Sau thành công mô hình chế biến rơm rạ, rác thải thành phân bón hữu cơ ở nhiều nơi, gần đây, Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, Sở KH&CN, (gọi tắt là trung tâm) lại mở ra thêm cơ hội mới cho người sản xuất, kinh doanh nấm trên địa bàn.
Lâu nay ở Phú Vang, Phú Lộc, Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) đã phát triển nghề trồng nấm nhưng thực sự chưa trở thành nghề chính giúp người nông dân giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Nguyên nhân chính là do thiếu vốn, thiếu kỹ thuật sản xuất, thiếu giống và chưa tìm được thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định. Khắc phục hạn chế đó, vào tháng 4-2010, trung tâm được giao chủ trì thực hiện dự án “Xây dựng các mô hình sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ nấm linh chi và một số loại nấm ăn” tại thị trấn Phú Đa, (Phú Vang) với kinh phí gần 3 tỷ đồng, nhằm mục tiêu ứng dụng KHCN thích hợp vào sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến các sản phẩm nấm, góp phần tạo việc làm, nâng cao mức sống người nông dân, nông thôn.
Ông Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm - cho biết, trong thời gian đầu dự án đã trải nhiều công đoạn, nhiều thủ tục đến hành trình xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị, lắp đặt vận hành và hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho 40 hộ nông dân điển hình ở 5 xã Phú Hồ, Phú Đa, Vinh Thái, Phú Lương, Phú Xuân... đến nay đã thành công. Điều đáng mừng, Trung tâm đã chủ trì cùng trung tâm Công nghệ Sinh học Thực vật, Viện Di truyền Nông nghiệp tổ chức đào tạo cho nhiều kỹ sư nắm vững quy trình, công nghệ sản xuất 4 loại giống cấp I, II, III nấm linh chi, nấm sò, nấm rơm và nấm mộc nhĩ, nhằm cung ứng cho nhu cầu về giống cho nông dân trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận. Bình quân mỗi năm Trung tâm sản xuất khoảng 25 tấn nấm giống; đồng thời đưa ra thị trường 80 tấn nấm sò tươi, 16 tấn nấm rơm, 10 tấn nấm mộc nhĩ và 2,7 tấn nấm linh chi.
Chị Hồ Thị Thu, một người dân xã Phú Đa cho rằng, theo nghề nấm từ 10 năm nhưng khi được sự hỗ trợ nguồn giống và quy trình kỹ thuật trồng nấm của cán bộ Trung tâm, chị mạnh dạn đầu tư phát triển nuôi trồng nấm sò và nấm linh chi theo hướng quy mô gia trại. Theo chị, hiệu quả thấy rõ bắt đầu năm 2012, gia đình mua 500 túi giống nấm sò, 500 túi nấm linh chi từ trung tâm, đến nay, riêng nấm sò ngày nào chị cũng thu vài kg bán khách hàng. Trung bình giá mỗi kg là 20 nghìn đồng, riêng những ngày rằm, 30, hoặc mồng 1 thì giá nấm cao hơn, mang lại nguồn thu cho gia đình đáng kể.
Mới đây, tại hội nghị xúc tiến phát triển nghề trồng nấm do Sở KH&CN tổ chức, nhiều cá nhân, đại diện đơn vị doanh nghiệp ở Phú Vang, Hương Thủy đã ghi nhận sự quan tâm chuyển giao kỹ thuật nghề trồng nấm cho người dân. Đáng nói, nhờ sự hỗ trợ cung cấp đa dạng các giống nấm từ Trung tâm mà nhiều hộ dân ở các xã Phú Lương, Phú Hồ, Phú Đa... tranh thủ thời buổi nông nhàn phát triển nghề trồng nấm, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Anh Nguyễn Văn Toàn, một người dân ở Vinh Thái (Phú Vang) cho biết: “Trồng nấm bây giờ thì không khó; cần giống có trung tâm lo; thiếu kỹ thuật cũng được cán bộ trung tâm hỗ trợ. Cái lo hiện tại là sản phẩm làm ra không biết tiêu thụ ở đâu”.
Giải quyết những khó khăn, trăn trở hiện nay của người dân đang theo nghề trồng nấm, ông Trần Tuấn cho hay: “Ngay bước đầu triển khai dự án, chúng tôi đã nghĩ đến, ngoài vấn đề chú trọng chuyển giao hỗ trợ tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho ngành nông nghiệp, đã xây dựng phương án liên kết, phối hợp các địa phương chủ động tiêu bao sản phẩm nấm của người dân sau khi thu hoạch. “Hiện tại phương án trên, chúng tôi đã thực hiện sau khi dự án vừa kết thúc vào tháng 4 năm 2012. Đó chính là hướng đi đúng để hình thành và thúc đẩy sự phát triển nghề trồng nấm hiện tại cũng như thời gian đến của người dân trên địa bàn” - ông Tuấn khẳng định.