Cơ Hội Vàng Cho Gà Đông Tảo?
Nuôi gà Đông Tảo cho thu nhập cao đang thu hút nông dân quan tâm. Theo đó, lĩnh vực sản xuất giống gà Đông Tảo đang phát triển nhanh, hiện không chỉ nông dân mà có doanh nghiệp (DN) bỏ vốn lớn đầu tư.
Tuy nhiên, đây có phải là cơ hội “vàng” cho tất cả những người đang đổ vốn vào nuôi giống đặc sản vẫn khá kén khách mua này?
* Mua giống dễ dàng
Vài năm trước, những người muốn tìm mua giống gà Đông Tảo thường phải bỏ công tìm nơi cung cấp, có người phải lặn lội về tận xứ của giống gà “tiến vua” này ở xã Đông Tảo (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Nhưng hiện nay, không thiếu DN, nông dân tham gia sản xuất con giống gà Đông Tảo.
Người mua có thể ngồi nhà lên mạng tìm cũng có hàng chục địa chỉ cung cấp giống gà Đông Tảo ở khắp các tỉnh, thành và chỉ cần gọi điện đặt hàng. Hiện gà giống 1 ngày tuổi có giá từ 100-125 ngàn đồng/con.
Đồng Nai từng được biết tiếng là xứ sản xuất giống gà Đông Tảo với trại gà giống thuần chủng thuộc hàng lớn cả nước của anh Vũ Ngọc Tuấn (ấp Hòa Bình, xã Đông Hòa, huyện Trảng Bom). Lĩnh vực này vẫn đang tiếp tục thu hút DN, nông dân đầu tư.
Năm 2013, Công ty TNHH nghiên cứu sản xuất Đất Việt (TP.Hồ Chí Minh) đã đầu tư trang trại sản xuất giống gà Đông Tảo, chim trĩ và các loài chim quý khác với quy mô lớn tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai (huyện Cẩm Mỹ). Nhờ ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo nên tỷ lệ con giống ở đây đạt cao, đảm bảo nguồn gen thuần chủng.
Bà Phan Thị Loan, Giám đốc Công ty TNHH nghiên cứu sản xuất Đất Việt, cho biết: “Hiện trung bình DN cung cấp ra thị trường từ 500 - 700 con gà giống Đông Tảo/tháng nhưng chỉ mới đáp ứng một phần nhu cầu về giống của thị trường. Khách mua ở khắp nơi, từ các xã lân cận thuộc huyện Cẩm Mỹ đến các huyện Tân Phú, Định Quán, TP.Biên Hòa và các tỉnh, thành lân cận. DN còn có trang trại sản xuất giống với quy mô lớn tại tỉnh Bạc Liêu và dự định tiếp tục mở rộng đầu tư vì nhu cầu con giống của thị trường còn rất lớn”.
Ông Lê Tuấn Nghĩa, ngụ tại ấp 6, xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ) kể: “Tôi bắt đầu nuôi gà Đông Tảo từ năm 2009. Thời đó, hầu như không ai nuôi giống gà lạ, cần vốn đầu tư lớn này, nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, nó dần lan rộng thành phong trào. Tôi đã đến tận các trang trại nuôi gà Đông Tảo lớn ở nhiều tỉnh, thành để tìm hiểu và nhận thấy lợi nhuận lớn của họ chủ yếu là nhờ bán giống vì người dân đang đua nhau nuôi con gà này”.
* Đầu tư phải biết đầu ra
Theo ông Nghĩa nhận xét, đa số các hộ nông dân nuôi gà Đông Tảo hiện nay đều đang ở giai đoạn tự gây giống nên chưa thấy rõ áp lực đầu ra. Việc nuôi giống gà đặc sản này theo phong trào rất nguy hiểm vì thị trường tiêu thụ của nó khá hẹp. Ông Nghĩa dẫn chứng: “Tôi nuôi theo đơn đặt hàng của nhà hàng tại TP.Hồ Chí Minh.
Họ yêu cầu rất khắt khe, phải là gà Đông Tảo thuần chủng thể hiện rõ ở cặp chân “voi”, nuôi theo phương thức thả vườn, thức ăn chủ yếu là mầm lúa. Chính vì vậy, tôi có mấy người cháu cũng đầu tư nuôi giống gà này nhưng chờ thu hoạch mới tìm khách mua nên rơi vào cảnh không có nơi tiêu thụ”.
Ông Ngô Thanh Tùng, nông dân có nhiều năm kinh nghiệm nuôi gà Đông Tảo tại xã Thừa Đức (huyện Cẩm Mỹ), chia sẻ: “Nhờ đầu tư rất kỹ về khâu thị trường, tôi đã xây dựng được mạng lưới tiêu thụ với hơn 20 nhà hàng, quán ăn tại TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tôi cũng chỉ tiêu thụ được vài chục con/tháng.
Khó khăn lớn nhất là các nhà hàng chỉ đặt mua với số lượng ít nhưng lại yêu cầu phải được giao hàng ngay, thời gian lại không cố định. Chính vì vậy, hầu như không có thương lái tổ chức thu mua, tiêu thụ mặt hàng này. Theo đó, nông dân nên cân nhắc, chỉ đầu tư khi nắm chắc đầu ra”.
Nguồn bài viết: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201412/co-hoi-vang-cho-ga-dong-tao-2358209/
Có thể bạn quan tâm
Cuối năm, những cơn gió mùa đông bắc thổi về, trời trở lạnh, nhất là ban đêm và sáng sớm, nhiệt độ ở vùng miền núi của tỉnh Quảng Ngãi xuống dưới 180C. Trước tình hình đó, nông dân tại các huyện miền núi Ba Tơ, Sơn Tây đang tập trung phòng chống đói, rét cho trâu, bò.
Những năm gần đây, phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của xã Thiện Nghiệp (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) xuất hiện nhiều mô hình mới như nuôi chim bồ câu, nuôi thỏ, nuôi trùn quế… Trong đó, mô hình nuôi rắn ráo trâu kết hợp nuôi ếch của anh Huỳnh Văn Hiệp (thôn Thiện Trung, xã Thiện Nghiệp) giúp anh tăng thêm nguồn thu nhập trong thời gian nông nhàn.
"Chăn nuôi an toàn sinh học mà tham lam là thất bại" - anh Phú chia sẻ. Với nỗ lực không ngừng, những mẻ trứng an toàn sinh học đầu tiên đã "ra lò" trong niềm vui mừng, phấn khởi của anh cùng toàn thể nhân viên trong trang trại. Với anh Phú, đây như một sản vật mới của vùng đất đồi gò này và là hướng đi bền vững cho phát triển chăn nuôi gia cầm tại địa phương.
Trạm Thú y huyện sẽ tiến hành phun thuốc, tiêu độc, khử trùng cho các hộ chăn nuôi xung quanh vùng dịch; tuyên truyền các hộ chăn nuôi nâng cao ý thức phòng bệnh, khi phát hiện gia cầm có dấu hiệu bệnh, chết bất thường, nhanh chóng báo cho ngành Thú y để có biện pháp xử lý kịp thời.
Theo tin từ Cục Thống kê Đồng Nai, năm 2014, các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã nhập khẩu trên 1 tỷ USD bắp, thức ăn chăn nuôi. Theo đó, sản lượng bắp nhập khẩu khoảng 872 ngàn tấn, tăng gấp gần 2 lần về số lượng so với năm 2013 với trị giá trên 200 triệu USD. Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi khoảng 785 triệu USD.