Nỗi Lo Tắc Thị Trường Nông Sản
Mặc dù mùa vụ xuất khẩu vải thiều đã trôi qua khá suôn sẻ, nhưng có mặt tại một số cửa khẩu xuất khẩu nông sản chủ lực của tỉnh Lạng Sơn như: Tân Thanh, Cốc Nam vào những ngày cuối tháng 7-2014, chúng tôi vẫn cảm nhận được nỗi lo lắng, trăn trở của người sản xuất về tình trạng ứ đọng hàng nông sản xuất khẩu do chuyện tắc đường, "tắc thị trường"...
Trong bảy tháng đầu năm 2014, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu (XNK) thông quan qua các cửa khẩu Lạng Sơn đạt 1,627 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2013. Riêng mặt hàng nông sản, qua khảo sát tại một số cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam, từ đầu năm đến nay các mặt hàng nông sản xuất khẩu có những đột biến so với thời gian trước và so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Tân Thanh - cửa khẩu có đến 90% hàng hóa thông quan qua lại là nông sản và cũng là cửa khẩu xuất siêu nông sản lớn nhất của tỉnh Lạng Sơn: chỉ tính riêng tháng 7-2014 tổng kim ngạch XNK nông sản qua cửa khẩu này và ba lối mở là Na Hình, Bình Nghi và Nà Dưa đã đạt tới con số 138,421 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất chiếm tới 127,674 triệu USD, kim ngạch nhập chỉ có 10,747 triệu USD.
Ðiều đáng nói, những lo ngại về giao thương Việt Nam - Trung Quốc sẽ bị sụt giảm đã không xảy ra, khi tổng kim ngạch buôn bán đã tăng tới 110% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch XNK nông sản qua cửa khẩu tiểu ngạch Cốc Nam tháng 7-2014 cũng đạt 45,408 triệu USD.
Còn tại cửa khẩu Chi Ma tổng kim ngạch XNK đạt 38,65 triệu USD, vượt 222% so với cùng kỳ năm 2013. Chánh Văn phòng Cục Hải quan Lạng Sơn Phùng Quốc Hội nhận định: Kim ngạch tăng trưởng cao, nhất là tình trạng xuất siêu hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng cũng là một hiện tượng ở Lạng Sơn trong nhiều năm lại đây.
Tuy nhiên, trong bức tranh khá sáng sủa ấy cũng vẫn còn những vấn nạn dai dẳng: Từ đầu năm 2014 đến nay, xuất khẩu nông sản ở đây ít nhất hai lần phải đối mặt việc ách tắc hàng hóa ngay cửa khẩu!
Nhiều năm nay, người ta viện ra một số lý do để giải thích cho hiện tượng này, như hệ thống kho bãi, đường sá giao thông không đáp ứng được nhu cầu hàng hóa khắp nơi đổ về khi vào mùa vụ. Thậm chí gần đây, đường từ quốc lộ 4A vào cửa khẩu Tân Thanh đã được mở rộng gấp bốn lần, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được lượng xe quá đông dồn về.
Trước tình trạng này, năm nào tỉnh Lạng Sơn cũng cam kết tiếp tục nỗ lực để nông sản được xuất khẩu một cách nhanh chóng nhất bằng nhiều cách: nào là yêu cầu lực lượng chức năng khu vực cửa khẩu tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp, chủ hàng; nào là sẽ làm việc với các cơ quan chức năng tạo điều kiện thông quan nhanh nhất.
Ðược biết, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã đề xuất với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, chủ hàng có thể giao nhận nông sản qua các cửa khẩu khác trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn để giảm tải cho cửa khẩu Tân Thanh. Thực tế, năm nay khi vải thiều qua Tân Thanh tăng đột biến, Lạng Sơn đã linh hoạt mở thêm cửa khẩu Cốc Nam để "chia lửa" và tình trạng ách tắc đã cơ bản được giải quyết.
Tuy nhiên, nhìn bao quát việc nông sản ách tắc tại các cửa khẩu không chỉ là vấn đề đường sá... Ðây mới chỉ là bề nổi của vấn đề. Một trong những nguyên nhân quan trọng hơn là "tắc thị trường".
Những ai làm thương mại lâu năm với thị trường này đều hiểu, chuyện "tắc thị trường" trong xuất khẩu nông sản xảy ra khá thường xuyên, có những lúc, những nơi phía bạn thay đổi, điều chỉnh về chính sách biên mậu, về mở rộng, hay hạn chế nhập một số mặt hàng xuất khẩu của ta.
Có thể sự điều chỉnh này không lớn và không kéo dài nhưng do chúng ta thiếu sự linh hoạt để thích ứng; hay như chuyện, phối hợp giữa các ngành và địa phương đôi khi không thuận cũng dẫn tới "tắc" !
Trong những năm qua, UBND tỉnh Lạng Sơn đã không dưới vài lần gửi văn bản thông báo cho các tỉnh có lượng nông sản xuất khẩu lớn và cả Bộ Công thương để khuyến cáo các nhà vườn, chủ hàng cần có kế hoạch thu gom, vận chuyển hợp lý, tuy nhiên không hiểu sao nông sản vẫn dồn về Lạng Sơn cùng thời điểm với số lượng rất lớn gây ách tắc.
Chỉ đến khi tất cả các cấp, ngành, rồi chính quyền địa phương khẩn trương vào cuộc thì vấn đề này mới được giải quyết triệt để. Có thể dẫn ra vụ xuất khẩu vải thiều tháng 7-2014 như một minh chứng.
Ngay từ đầu vụ, do có những thông tin khá chính xác về sản lượng vải, dự báo được nhu cầu trên thị trường trong nước, cũng như xuất khẩu qua các tỉnh biên giới phía bắc mà tâm điểm là Lạng Sơn, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, đồng thời tìm kiếm và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác (vải Lục Ngạn đã tìm đường xuất sang Nhật Bản với giá cao).
Một trong những mấu chốt để có thể giữ vững phong độ và tăng trưởng xuất khẩu nông sản qua biên giới phía bắc một cách bền vững là cần phải chăm sóc hỗ trợ hơn với cộng đồng DN sản xuất và trực tiếp xuất khẩu hàng nông sản. Hơn ai hết, đây là những đối tượng phải nếm trải vô vàn những khó khăn (thiên tai, đường sá xa xôi, chính sách nhiêu khê...) trong hành trình đưa hàng nông sản từ trang trại lên biên giới.
Trong một hội nghị tại Hà Nội mới đây, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát đã bày tỏ sự ủng hộ khi chia sẻ: Ðối với sản xuất, chúng tôi sẽ rà soát và thông tin cho các địa phương, nhân dân về tình hình thị trường để có sự điều chỉnh phù hợp về quy mô sản xuất.
Chúng tôi cũng làm việc với các hiệp hội, các DN để làm rõ các khó khăn, vướng mắc của các DN, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng cố gắng cao nhất để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các DN kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm
Nuôi thỏ là một nghề rất mới với người dân miền núi, tuy nhiên với quy trình chăn nuôi khép kín từ cung ứng giống, tập huấn khoa học kỹ thuật đến bao tiêu sản phẩm cho người dân, mô hình chăn nuôi thỏ quy mô nông hộ do Công ty cổ phần thương mại và sản xuất thực phẩm Hà Nội đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người nông dân.
Giá trị chăn nuôi ĐVHD đem lại vào khoảng 8 tỷ đồng/ha/năm. Tuy nhiên, do thị trường tiêu thụ sản phẩm ĐVHD không ổn định, nên phong trào chăn nuôi ĐVHD trên địa bàn huyện có xu hướng giảm về quy mô và giống loài.
Mô hình chăn nuôi dê sinh sản và dê thịt đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao và cải thiện cuộc sống của nhiều gia đình nghèo.
Hiện, Trung tâm thủy sản đã hoàn thành việc xây dựng 20 điểm vệ tinh cung ứng và đăng ký kinh doanh giống thủy sản tại địa bàn các huyện, thành phố.
Ngày 20/4, Trạm Thú y huyện Tuy An (Phú Yên) cho biết, nguyên nhân gây chết hơn 6.000 con tôm hùm nuôi ươm từ 2 đến 3 tháng tuổi của 115 hộ nuôi tôm tại Hòn Yến, xã An Hòa trong thời gian qua là do ảnh hưởng hiện tượng thủy triều đỏ, môi trường nước bị ô nhiễm.