Con Bò Cứu Cây Lúa
Để giảm thiểu tác động xấu do tình trạng nhiễm mặn gây thất thu cho nghề trồng lúa, nông dân xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre chuyển sang nuôi bò, bước đầu cho thấy hiệu quả khả quan.
Ở ấp Tân An (xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), vợ chồng chị Châu Thị Bé Tư (37 tuổi) là gia đình thoát nghèo khá căn cơ nhờ nghề nuôi bò. Chị Bé Tư cho biết, năm 2001, lúc mới cưới, vợ chồng chỉ có chiếc ghe nhỏ đi chở mướn, nhưng sau đó phải lên bờ vì nghề ghe không sống nổi. Hai vợ chồng bám miếng ruộng 0,5ha, rồi làm thuê làm mướn đủ nghề nhưng vẫn hết sức chật vật mới lo được cho 2 con tới trường.
“Nguồn nước càng lúc càng mặn, làm ruộng càng lúc càng thua lỗ. Vụ đông xuân này, gia đình tôi thu được 40 bao lúa, tính ra chưa được 2 tấn nhưng lúa kém chất lượng, kêu bán không thương lái nào thèm mua. Hai vợ chồng đang tính đem xay thành cám, làm thức ăn cho bò” – chị Bé Tư nói. Năm 2009, gia đình chị Bé Tư vay được 20 triệu đồng, mua 2 con bò để nuôi. Tận dụng bờ bao ruộng lúa và những chỗ đất xấu, anh trồng cỏ cho bò ăn, đến năm 2013, đàn bò của anh đã được 8 con, được công nhận thoát nghèo. “Do bán lúa không được nên tôi mới vừa “gả” bớt 1 con bò con, thu được 12,5 triệu đồng” – anh Phúc nói.
Theo ông Hồ Văn Kịch – Trưởng ấp Tân An, ấp này có 227ha lúa, nhưng gần đây do độ mặn quá cao nên hơn 50% diện tích trồng lúa thất thu. Số còn lại cho ra thứ thóc “bán không được, mà ăn cũng không xong” vì hạt cơm nấu nhạt toẹt, bở như gạo mốc lâu ngày. Nhiều người tận dụng đất bìa chéo, thậm chí chuyển hẳn cả ấp có 3.200 dân, sang nuôi hơn 3.000 con bò. “Tính bình quân thì mỗi người có 1 con bò, nhưng có nhiều gia đình nuôi trên dưới 20 con và vẫn có nhiều gia đình chưa có bò để nuôi” – ông Kịch nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nở - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Xuân cho biết, vụ đông xuân 2013, do thời tiết diễn biến bất thường, gió mạnh và độ mặn tăng cao khiến hơn 1.000ha lúa của thất thu 1.624 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. “Vài năm trở lại đây, trồng lúa thất bát nên nhiều hộ dân chuyển sang… trồng cỏ nuôi bò và thắng lớn với nghề này.
Hiện đàn bò của xã gần 7.000 con và đang tiếp tục tăng đàn. Ngoài trồng cỏ trên bờ đê, cả xã còn có 20 ha đất chuyên trồng cỏ nuôi bò” – ông Nở nói. Tại xã Tân Xuân, nhiều hộ nông dân thất thu lúa nhưng “gỡ gạc” bằng cách lấy rơm nuôi bò. Sau khi thu hoạch lúa, nhiều nông dân bán rơm với giá khoảng 7 triệu đồng/ha. Ông Nở cho biết thêm, ngoài nguồn vốn cho hộ nghèo vay để nuôi bò, một Mạnh Thường Quân đã giúp người nghèo xã Tân Xuân bằng cách tặng 8 con bò cái. Số bò này sẽ cho 8 hộ nghèo “mượn”, khi nào sinh được bò con thì xoay vòng bò cái, tới lượt hộ hộ nghèo khác.
Có thể bạn quan tâm
Nếu như các năm trước, cá ngừ có mức tăng trưởng kim ngạch cao nhất trong nhóm hàng thủy sản xuất khẩu, thì năm 2013 lại bị giảm đến hơn phân nửa. Cá ngừ - mặt hàng thế mạnh trong xuất khẩu của thủy sản Khánh Hòa đang gặp khó khăn và rất cần một hướng đi mới.
Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn được xem là đầu mối cung cấp thịt heo chủ lực cho thị trường TP.HCM với hơn chục triệu dân với cách giao dịch khá hiện đại.
Tin từ Chi cục Thú y Đồng Nai, đến nay toàn tỉnh có 178 trang trại được Cục Thú y cấp chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, trong đó có 94 trại gà và 84 trang trại nuôi heo. Các trang trại được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh đa số là sản xuất giống heo, gà và nuôi gà đẻ trứng.
Những ngày đầu năm mới Giáp Ngọ 2014, người dân chăn nuôi đàn hươu sao ở huyện miền núi Hương Sơn của tỉnh Hà Tĩnh phấn khởi vì đã được mùa lộc nhung hươu
Trong không khí rạo rực của những ngày áp Tết Giáp Ngọ, nhiều gia đình ở Thủ đô lại bận rộn đi sắm Tết. Và món “đặc sản” ưa chuộng là gà đồi Yên Thế.