Cò và thương lái mua lúa gây khó cho nông dân
Lúa chín rục ngoài đồng
Hiện nay, nhiều cánh đồng lúa hè thu sớm 2015 ở các huyện phía Tây của tỉnh Tiền Giang chín rục ngoài đồng. Người dân mất ăn, mất ngủ vì lúa đã chín rục và áp lực của mưa gió nhưng thương lái chưa chịu cho thu hoạch.
Ông Nguyễn Văn Em, ấp Hậu Phú 2, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè cho biết, 1,4 ha lúa IR 50404 trong vụ hè thu sớm 2015 của gia đình ông đến nay đã hơn 95 ngày (tính từ lúc gieo sạ) nhưng thương lái chưa cho thu hoạch. Không phải đây là mùa đầu tiên, vụ lúa nào nông dân cũng gặp cảnh thương lái kéo dài thời gian như vậy. Nếu kéo dài thời gian như hiện nay thì làm cho vụ mùa mới sẽ đội ngày lên, trọng lượng lúa giảm, bông lúa rụng hạt…
Ngoài ra, việc dây dưa như vậy còn bị ảnh hưởng do mưa gió làm ngã đổ và chi phí thu hoạch sẽ tăng lên. “Vụ nào giá lúa liên tục tăng khi mùa vụ bắt đầu thì thương lái cho nông dân thu hoạch sớm hơn được ít ngày, còn giá lúa giảm thì họ cứ để lúa ngoài đồng, chờ giá ổn định hoặc tăng lên mới cho nông dân thu hoạch” - ông Em khẳng định.
Việc thương lái kéo dài thời gian mới cho thu hoạch lúa đã gây ra nhiều hệ lụy cho nông dân. Bà Ngô Thị Út, ấp Phú Tiểu, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy canh tác 0,9 ha lúa IR 50404. Mặc dù lúa của bà đã đến ngày thu hoạch nhưng thương lái bảo vài ngày nữa mới cắt được.
Bà Út cho biết, đám mưa ngày 14-6 đã làm diện tích lúa của bà ngã đổ hoàn toàn. Chủ máy cắt đến ruộng thu hoạch cho giá 350.000 đồng/công (1.000 m2) lúa ngã đổ. Lúa đứng, chủ máy cắt chỉ lấy 220.000 đồng/công. Do ngã đổ nên khi thu hoạch lúa theo rơm ra rất nhiều, mỗi công mất ít nhất cũng 3 - 4 giạ.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Bè cho biết, việc thương lái kéo dài thời gian mới cho nông dân thu hoạch lúa xảy ra trong mấy mùa gần đây. Ngày trước, nông dân thu hoạch lúa và đem về nhà phơi khô, trữ lại nên chủ động được trong khâu bán. Giờ đây, đa số nông dân đều bán lúa ngay tại ruộng nên bắt buộc phải phụ thuộc vào thương lái. Việc thương lái kéo dài ngày mới cho người dân thu hoạch cũng rất khó xử lý.
Dọc các cánh đồng ở các huyện phía Tây của tỉnh, lúa chín vàng ươm nhưng người dân vẫn phải chờ thương lái. Việc thao túng của “cò” và thương lái đã làm nông dân thiệt hại rất nhiều.
Lúa của ông Nguyễn Văn Em, ấp Hậu Phú 2, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè chín rục, ngã đổ nhưng thương lái chưa cho thu hoạch.
“Cò” và thương lái thao túng
Việc xuất hiện “cò” lúa trong những năm gần đây đã giải quyết phần nào những khó khăn của nông dân trong việc tiêu thụ lúa. Tuy vậy, từ việc lợi dụng lòng tin của nông dân, các “cò” lúa dần dần thao túng thị trường và gây không ít khó khăn cho nông dân và thương lái.
Nông dân Lê Văn Sơn, ấp Hậu Phú 2, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè canh tác 0,4 ha lúa trong vụ hè thu sớm này cho biết, gia đình bán được 85.000 đồng/giạ lúa (1 giạ 20kg). Nhưng thực tế, giá lúa phải 86.000 đồng/giạ, bởi thương lái đã hạ giá để chi tiền đó cho “cò” lúa. Nhiều thương lái cho rằng, do không đủ lực mua lúa trực tiếp cho nông dân nên phải thông qua “cò” để mua được số lượng lớn, ít mất thời gian. Chính khâu trung gian này làm giảm lợi nhuận của nông dân.
Ngoài chiêu trò để lúa chín rục ngoài đồng mỗi khi giá lúa xuống thấp, thương lái còn để 2 - 3 ngày sau khi thu hoạch mới đến cân lúa cho nông dân. Ông Huỳnh Văn Thuận, ấp Phú Tiểu, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy canh tác 1,5 ha lúa IR 50404 cho biết:
Đã hơn 2 ngày thu hoạch lúa mà thương lái không đến cân, gia đình phải thay phiên nhau ra đồng để giữ lúa. Ông Thuận cho biết, ngoài kéo dài thời gian, thương lái còn để nắng gắt mới cho nông dân thu hoạch. Khi đó, lúa sẽ rất khô và nhẹ cân. Khi lúa vào bao, thương lái lại kéo dài thời gian mới lại cân nên hạt lúa trong bao khô thêm.
“Nói là bán lúa tươi nhưng thật ra khi cắt, hạt lúa đã gần khô rồi, thương lái chỉ cần phơi vài tiếng đồng hồ là lúa khô và đem xay xát. Nếu chúng tôi phơi khô thì cũng rất khó bán cho họ, bởi họ nói chỉ mua lúa tươi thôi” - ông Thuận cho biết.
Một cái chiêu của “cò” mà nhiều nông dân phải “lụy” là gần thời điểm thu hoạch “cò” lúa sẽ đến cho giá, nếu nông dân nào không đồng ý bán thì sẽ mặc tình, bởi họ thừa hiểu sẽ không có “cò” nào đến mua và nông dân cũng rất khó bán về sau.
“Sau thu hoạch, nếu bán lúa không được, “cò” lúa sẽ ép giá nông dân thấp hơn giá ban đầu. Đó là chưa kể những ruộng nào xa đường xe hoặc ghe, “cò” lúa sẽ hạ giá mỗi giạ 2.000 đồng, bảo đó là phí bù vào việc chuyên chở” - ông Thuận khẳng định.
“Cò” lúa (bên trái) và thương lái đến xem lúa của nông dân.
Trong vai là thương lái ở xa đến địa bàn ấp Hậu Phú 2, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè tìm “cò” để được mua lúa, chúng tôi tiếp xúc với “cò” Sỉn. Khi đặt vấn đề mua lúa tại đây thông qua ông này, “cò” Sỉn nói: “Vùng này, tôi có thương lái quen mua rồi. Người ta chi hoa hồng 1.000 đồng/giạ. Nếu muốn mua thì tôi lấy 1.300 đồng/giạ, nhưng phải đợi khi thương lái kia lấy lúa không kịp thì mới liên hệ đến mua”. Trao đổi “cò” Sỉn cho biết, 1 vụ lúa ông kiếm được trên 18 triệu đồng từ tiền làm “cò” lúa.
Giải thích vì sao mua lúa phải thông qua “cò”, thương lái Trần Văn Minh, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đang mua lúa ở ấp Hậu Phú 2, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè cho biết:
“Đội ngũ “cò” thông thuộc tình hình sản xuất lúa tại địa phương nên thu gom lúa nhanh, sản lượng lớn. Chúng tôi không lụy “cò” thì cũng không được. Bởi nếu không có “cò” thì không thể mua lúa được ở vùng đó. Trước khi vụ mùa bắt đầu, “cò” lúa đã đến nông dân thỏa thuận mua lúa hết rồi, nếu không thông qua họ thì họ cũng tìm những thương lái khác mà thôi”.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Bè cho biết, việc xử lý “cò” và thương lái kỳ kèo trong thu mua lúa cho người dân là rất khó. Bởi giữa họ không có một ràng buộc về mặt pháp lý nào cả. Trên thực tế, thương lái hoặc “cò” lúa không “bẻ kèo” mua lúa nông dân mà giở nhiều chiêu trò như kéo dài thời gian mua, cho lúa khô mất ký thì cũng không thể xử lý được.
Để tránh tình trạng phải lụy “cò” và thương lái như hiện nay, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân cần phải tham gia vào mô hình Cánh đồng lớn. Vì khi đó, doanh nghiệp kéo dài thời gian thu hoạch lúa cho nông dân thì sẽ xử lý được, vì có hợp đồng ràng buộc giữa 2 bên.
Có thể bạn quan tâm
“Mấy tháng qua, gần 100.000 con lươn giống lút chút như thế này đã được “xuất ngoại” sang Nhật Bản rồi đấy!”. Vừa vớt những con lươn bột nhỏ xíu trong thau lên, kỹ sư Đoàn Kim Sơn, giảng viên Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, vừa trò chuyện. Bên cạnh công việc của một người thầy, kỹ sư Sơn còn là chủ trang trại Sơn Ca 1 (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) và Sơn Ca 2 (huyện Hóc Môn, TP HCM).
Trong đó yêu cầu các địa phương tập trung nguồn nhân lực, máy móc khẩn trương thu hoạch lúa đông xuân 2012 - 2013 theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng", thu hoạch đến đâu làm đất tới đó.
Viện nghiên cứu nông nghiệp Chile (INIA) cho biết đang hỗ trợ Việt Nam trồng cây diêm mạch, loại lương thực được mệnh danh là "hạt vàng" bởi giá trị dinh dưỡng cao.
Các cơ quan chức năng đang tăng cường kiểm soát gia cầm không rõ nguồn gốc ở khu vực biên giới phía Bắc khi dịch cúm H7N9 vẫn diễn biến phức tạp ở Trung Quốc. Còn tại ĐBSCL, các địa phương đang lo lắng khi Đồng Tháp ghi nhận một bé trai 4 tuổi tử vong do cúm A (H5N1). Ngành thú y lo lắng, người dân lơ là, gia cầm sống vẫn bày bán tràn lan. Chuyện kiểm soát gia cầm vẫn gian nan.
Vào thăm vườn ươm chè cành giống mới của gia đình ông Ma Nông Hội và bà Hoàng Thị Mưu, tổ 14 phường Thịnh Đán thành phố Thái Nguyên, mới thấy được sự nỗ lực cố gắng cũng như công sức bỏ ra của gia đình. Một vườn ươm chè cành giống mới quy mô 70 vạn hom gồm các giống LDP1, TRI777 cùng các giống chè nhập nội đạt tiêu chuẩn chất lượng của ngành.