Cơ hội mở cửa cho nhãn Châu Thành (Đồng Tháp)
Cây nhãn Idor xuất hiện ở vùng cù lao An Hòa, huyện Châu Thành khoảng gần 20 năm trước. Tuy nhiên mãi đến những năm gần đây khi cây nhãn tiêu da bò của địa phương bị dịch hại chỗi rồng tấn công thì diện tích nhãn Idor mới phát triển mạnh.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) huyện Châu Thành, hiện nay diện tích trồng nhãn của huyện là 3.307ha, trong đó diện tích nhãn Idor là 800,20ha. Theo bà con trồng nhãn Idor ở địa phương thì cây nhãn Idor có nhiều lợi thế kinh tế hơn các loại nhãn tại địa phương như: tỷ lệ nhãn bị nhiễm chỗi rồng thấp, giá cả cao, thị trường tiêu thụ rộng...
Với giá bán trung bình từ 25.000 - 30.000 đồng/kg và năng suất lên đến 25 - 30 tấn/ha/năm, người trồng nhãn Idor ước tính thu nhập 500 - 700 triệu đồng/ha/năm.
Ông Phạm Hữu Hiện - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản (THT) xuất và tiêu thụ nhãn An Hòa, xã An Nhơn, huyện Châu Thành cho biết: “Từ trong Tết Nguyên đán đến nay, THT cung cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu gần 50 tấn nhãn tươi. Ngoài các doanh nghiệp xuất khẩu nhãn sang thị trường Mỹ thì hiện nay một số đối tác đã đến khảo sát và tiến hành thực hiện cấp giấy chứng nhận vùng nguyên liệu sản xuất theo quy trình GlobalGAP để phục vụ xuất khẩu cho thị trường Anh quốc.
Ngoài ra, THT cũng xuất bán nhãn Idor sang đường tiểu ngạch ở thị trường Trung Quốc. Việc thị trường xuất khẩu đang rộng mở cho sản phẩm nhãn Idor của huyện Châu Thành không những góp phần khẳng định uy tín, chất lượng cho sản phẩm nông sản của địa phương, mà đây còn là hiệu ứng tốt giúp đảm bảo cho việc ổn định giá cả và kích thích thị trường tiêu dùng trong nước”.
Ông Hiện cho biết thêm, để đảm bảo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, các nhà vườn không những phải thực hiện sản xuất theo đúng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm của nhà nhập khẩu mà còn phải cam kết và đảm bảo về sản lượng đối với đối tác. Hiện nay, diện tích sản xuất của THT là trên 10ha và 100% diện tích nhà vườn đều thực hiện rải vụ quanh năm.
Bên cạnh đó, để đảm bảo về kích cỡ theo yêu cầu của nhà nhập khẩu, chúng tôi còn thực hiện kỹ thuật tuyển trái cho trái nhãn có kích cỡ và màu sắc đồng đều.
Theo thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, đòi hỏi vùng nhãn nguyên liệu phải được sản xuất theo quy trình VietGAP và tuân thủ yêu cầu của Mỹ. Trước khi được cấp chứng nhận mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Mỹ, các chuyên gia Mỹ đã tiến hành khảo sát nhiều lần tại vùng nguyên liệu ở cù lao An Hòa, huyện Châu Thành.
Sau nhiều đợt kiểm tra, phân tích, tháng 10/2014 vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật và Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ đã chính thức cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Mỹ cho 17 hộ trồng nhãn với khoảng 30ha nhãn An Hòa.
Ông Phan Văn Sum, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành cho biết: “Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Châu Thành chọn 5 ngành hàng chủ lực: lúa gạo, khoai lang, nhãn, heo và cá tra. Việc nhãn ở huyện Châu Thành xuất khẩu sang Mỹ và Anh là một bước tiến lớn của ngành nông nghiệp huyện.
Tuy nhiên hiện nay, sản lượng nhãn và số hộ được tham gia xuất khẩu còn rất hạn chế so với diện tích nhãn hiện có của huyện. Bên cạnh đó, hoạt động của Hợp tác xã (HTX) nhãn Châu Thành còn hạn chế, do đó chưa tạo được hiệu ứng tốt và sức lan tỏa lớn trong cộng đồng.
Trong thời gian sắp tới, huyện sẽ mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn để hỗ trợ nông dân trong việc tiếp cận với thị trường xuất khẩu, cũng như dành những chính sách ưu đãi và hỗ trợ để hoạt động của HTX được tốt hơn”.
Nhận định về thị trường tiêu thụ đối với mặt hàng nhãn Idor của huyện Châu Thành, ông Phan Kim Sa - Phó Giám Đốc Sở Công Thương tỉnh cho biết: Hiện nay, thị trường tiêu thụ trong nước đối với sản phẩm nhãn Idor của huyện Châu Thành còn rất dồi dào, thị trường xuất khẩu lại đang rộng mở. Đây là cơ hội tốt đối với bà con nông dân và doanh nghiệp.
Vấn đề hiện nay là phải củng cố lại ban lãnh đạo của HTX nhãn Châu Thành, khi HTX đã đủ mạnh thì tiến hành chuyển giao kỹ thuật, thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP để đảm bảo vùng nguyên liệu ổn định cung cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu”.
Có thể bạn quan tâm

Lâu nay nói tới Đông Triều (Quảng Ninh) người ta nghĩ ngay tới vùng lúa lớn nhất của Quảng Ninh. Cũng trên diện tích cấy lúa ấy, ven sông không ít hộ đã sử dụng để khai thác rươi và cáy có hiệu quả cao gấp nhiều lần. Việc xây dựng vùng nuôi rươi và cáy đang là hướng mở cho phát triển kinh tế cao ở Đông Triều.

Sáng 25/9, mô hình nuôi tôm chân trắng theo tiêu chuẩn VietGAP của hộ ông Nguyễn Văn Thành xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã tổ chức thu hoạch. Năng suất đạt 8 tấn/ha vụ, trừ chi phí, chủ mô hình thu về 200 triệu đồng tiền lãi ròng. Lợi nhuận đạt được từ nuôi tôm theo VietGAP tăng gấp 2,5 lần so với nuôi truyền thống.

Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu (KT-BVNLTS) đã triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển trong mùa mưa bão. Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch phòng chống và giảm thiệt hại do thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Chi cục KT-BVNLTS.

UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan cần tiếp tục thực hiện các biện pháp giám sát dịch bệnh, theo dõi các vùng nuôi trồng thủy sản mẫn cảm với bệnh, đề phòng phát sinh những ổ dịch mới và tái phát những ổ dịch cũ trên phạm vi toàn tỉnh.

Nhằm chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật mới cho người nuôi trồng thủy sản, giúp bà con phát triển sản xuất nâng cao hiệu quả và tăng thu nhập, năm 2014 Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (KNKN) Bình Định phối hợp với Trạm Khuyến nông thành phố Quy Nhơn thực hiện thành công mô hình “Ương tôm hùm bông trong lồng” tại xã đảo Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn.