Có Nên Phát Triển Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Ở Đồng Tháp?
Những năm gần đây, phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng (gọi tắt là tôm thẻ) không chỉ phát triển ở các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mà ngay những địa phương quanh năm thuần nước ngọt như Đồng Tháp cũng bắt đầu mở rộng diện tích thả nuôi.
“Thắng đậm” từ các vụ đầu
Theo Chi Cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, phong trào nuôi tôm thẻ phát triển vào những tháng cuối năm 2013 và hiện nay nông dân ở một số huyện phía Bắc đang mở rộng diện tích thả nuôi. Tập trung nhiều tại Tam Nông, Hồng Ngự, TX. Hồng Ngự..
Hiện tại, diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng toàn tỉnh trên 29ha. Theo dự báo, diện tích nuôi tôm thẻ sẽ tăng mạnh vào những tháng tiếp theo nếu nông dân tiếp tục “trúng đậm”. Kết quả bước đầu cho thấy, tôm thẻ chân trắng chiếm nhiều ưu thế so với các loài tôm cùng loại như: sức đề kháng cao, khả năng chống chọi với sự biến đổi khí hậu tốt, thích ứng với môi trường nước có độ mặn thấp... Điều quan trọng hấp dẫn người nuôi chính là hiệu quả kinh tế mà nó mang lại.
Theo một số nông dân ở TX.Hồng Ngự, vòng đời của tôm thẻ khá ngắn, nuôi 70 - 90 ngày là có thể thu hoạch, năng suất 5 - 6 tấn/ha/vụ, một số hộ nuôi có thể đạt trên 15 tấn/ha/vụ. Hiện nay, giá tôm thẻ ở TX. Hồng Ngự được thương lái mua ở mức khá cao, loại 80 - 90 con/kg, có giá trên 140 ngàn đồng. Với mức giá này, nhiều hộ nuôi tôm rất phấn khởi, bởi vừa trúng tôm lại trúng giá.
Thấy nhiều hộ trúng đậm tôm thẻ nên nhiều bà con nuôi tôm càng xanh, cá tra,... cũng khẩn trương chuẩn bị khoan giếng, vệ sinh ao hầm để thả tôm thẻ. Các hộ thắng lớn vụ đầu thì gấp rút mở rộng diện tích, với hi vọng sẽ thắng tiếp vào vụ sau.
Ông Trương Văn Nhỏi, xã Bình Thạnh, TX. Hồng Ngự cho biết: “So với tôm càng xanh thì con tôm thẻ có nhiều ưu thế hơn như vòng quay ngắn, lại không tốn nhiều thức ăn như tôm càng xanh nên vụ tôm năm nay, tôi mạnh dạn chuyển trên 2ha nuôi càng xanh sang nuôi tôm thẻ. Hi vọng sẽ gặp may mắn”.
Những rủi ro không lường
Tôm thẻ chân trắng là một loài tôm nhập nội, được đưa vào Việt Nam những năm gần đây, phát triển ở khu vực ven biển miền Trung và ĐBSCL, đặc biệt thích nghi tốt ở các vùng nước lợ. Ở Đồng Tháp dù không có nguồn nước lợ tự nhiên, song bà con nông dân đã nuôi thử nghiệm và thành công với loài thủy sản mới này.
Nhiều nông dân đã sử dụng nguồn nước ngầm trong tự nhiên thay cho nước lợ cũng như kết hợp với một số biện pháp kỹ thuật như xử lý đáy ao bằng muối, để tăng độ mặn cho môi trường. Mặc dù kết quả bước đầu cho thấy, tôm thẻ mang lại giá trị kinh tế cao, thế nhưng, nếu phát triển diện tích ồ ạt như hiện nay sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khó lường.
Hiện nay, tôm càng xanh đang là thế mạnh riêng của tỉnh nhà, một số vùng nuôi chuyên canh đã được quy hoạch và đang phát triển đúng định hướng. Ông Lê Hoàng Vũ - Chi Cục trưởng Chi Cục Thủy sản cho biết: “Nếu nông dân phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nuôi tôm càng xanh sẽ phá vỡ cấu trúc quy hoạch vùng chuyên canh. Bởi tôm thẻ chân trắng là một loài nhập nội, các vấn đề về mầm bệnh nguy hiểm rất khó kiểm soát.
Trong thời gian tới, nếu tăng nhanh về diện tích và sản lượng tôm thẻ thì môi trường ngày càng bị ô nhiễm dẫn đến tình hình dịch bệnh xảy ra nhiều hơn, đặc biệt một số loại bệnh phổ biến như: bệnh đốm trắng, hội chứng hoại tử cấp tính là những bệnh nguy hiểm, làm tôm chết hàng loạt và thiệt hại trên diện rộng. Các loại dịch bệnh này lây lan rất nhanh, sẽ tác động tiêu cực đến tôm càng xanh”.
Hiện nay do tỉnh ta không có nguồn nước lợ tự nhiên, nên nông dân phải sử dụng nguồn nước giếng là chủ yếu. Do đó, với nhịp độ mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ như hiện nay, nguồn nước ngầm trong tự nhiên sẽ bị tác động ngày càng nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh đó, với những diện tích ao, hầm đã từng được xử lí độ mặn để nuôi tôm thẻ, sẽ rất khó sau này nếu nông dân muốn quay lại trồng lúa hoặc nuôi loại thủy sản nước ngọt khác. Vì trong quá trình nuôi tôm thẻ, một lượng lớn muối đã ngấm vào tầng đất mặt, làm thay đổi cấu trúc đặc thù của đất phù sa ở địa phương.
Hiện nay, do mới phát triển nuôi tôm thẻ nên vẫn chưa thể đánh giá đúng tiềm năng của loài thủy sản này. Theo khuyến cáo của Chi Cục Thủy sản, nông dân không nên phát triển ồ ạt và không nên phát triển diện tích trong vùng quy hoạch nuôi tôm càng xanh. Chi Cục Thủy sản sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình sản xuất của nông dân, quản lý chặt về con giống cũng như có những hỗ trợ kỹ thuật kịp thời cho nông dân; phối hợp với các ngành liên quan kiểm soát chặt tình hình dịch bệnh đối với tôm thẻ chân trắng.
Related news
Thời gian qua, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, khuyến khích bà con ngư dân đầu tư, mua sắm tàu thuyền đánh bắt thủy sản xa bờ; đồng thời đẩy mạnh nuôi trồng và chế biến, khai thác hết diện tích ao hồ mặt nước nuôi trồng thủy sản...
Mặc dù các địa phương đã triển khai nhiều hình thức hỗ trợ, tuy nhiên, mục tiêu đến 31/12/2015, 100% cở sở nuôi cá tra thương phẩm đạt tiêu chuẩn viet gap như qui định trong nghị định 36 của chính phủ là khó có thể thực hiện được do khâu qui hoạch còn chậm.
Bệnh đốm trắng do virus (White Spot Syndrome Virus - WSSV) là một trong các bệnh gây nên hiện tượng tôm nuôi chết hàng loạt trong các vùng nuôi tôm tại các địa phương ven biển ở nước ta từ nhiều năm qua.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có 44 doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Các DN này có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế thủy sản của tỉnh, góp phần rất lớn trong việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản khai thác, nuôi trồng; giải quyết việc làm cho nhiều lao động; không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm để phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Đợt mưa này trùng kỳ con nước lửng, tiêu thủy lực khó khăn, để bảo vệ diện tích lúa, hoa màu, các tỉnh phía Bắc cần chủ động ứng phó và có các phương án hạn chế tối đa tình trạng ngập úng gây chết lúa sau cấy, ổn định kết quả sản xuất vụ hè thu và vụ mùa.