Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Có Nên Phát Triển Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Ở Đồng Tháp?

Có Nên Phát Triển Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Ở Đồng Tháp?
Ngày đăng: 22/03/2014

Những năm gần đây, phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng (gọi tắt là tôm thẻ) không chỉ phát triển ở các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mà ngay những địa phương quanh năm thuần nước ngọt như Đồng Tháp cũng bắt đầu mở rộng diện tích thả nuôi.

“Thắng đậm” từ các vụ đầu

Theo Chi Cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, phong trào nuôi tôm thẻ phát triển vào những tháng cuối năm 2013 và hiện nay nông dân ở một số huyện phía Bắc đang mở rộng diện tích thả nuôi. Tập trung nhiều tại Tam Nông, Hồng Ngự, TX. Hồng Ngự..

Hiện tại, diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng toàn tỉnh trên 29ha. Theo dự báo, diện tích nuôi tôm thẻ sẽ tăng mạnh vào những tháng tiếp theo nếu nông dân tiếp tục “trúng đậm”. Kết quả bước đầu cho thấy, tôm thẻ chân trắng chiếm nhiều ưu thế so với các loài tôm cùng loại như: sức đề kháng cao, khả năng chống chọi với sự biến đổi khí hậu tốt, thích ứng với môi trường nước có độ mặn thấp... Điều quan trọng hấp dẫn người nuôi chính là hiệu quả kinh tế mà nó mang lại.

Theo một số nông dân ở TX.Hồng Ngự, vòng đời của tôm thẻ khá ngắn, nuôi 70 - 90 ngày là có thể thu hoạch, năng suất 5 - 6 tấn/ha/vụ, một số hộ nuôi có thể đạt trên 15 tấn/ha/vụ. Hiện nay, giá tôm thẻ ở TX. Hồng Ngự được thương lái mua ở mức khá cao, loại 80 - 90 con/kg, có giá trên 140 ngàn đồng. Với mức giá này, nhiều hộ nuôi tôm rất phấn khởi, bởi vừa trúng tôm lại trúng giá.

Thấy nhiều hộ trúng đậm tôm thẻ nên nhiều bà con nuôi tôm càng xanh, cá tra,... cũng khẩn trương chuẩn bị khoan giếng, vệ sinh ao hầm để thả tôm thẻ. Các hộ thắng lớn vụ đầu thì gấp rút mở rộng diện tích, với hi vọng sẽ thắng tiếp vào vụ sau.

Ông Trương Văn Nhỏi, xã Bình Thạnh, TX. Hồng Ngự cho biết: “So với tôm càng xanh thì con tôm thẻ có nhiều ưu thế hơn như vòng quay ngắn, lại không tốn nhiều thức ăn như tôm càng xanh nên vụ tôm năm nay, tôi mạnh dạn chuyển trên 2ha nuôi càng xanh sang nuôi tôm thẻ. Hi vọng sẽ gặp may mắn”.

Những rủi ro không lường

Tôm thẻ chân trắng là một loài tôm nhập nội, được đưa vào Việt Nam những năm gần đây, phát triển ở khu vực ven biển miền Trung và ĐBSCL, đặc biệt thích nghi tốt ở các vùng nước lợ. Ở Đồng Tháp dù không có nguồn nước lợ tự nhiên, song bà con nông dân đã nuôi thử nghiệm và thành công với loài thủy sản mới này.

Nhiều nông dân đã sử dụng nguồn nước ngầm trong tự nhiên thay cho nước lợ cũng như kết hợp với một số biện pháp kỹ thuật như xử lý đáy ao bằng muối, để tăng độ mặn cho môi trường. Mặc dù kết quả bước đầu cho thấy, tôm thẻ mang lại giá trị kinh tế cao, thế nhưng, nếu phát triển diện tích ồ ạt như hiện nay sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khó lường.

Hiện nay, tôm càng xanh đang là thế mạnh riêng của tỉnh nhà, một số vùng nuôi chuyên canh đã được quy hoạch và đang phát triển đúng định hướng. Ông Lê Hoàng Vũ - Chi Cục trưởng Chi Cục Thủy sản cho biết: “Nếu nông dân phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nuôi tôm càng xanh sẽ phá vỡ cấu trúc quy hoạch vùng chuyên canh. Bởi tôm thẻ chân trắng là một loài nhập nội, các vấn đề về mầm bệnh nguy hiểm rất khó kiểm soát.

Trong thời gian tới, nếu tăng nhanh về diện tích và sản lượng tôm thẻ thì môi trường ngày càng bị ô nhiễm dẫn đến tình hình dịch bệnh xảy ra nhiều hơn, đặc biệt một số loại bệnh phổ biến như: bệnh đốm trắng, hội chứng hoại tử cấp tính là những bệnh nguy hiểm, làm tôm chết hàng loạt và thiệt hại trên diện rộng. Các loại dịch bệnh này lây lan rất nhanh, sẽ tác động tiêu cực đến tôm càng xanh”.

Hiện nay do tỉnh ta không có nguồn nước lợ tự nhiên, nên nông dân phải sử dụng nguồn nước giếng là chủ yếu. Do đó, với nhịp độ mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ như hiện nay, nguồn nước ngầm trong tự nhiên sẽ bị tác động ngày càng nghiêm trọng hơn.

Bên cạnh đó, với những diện tích ao, hầm đã từng được xử lí độ mặn để nuôi tôm thẻ, sẽ rất khó sau này nếu nông dân muốn quay lại trồng lúa hoặc nuôi loại thủy sản nước ngọt khác. Vì trong quá trình nuôi tôm thẻ, một lượng lớn muối đã ngấm vào tầng đất mặt, làm thay đổi cấu trúc đặc thù của đất phù sa ở địa phương.

Hiện nay, do mới phát triển nuôi tôm thẻ nên vẫn chưa thể đánh giá đúng tiềm năng của loài thủy sản này. Theo khuyến cáo của Chi Cục Thủy sản, nông dân không nên phát triển ồ ạt và không nên phát triển diện tích trong vùng quy hoạch nuôi tôm càng xanh. Chi Cục Thủy sản sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình sản xuất của nông dân, quản lý chặt về con giống cũng như có những hỗ trợ kỹ thuật kịp thời cho nông dân; phối hợp với các ngành liên quan kiểm soát chặt tình hình dịch bệnh đối với tôm thẻ chân trắng.


Có thể bạn quan tâm

Tìm Hướng Phát Triển Hiệu Quả Nghề Trồng Nấm Tìm Hướng Phát Triển Hiệu Quả Nghề Trồng Nấm

Hiện nay Ninh Bình có khoảng 2.600 hộ gia đình, 3 doanh nghiệp và 15 tổ hợp tác với gần 8.000 lao động thường xuyên tham gia trồng nấm. Sản lượng nấm tươi hàng năm ước đạt 4.500 tấn, cho hiệu quả kinh tế gần 40 tỷ đồng.

16/08/2013
Khi Con Đặc Sản Hết “Sốt” Khi Con Đặc Sản Hết “Sốt”

Trong những năm qua, một số gia đình giàu lên nhờ nuôi con đặc sản đúng thời điểm. Thế nhưng, thời gian gần đây, khi con đặc sản được nuôi với số lượng nhiều, thị trường tiêu thụ giảm đã khiến cho không ít hộ gia đình phải chịu cảnh ế ẩm, thua lỗ nặng nề…

17/08/2013
Dân Ô Loan Bắt Hàu Ở Cầu Đà Nông Dân Ô Loan Bắt Hàu Ở Cầu Đà Nông

Những ngày qua, nhiều người sống quanh đầm Ô Loan (Tuy An) đổ xô vào cầu Đà Nông thuộc thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam (Đông Hòa) để bắt hàu. Sở dĩ có chuyện nghịch lý này là vì tôm nuôi chết hàng loạt; còn cá, cua, hàu sống tự nhiên trong đầm hiện cũng không còn nhiều.

17/08/2013
2 Tháng, Khai Thác 1.620 Tấn Thủy Sản Các Loại 2 Tháng, Khai Thác 1.620 Tấn Thủy Sản Các Loại

Tháng 2, ngư dân TP. Cam Ranh đã đánh bắt 900 tấn hải sản các loại. Trong đó, cá chiếm gần 89% sản lượng đánh bắt với 800 tấn, còn lại là 40 tấn mực, 5 tấn tôm, 55 tấn thủy sản khác, nâng sản lượng thủy sản khai thác 2 tháng đầu năm lên 1.620 tấn.

05/03/2013
Xử Phạt Một Đối Tượng Vận Chuyển Tôm Giống Giả Nhãn Hiệu “Sú Châu Phi” Ở Kiên Giang Xử Phạt Một Đối Tượng Vận Chuyển Tôm Giống Giả Nhãn Hiệu “Sú Châu Phi” Ở Kiên Giang

Thời gian gần đây, nhiều hộ nuôi tôm sú vùng U Minh Thượng (Kiên Giang) xôn xao trước việc xuất hiện loại tôm giống được cho là xuất xứ từ châu Phi với tên gọi “Sú châu Phi”. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định đây thực chất là tôm giống thông thường, được in giả nhãn mác “Sú châu Phi”.

06/03/2013
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.