Cơ sở sản xuất nấm linh chi lớn nhất Đông Triều (Quảng Ninh)
Từ nhiều năm nay, sản phẩm các loại nấm linh chi của ông đã vươn ra các thị trường tỉnh ngoài.
Sản phẩm nấm dược liệu linh chi Yên Tử của ông Tạ Đức Khương (thị trấn Mạo Khê, Đông Triều) đã vươn ra thị trường tỉnh ngoài.
Từ các tài liệu nghiên cứu về nấm lim xanh, loài nấm dược liệu mọc trên cây lim trong các khu rừng nguyên sinh có nhiều giá trị dưỡng chất, là dược liệu quý được sử dụng trong y học cổ truyền phương Đông trong việc điều trị hiệu quả các bệnh khó chữa, đã thôi thúc ông Khương sau khi nghỉ hưu mày mò, nghiên cứu nuôi trồng nấm tại gia đình.
Với lợi thế là nguyên liệu là mùn cưa gỗ lim của các cơ sở sản xuất đồ mộc để dùng làm cơ chất tạo quả thể nuôi trồng nấm sẵn có ở địa phương, ông Khương bắt tay vào nuôi cấy nấm lim xanh. Sau khi thành công sản xuất giống và nuôi trồng ra sản phẩm nấm lim xanh, ông đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất các loại nấm linh chi trên cơ chất nuôi trồng là gỗ keo để làm phong phú hơn sản phẩm nấm dược liệu ở Đông Triều.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Khương tâm sự: “Tỉnh ta có vườn thuốc nam quốc gia Yên Tử, trong đó linh chi là nấm dược liệu trên thị trường nội địa vẫn đang còn khan hiếm. Mấy năm trước, tôi đã bắt tay vào trồng nấm linh chi nhằm tham gia tạo dựng thương hiệu nấm dược liệu Đông Triều ở vùng núi Yên Tử…”.
Tự mày mò, nghiên cứu, tự học hỏi, cũng đã trải qua lắm rủi ro trong những năm đầu tiên, đến nay từ công đoạn nhân giống nấm lim lấy từ thiên nhiên về nuôi cấy cùng các giống nấm vân chi và 6 giống linh chi quý có ở Việt Nam, ông đã chủ động được nguồn giống nấm. Ông bảo, quy trình giai đoạn cấy giống nấm yêu cầu phải đảm bảo vệ sinh trong môi trường sạch. Ông đã đầu tư hệ thống phòng khử trùng và nuôi ủ sợi nấm để đảm bảo chống tạp khuẩn. Nhờ đó, tỷ lệ các bịch nấm nuôi trồng/thu hoạch của ông đạt 100%.
Đến nay, trại sản xuất nấm linh chi của ông Khương đã sản xuất sản phẩm nấm lim xanh, nấm vân chi cùng với bộ sản phẩm “Lục bảo Linh chi” bao gồm xích chi, hắc chi, hoàng chi, bạch chi, tử chi và thanh chi. Quy trình chăm sóc nuôi trồng nấm quanh năm phải làm mát ngày hè và sưởi ấm mùa đông… để luôn giữ môi trường nhiệt độ phù hợp cho cây nấm phát triển đều cho đến công đoạn cuối cùng khi thu hoạch và ủ sấy khô sản phẩm nấm đều được ông ứng dụng khoa học công nghệ. Vì vậy, sản phẩm nấm linh chi của ông được giữ nguyên 100% bào tử có trên quả nấm, đảm bảo lượng dược liệu có chất lượng tốt nhất.
Đúc rút kinh nghiệm trên thị trường về các sản phẩm nấm dược liệu, ông Khương tập trung nuôi trồng 2 giống chính là nấm lim xanh và linh chi đỏ (xích chi). Hiện với gần 4.000 bịch nấm lim xanh và linh chi đỏ cho thu hoạch, hàng tháng gia đình ông đưa ra thị trường các sản phẩm linh chi nguyên cây và linh chi thái lát, được khách hàng rất ưa chuộng, mang lại nguồn thu cao cho gia đình.
Ông Khương bảo: “Các cụ xưa đã sử dụng nấm linh chi làm thang trong y học cổ truyền. Còn theo tôi thì bây giờ dùng để nấu uống nước hàng ngày sẽ giúp cho thanh lọc được các độc tố trong cơ thể con người, giữ gìn được sức khoẻ tốt nhất…”.
Cùng với các mô hình trồng cây dược liệu hình thành vùng dược liệu quy mô lớn trong tỉnh, Trại sản xuất nấm linh chi của ông Tạ Đức Khương ở Đông Triều được đánh giá là một trong những hạt nhân quan trọng bảo tồn được nguồn gen nấm linh chi, góp phần tạo nên vùng dược liệu có quy mô lớn, ổn định và bền vững, phục vụ ngành công nghệ dược phẩm của tỉnh cũng như định hướng phát triển của ngành y để sản xuất thuốc chữa bệnh từ dược liệu.
Có thể bạn quan tâm
Hơn nửa tháng nay, hàng trăm hộ nông dân trồng hành tại đảo Bé (xã đảo An Bình, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) như ngồi trên đống lửa, bởi hàng chục héc ta hành thu đông sắp cho thu hoạch bị mưa gió phá tan hoang. Một vụ hành được kỳ vọng sẽ bội thu thì người dân đảo Bé lại dở khóc, dở cười vì sự thất thường của thời tiết.
Rau xanh tiêu thụ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chủ yếu được nhập từ tỉnh Quảng Nam và một lượng không nhỏ từ những làng rau mới hình thành tại địa phương. Tuy nhiên, mùa mưa năm nay kéo dài cộng với thời tiết lạnh khiến người trồng rau rơi vào tình trạng lao đao, giá rau cũng theo đó mà tăng vọt.
Trở về cuộc sống đời thường, không vốn, không kinh nghiệm sản xuất, những người cựu chiến binh (CCB) đã gặp nhiều khó khăn, vất vả trong cuộc sống. Thế nhưng, với tinh thần không lùi bước, dám nghĩ dám làm, CCB Nguyễn Văn Vàng, xã Long Hưng, huyện Châu Thành (Tiền Giang) đã nỗ lực vươn lên, từng bước ổn định kinh tế gia đình.
Trong khi vụ kiệu rau năm nay, do thời tiết bất lợi, năng suất đạt bình quân 500 kg/sào, tính ra 1 sào thu xấp xỉ 2 triệu đồng, chỉ đủ lấy lại vốn đầu tư. Tuy nhiên, nhiều nông dân trồng kiệu rau ở Phù Mỹ cho biết: Dù mất mùa, mất giá nhưng vẫn phải nhổ bán để vừa thu hồi vốn, vừa lấy đất sản xuất một số cây trồng cạn khác cho kịp thời vụ.
Về vấn đề này, ông Dư Văn Thế, Chủ tịch UBND xã Đức Mạnh cho biết: “Hiện toàn xã có khoảng 200 hộ dân sản xuất hơn 600 cà phê theo các chuẩn quốc tế và số lượng hộ áp dụng đang tăng nhanh theo các năm. Điều này không chỉ giúp bà con tăng thu nhập mà còn tăng được chất lượng sản phẩm cà phê nhân, trong đó quan trọng nhất là sạch và an toàn cho sức khỏe người sử dụng. Với địa phương thì sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên đất đai, nước góp phần phát triển kinh tế, xã hội”.