Côn đồ ép giá sầu riêng
Một vựa sầu riêng mua sầu riêng do các tiểu thương mua gom từ các vườn về bán lại tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk)
Sáng 10-9, đưa chúng tôi vào khu vực Bãi Bằng (xã Ea Tân, huyện Krông Năng), ông N.X.A. - một chủ vườn sầu riêng đang mùa thu hoạch - liên tục nhìn trước ngó sau xem có ai đi theo hay không.
Chủ vườn khốn khổ với nạn bảo kê
Giọng vẫn chưa hết lo sợ, ông A. kể sáng 9-9 có ba vị khách (hai nữ, một nam) đến vườn ông hỏi mua sầu riêng.
“Họ vừa bước tới cổng, hai thanh niên đầu trọc, mặc quần đùi, xăm trổ đầy mình không biết ở đâu phóng xe tới hỏi: Chúng mày tới mua sầu riêng phải không? Ba người khách chưa kịp trả lời, một thanh niên nhảy xuống tát tới tấp một phụ nữ.
Người đàn ông can ngăn thì bị gí dao vào cổ, nói: Ở đây là địa bàn làm ăn của bọn tao, ai cho chúng mày đến? Sau đó, hai thanh niên đánh người đàn ông đến nhà tôi mua sầu riêng nhừ tử” - ông A. kể thêm.
Khoảng 20g ngày 10-9, vừa ngồi xuống chiếc chiếu dưới nền nhà sau khi từ thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) trở về, ông Phương - một chủ vườn sầu riêng tại xã Ea Tân - nhận được điện thoại của bà Nga - người thu mua sầu riêng - thông báo: “Chắc em không dám vào mua nữa đâu”.
Trước đó, khi tìm đến nhà ông Phương vào sáng cùng ngày, bà Nga bị một số thanh niên chặn đầu xe hỏi “đi mua sầu riêng à?”.
“Em sợ quá nên nói chỉ đi mua sầu riêng “kem” (những trái bị hư ít) thôi. Lúc nãy chúng lại gọi điện cảnh báo cẩn thận đừng có động vào khu vực này. Xin lỗi anh nhưng tình hình này nguy hiểm quá” - bà Nga kể.
Cùng ngày, tại vườn sầu riêng nhà ông C.G.B. (xã Ea Tân), một thương lái đi xe tải đến hỏi mua sầu riêng cũng bị nhóm này đến chặn xin tiền. “Xin tiền xong chúng hăm dọa thương lái không được bén mảng tới thôn này” - ông B. cho biết. Khi thương lái không dám đến, côn đồ bắt đầu ép giá.
Ông A. kể “người của bọn bảo kê” vào thu mua sầu riêng chín giá 5.000 đồng/kg, còn sầu riêng trên cây giá 20.000 đồng/kg, trong khi bình thường giá khoảng 30.000 đồng/kg.
“Tôi nói rẻ quá thì chúng trừng mắt quát: "Vậy kêu bà Nga (một thương lái vừa bị dọa đánh) vào mà mua. Xem thử bả có dám vào đây không". Để lại thì ai mua nên cuối cùng cũng phải cắn răng bán cho chúng” - ông A. ngậm ngùi.
Cầm trên tay hai quả sầu riêng chín mỗi quả 4kg, ông A. bức xúc cho biết mỗi quả này nếu bán theo giá thị trường hiện tại là 33.000 đồng/kg, cũng được gần 150.000 đồng.
“Thế mà chúng nó ép xuống 5.000 đồng/kg, bán chỉ được 20.000 đồng. Cả vườn sầu riêng 170 cây mỗi năm tốn hơn 200 triệu tiền phân bón, phun thuốc, chưa kể nhân công. Giờ chúng nó làm thế này sống sao nổi” - ông A. nói như mếu.
Muốn yên ổn phải chung chi
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhóm côn đồ lộng hành tại các vườn sầu riêng ở khu vực Bãi Bằng do một người tên Hoàng cầm đầu. Đàn em của Hoàng có khoảng 10 - 15 người, phân chia địa bàn khắp xã.
Những tay “anh chị” này không xuất đầu lộ diện mà cho tiền những thanh niên trong thôn, mật phục tại các nhà có vườn sầu riêng chuẩn bị thu hoạch. Có người đến thu mua sầu riêng, những thanh niên này sẽ bám theo rồi gọi điện về báo.
Ngay lập tức, nhóm này sẽ có mặt tại các chốt chặn hăm dọa, đánh đập, “xin đểu” tiền bảo kê. Cứ 2 - 3 ngày chúng lại đổi địa điểm thay người một lần để tránh bị phát hiện.
Ngoài việc “bảo kê”, người dân cho biết nhóm này còn thường xuyên trộm cắp máy bơm, sầu riêng để đem bán. “Mỗi đêm tôi phải đi rọi đèn canh sầu riêng 4 - 5 lần.
Nhưng canh vậy thôi chứ chúng vào trộm mình cũng chẳng làm được gì đâu. Chúng đi một lần 3 - 4 người, vừa tới phía trước thì nó hái phía sau” - chủ một vườn sầu riêng bức xúc.
Trong khi đó, tại thị trấn Phước An và các xã Ea Yông, Ea Kênh (huyện Krông Pắk) cũng xuất hiện một số đối tượng ép các chủ vựa, tài xế vận chuyển sầu riêng “chi tiền để được yên ổn”.
Theo các chủ vựa, các tay “anh chị” yêu cầu phải chi 1 - 2 triệu đồng/tấn nếu muốn buôn bán yên ổn. “Họ nói rành các vườn sầu riêng của từng hộ dân nên sẽ dẫn đường và lấy “hoa hồng”.
Việc mua bán là do thỏa thuận giữa hai bên. Vì là người ở xa đến, chúng tôi đành phải chấp thuận với nhóm này để được an thân buôn bán” - chủ một vựa sầu riêng nói.
Ngoài ra, các nhóm “anh chị” tại khu vực này còn “xin đểu” các tài xế xe container - có sẵn ngăn lạnh để bảo quản sầu riêng đưa đi xa.
Theo đó, khi thấy các xe container dừng chờ bốc hàng, những thanh niên này sẽ đến nói đang thiếu tiền nhậu, muốn xin tài xế ít tiền. “Tuy nói là xin nhưng nhóm thanh niên này “ra giá” rất cụ thể, thường là 100.000 đồng/tấn, mỗi xe container chở khoảng 20 tấn sầu riêng/chuyến” - một tài xế nói.
Các nhóm bảo kê bị đưa vào tầm ngắm
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trung Kiên - phó trưởng Công an xã Ea Tân - cho biết ngày 9-9 công an xã nhận được đơn tố cáo của một chủ vựa thu mua sầu riêng phản ảnh đã bị chặn lại đe dọa khi đi mua sầu riêng.
“Việc bảo kê trước đây chưa từng xảy ra. Chỉ khi nhận được đơn thư này chúng tôi mới biết. Xã cũng đã phản ảnh về tình trạng này lên huyện xin chỉ đạo, đồng thời đưa số điện thoại công an xã cho các thương lái để báo tin khi sự việc xảy ra” - ông Kiên nói.
Trong khi đó, thiếu tá Nguyễn Đức Thuận - đội phó đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an huyện Krông Pắk - cho biết cơ quan này đã lập kế hoạch khống chế các nhóm anh chị, đe dọa bảo kê các chủ vựa sầu riêng và xin đểu các tài xế.
Đến nay đã xác định có hai nhóm chuyên bảo kê, xin đểu. Ban lãnh đạo công an huyện đã tổ chức một tổ gồm sáu cán bộ, chiến sĩ thường xuyên có mặt tại đây để thu thập thông tin, kịp thời ngăn chặn việc các đối tượng này hành hung các chủ vựa và người dân khi không đòi được tiền.
Theo ông Thuận, hành vi của hai nhóm này là đến các vườn sầu riêng đặt cọc mua sầu riêng, sau đó dẫn các chủ vựa vào vườn này mua sầu riêng và nhận “hoa hồng” 1 triệu đồng/tấn.
“Thực chất đây là hoạt động bảo kê trá hình vì các chủ vựa bị đe dọa nếu không đưa tiền hai nhóm này sẽ không cho mua sầu riêng. Những người bị đe dọa phần lớn lại không hợp tác với công an vì sợ ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của mình” - ông Thuận cho biết.
Cũng theo ông Thuận, nhiều ngày liền các cán bộ, chiến sĩ hóa trang thành người dân đi cắt sầu riêng tại các lô, vườn để nắm tình hình, hoạt động của các nhóm bảo kê.
Công an cũng đã triệu tập 12 người có hành vi trên lên lấy lời khai và răn đe, ngăn chặn. Hiện công an tiếp tục bám trụ địa bàn đến cuối mùa để ngăn chặn nạn bảo kê nói trên.
Đưa 2 triệu đồng nếu muốn chở sầu riêng “an toàn”
Công an huyện Krông Pắk đang tạm giữ hình sự Trần Doãn Tùng (36 tuổi, trú thôn Tân Trung, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk) về hành vi “cưỡng đoạt tài sản”.
Theo hồ sơ, vào khoảng 11g ngày 29-8, Tùng gặp tài xế container Dương Văn Long đặt vấn đề xin tiền. Cụ thể, Tùng nói anh Long phải đưa cho mình 2 triệu đồng nếu muốn chở sầu riêng ra khỏi địa bàn được an toàn cho người và xe.
Khi nhận 2 triệu đồng từ tay anh Long tại một quán cà phê, Tùng đã bị công an ập vào bắt quả tang. Được biết, Tùng vừa rời khỏi trung tâm cai nghiện (cai từ năm 2009 đến nay) thì tiếp tục phạm tội.
Trắng đêm canh trộm sầu riêng
21g ngày 10-9, ông Thuận (xã Ea Tân) chuẩn bị quần áo, sạc đèn pin, buộc lại chiếc... ná cao su để thay phiên cho ông Hải (em ông Thuận) đi canh trộm sầu riêng trong rẫy hơn 4ha.
Trước khi dẫn tôi theo, ông Thuận dặn: “Đi phải luồn dưới các cây cà phê, cẩn thận cây đâm vào mắt nguy hiểm lắm đó”. Khi chúng tôi đến con dốc trong rẫy, ông Thuận lấy chiếc ná cao su bắn vào bụi cây một cái như báo hiệu.
“Bắn cho bọn trộm biết có người trong này. Chứ giờ mà bọn nó vào đánh mình luôn thì làm gì được nó vì chúng nó thường đi theo nhóm 3 - 4 người” - ông Thuận nói.
Khi tới khu bờ rào thép gai vườn sầu riêng, ông Thuận phát hiện một đoạn thép vừa bị bọn trộm cắt. “Đấy, chúng vừa cắt để ra vào cho dễ. Sắp tới mùa cao điểm thu hoạch sầu riêng, các lái buôn sẽ vào đây nhiều, chúng nó sẽ trà trộn vào để trộm đem bán” - ông Thuận cho biết.
Đi đoạn nữa, ông Thuận lại lấy đèn pin pha lên trời hai cái để ra hiệu có người trong rẫy. Đi chừng 40 phút, đôi chân tôi rũ xuống, ông Thuận cười: “Chú đi chưa quen chứ anh ngày nào cũng đi nên khỏe hơn bộ đội”.
Gần 1g sáng. Làm tô mì gói cho hai anh em ăn xong, ông Thuận ngồi xem tivi bảo tôi: “Chú nghỉ đi, mắt anh giờ này sáng rồi không ngủ được. Giờ còn xem phim được chứ vài ngày nữa sầu riêng chín nhiều phải thức canh ngoài rẫy trắng đêm”.
Có thể bạn quan tâm
Chiều 30.9, tại Hà Nội, Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2016-2020, dưới sự chủ trì của Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân.
Không chỉ “hạ nốc ao” trái cây Việt ngay trên sân nhà, trái cây Thái Lan còn chiếm luôn thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Lục Nam, toàn huyện hiện có gần 1,5 nghìn ha dẻ gần trăm năm tuổi. Năm nay sản lượng hạt dẻ ước đạt hơn 1 nghìn tấn, mang về cho người dân khoảng 20 tỷ đồng.
Đang mùa mưa lũ, chất lượng nước không đảm bảo, môi trường nuôi bị ô nhiễm, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển nhiều. Lên kế hoạch phòng trị bệnh trên cá tra nuôi thời điểm này là rất cần thiết.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn Phú Yên, 5 năm qua, toàn tỉnh đã bê tông hóa hơn 1.800km đường nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ đường nông thôn được bê tông và nhựa hóa lên 70%.