và nằm trong kế hoạch đưa Vinamilk đạt doanh thu 3 tỉ USD vào năm 2017 như mục tiêu đề ra” - đại diện Vinamilk khẳng định.
Một dự án “khủng” nữa cần phải nhắc đến là đàn bò sữa của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lại, dự kiến nhập bò về khoảng tháng 12 năm nay với quy mô lên đến 120.000 con. Công ty NutiFood, đối tác bao tiêu toàn bộ sữa của trang trại này cũng đang chuẩn bị khởi công nhà máy chế biến sữa tươi, cách trang trại của Hoàng Anh Gia Lai 40 km vào tháng 10 tới.
Khi công bố dự án này, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, chia sẻ đã có sẵn 10.000 ha đất tại Gia Lai.
Ông tiết lộ các chuyên gia nước ngoài đã đến khảo sát và xác định đây là một trong những nơi nuôi bò sữa tốt nhất Việt Nam với độ cao 800 m và khí hậu mát mẻ quanh năm, điều này chưa từng ai biết nên chắc chắn sẽ cho ra giá thành rẻ.
Hay Công ty CP Chuỗi thực phẩm TH (TH True Milk) cũng đã đưa ra kế hoạch dự án với đàn bò sữa lên đến 137.000 con vào năm 2017 và 203.000 con vào năm 2020 để chủ động nguồn nguyên liệu sữa tươi.
Không dễ “ăn”
Trước lợi nhuận từ việc nuôi bò sữa, cuối tháng 8 vừa qua, nhiều người ở xã Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi, TP HCM) hùn vốn gần 1,5 tỉ đồng sang tỉnh Long An mua 40 con bò về nuôi. Nuôi được mấy ngày thì 4 con chết nghi do bệnh lở mồm long móng.
Kết quả xét nghiệm sau đó cho kết quả đàn bò nhiễm bệnh nên cơ quan chức năng tiêu hủy 36 con còn lại. Chủ đàn bò cho biết trước giờ họ chưa từng nuôi bò. Những người nuôi bò sữa lâu năm không bất ngờ về điều này vì việc nuôi bò sữa đòi hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật khó hơn nhiều so với bò thịt.
PGS-TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, khuyến cáo với bò giống giá 60 triệu đồng/con như hiện nay nếu đầu tư mới để nuôi theo kiểu nông hộ là không có lãi. Việc nuôi chỉ có hiệu quả khi người nuôi có sẵn đất để trồng cỏ và tận dụng được phụ phẩm như bã bia hoặc các sản phẩm chế biến từ những nhà máy hoa quả, thức ăn ủ chua…
Có thể bạn quan tâm
Nhằm tái cơ cấu ngành trồng trọt, tỉnh Thanh Hóa đã trích ngân sách 17 tỷ đồng hỗ trợ SX vụ đông (gồm giống ngô, đậu tương và mô hình liên kết SX, bao tiêu sản phẩm).
Chiều 16/9, qua tổng hợp nhanh, Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết, mưa lớn kèm gió mạnh đã làm 3.440 ha lúa hè thu của nhân dân trên địa bàn bị ngập úng, ngã đổ.
Lúa là cây trồng chủ lực ở Phú Yên, song hiệu quả kinh tế mang lại rất thấp, do bộ giống cũ, mật độ sạ cao làm tăng chi phí đầu vào, tăng phân bón và thuốc BVTV.
Nước lũ về cũng là lúc nhiều hộ dân làm nghề đóng đáy cá linh… ở An Giang, Đồng Tháp vào vụ. Năm nay, nước lũ không nhiều như các năm trước nên ảnh hưởng đến sản lượng đánh bắt.
Phường Xuân Thành thành lập từ cuối tháng 8/2009 khi Sông Cầu được Chính phủ công nhận là thị xã.