Có Sức Người Sỏi Đá Cũng Thành Cơm
Đến thăm trang trại rộng trên 7 ha của chị Phạm Thị Thủy ở tổ 18 phường Tân Phong, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu, ai cũng phải trầm trồ thán phục trước sự cần cù hay lam hay làm của người phụ nữ giỏi giang này.
Xuất phát từ khu lò gạch cũ của thị xã Lai Châu, nơi đây từng là mảnh đồi hoang hóa, vùng đất bị đào xới, không ai có thể nghĩ được nên trồng cây gì, nuôi con gì để có thể sinh trưởng, phát triển được, vậy mà vợ chồng chị Thủy quyết tâm cải tạo xây dựng thành một trang trại có vườn cây, ao cá, chuồng nuôi gia súc, gia cầm.
Chúng tôi đến khi chị đang tất tả cho đàn ngan ăn, tiếp chúng tôi, chị bộc bạch:“Nếu không có khách chắc cả ngày không vào đến trong nhà uống nước, việc nhiều làm không xuể, để đất không tiếc lắm”.
Theo chân chị ra khu chăn nuôi, chúng tôi được chứng kiến khu chuồng được bố trí rất bài bản và khoa học: khu chuồng lợn con, chuồng lợn thịt và lợn nái riêng. Máng ăn được lát đá hoa, chuồng nuôi thoáng mát với quạt thông gió, đường dẫn nước được kéo đến tận chuồng để tắm cho lợn và rửa chuồng sạch sẽ.
Thấy nhân công dọn chuồng không gom phân lại, đang định hỏi thì chị trả lời luôn: “Em yên tâm, tất cả phân, chất thải này đều được dẫn thẳng xuống hầm biogas rộng 300 m3 nên không sợ gây ô nhiễm môi trường đâu, mà ở đây chị thường xuyên dùng vôi và Han-iodine 10% để sát trùng nên hầu như không có dịch bệnh xảy ra”.
Trong chuồng nhà chị có thời điểm nhiều nhất lên đến hơn 300 con lợn các loại, hiện tại có trên 40 con lợn con, 40 con lợn thịt siêu nạc chuẩn bị xuất chuồng và hơn 10 con lợn nái để chủ động về con giống. Ngoài ra đàn gà, vịt, ngan với hàng trăm con cho thu nhập trên 50 triệu đồng một năm.
Qua khu nuôi cá và trồng cây ăn quả. Ao cá rộng trên 10.000 m2, nước vào nước ra đảm bảo nên cá rất nhanh lớn, chị chỉ cho chúng tôi thấy túi vôi sát trùng treo đầu nguồn nước. Chị tận dụng trồng cỏ và chuối ven bờ ao để lấy cỏ cho cá ăn, lấy thân chuối chăn nuôi lợn. Mỗi lần nhà chị đánh tỉa cá to cũng trên 1 tấn, mỗi năm chị kéo vài lần, lần nào cũng có người vào mua tận nơi.
Hai bên ao là hàng trăm gốc nhãn, xoài đang được nhân công làm cỏ và vun gốc. Chị Thủy cho biết, vụ xoài vừa rồi chị bán tại vườn với giá 36.000 đồng/kg, xoài ngon và giòn lại không có chất bảo quản nên bán rất nhanh, chị thu về trên 40 triệu đồng.
Vòng lên phía trên là khu vườn bưởi da xanh sai trái với trên 100 gốc đang chuẩn bị cho thu hoạch. Ngoài ra khu đất trồng quanh nhà chị cho nhân công trồng rau, trồng ngô lấy tinh bột chăn nuôi, mùa nào rau quả đấy, đất không có thời gian nghỉ nên người cũng không nghỉ ngơi bao giờ. Với khối lượng công việc đó, trang trại nhà chị tạo việc làm thường xuyên cho 5 nhân công với mức lương trên 5 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra có thời điểm chị phải thuê 7-10 nhân công thời vụ mới kịp làm.
Chị Thủy chia sẻ: “Mình vất vả mãi rồi nhưng vẫn không khá lên được vì không biết áp dụng khoa học kỹ thuật. Từ khi được học, được tập huấn, mới biết nhờ khoa học kỹ thuật mình mới làm giàu được”.
Trang trại tổng hợp VAC của gia đình chị Thủy bố trí khoa học và áp dụng công nghệ sản xuất mới nên vừa tiết kiệm vừa cho hiệu quả cao.
Chị Thủy phân tích, vườn cây thì dùng hệ thống tưới phun, chuồng nuôi thì thường xuyên sát trùng, tiêm phòng đầy đủ, hầm biogas thu phân xử lý xong, phân đem bón cho vườn cây, khí sinh học tận dụng làm chất đốt đủ nấu cám cho lợn, nấu ăn cho nhân công và một phần thắp sáng sưởi ấm cho lợn gà vào mùa đông, vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ môi trường. Mỗi năm chị Thủy thu về 500-700 triệu đồng từ trang trại, nhưng không dừng ở đó, chị còn muốn làm thêm nhiều hơn nữa…
Nhận thức được chỉ có học và áp dụng khoa học kỹ thuật mới có thể làm giàu nên chị luôn cố gắng cho con cái học hành đầy đủ, hiện cháu lớn đang học Đại học Kiến Trúc, hai cháu bé đang học phổ thông, các con đều chăm ngoan học giỏi nên chị cũng yên tâm làm ăn.
Anh Bùi Minh Tú – Trạm phó Trạm Khuyến nông thành phố Lai Châu cho biết: “Gia đình chị Thủy là một tấm gương điển hình trong xây dựng phát triển kinh tế, chị còn thường xuyên tạo việc làm và giúp đỡ những người khó khăn cả về kỹ thuật và vốn để phát triển sản xuất nên rất được bà con quý trọng và nể phục”.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 2/10 các quan chức nông nghiệp của Ba Lan và Việt Nam đã ký một hiệp định cho phép xuất khẩu táo Ba Lan vào thị trường của Việt Nam.
Đoàn doanh nghiệp TP HCM đã tổ chức chuyến khảo sát thị trường Nga để tìm đường xuất khẩu hàng sang thị trường tiềm năng này
Trong nuôi thủy sản hiện nay, bệnh cong thân và đục cơ trên tôm nuôi (đặc biệt là tôm thẻ chân trắng) thường xảy ra, nhiều nhất ở những ao có độ mặn thấp và nuôi với mật độ dày.
Nghề rùng cá là nghề truyền thống của ngư dân các xã ven biển của tỉnh Nam Định. Trải qua bao thăng trầm, đến nay nghề rùng cá vẫn được gìn giữ bởi nhiều thế hệ ngư dân, vừa tạo thêm thu nhập, góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa trong đời sống lao động sản xuất của người dân nơi đây.
Từ đầu tháng 9 đến nay, cá, tôm, cua, hàu nuôi trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu) liên tiếp bị chết hàng loạt khiến người nuôi trồng thủy sản hoang mang và bức xúc.