Nhằm hỗ trợ nông dân (ND) tăng thu nhập, Hội ND Hà Tĩnh đã xây dựng mô hình chăn nuôi gà, lợn theo hình thức liên kết bán công nghiệp. Các mô hình đã bước đầu cho hiệu quả tốt.
Hương Khê là huyện nghèo thuộc diện hưởng Chính sách 30a. Sau trận lũ lịch sử năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo ở đây lên tới 44%. Thu nhập của ND Hương Khê chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, nhưng điều kiện đất đai và tập quán sản xuất nhỏ lẻ đã tác động không nhỏ đến hiệu quả sản xuất của ND.
Lập tổ, nhóm chăn nuôi
Trước thực trạng này, Hội ND Hà Tĩnh phối hợp với Hội ND huyện Hương Khê xây dựng mô hình chăn nuôi lợn, gà theo phương thức bán công nghiệp. Trước khi triển khai rộng rãi mô hình, 4 xã Hòa Hải, Hương Vĩnh, Hương Thủy và Hương Bình được chọn làm điểm. Tại các địa phương này, Hội thành lập tổ, nhóm chăn nuôi - thú y lợn, gà có sự giám sát của ban chỉ đạo.
Ông Trần Trung Thành- Phó Chủ tịch Hội ND Hà Tĩnh cho biết: Sau khi thành lập 13 tổ, nhóm chăn nuôi lợn với 210 hộ và 7 tổ nhóm chăn nuôi gà với 120 hộ tham gia, Hội ND tỉnh đã tổ chức cho 30 cán bộ hội các cấp và nhóm trưởng, tổ trưởng tổ chăn nuôi và một số hội viên đi tham quan học tập mô hình chăn nuôi theo hướng gia trại bán công nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao tại Ninh Bình. Đồng thời, Hội tổ chức tập huấn kỹ năng, phương pháp làm việc theo tổ, nhóm và tổ chức 13 lớp huấn luyện kỹ thuật chăn nuôi thú y lợn, gà cho 330 hộ.
Ông Thành cho biết thêm, trước khi thực hiện, Hội ND tỉnh hỗ trợ mỗi hộ 500.000 đồng để mua nguyên vật liệu tu sửa lại chuồng trại mở rộng chăn nuôi. Đặc biệt, Hội đã hỗ trợ 8 tủ thuốc thú y (mỗi xã được hỗ trợ 2 tủ) có đầy đủ thuốc và các dụng cụ phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.
Bắt đầu làm ăn lớn
Chị Lưu Thị Thành ở thôn Bình Tiến, xã Hương Bình, huyện Hương Khê, cho biết: "Trước đây, mỗi năm gia đình tôi nuôi 2 lứa lợn, tối đa không quá 5 con/lứa, nếu tính kinh tế thì không có lãi mà còn mất công sức, thời gian. Đầu năm 2011, tôi tham gia nhóm chăn nuôi lợn và học hỏi được kỹ thuật cũng như kinh nghiệm nuôi, lại được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 15 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Có kiến thức, có vốn, tôi tăng quy mô đàn lợn lên 30 con. Mỗi năm xuất chuồng 3 lứa lợn, trừ chi phí, tôi còn lãi từ 25- 30 triệu đồng. Ngoài sắm sửa các vật dụng trong nhà, gia đình tôi còn có thêm tiền gửi nuôi con trai đang học đại học ở Hà Nội".
Ông Nguyễn Trung Thành cho biết, Hội ND Hà Tĩnh đang tổ chức khâu nối liên kết "4 nhà", xây dựng các mô hình chăn nuôi khép kín nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững trong chăn nuôi của ND.
Ông Võ Viết Minh Châu- Chủ tịch Hội ND huyện Hương Khê chia sẻ: "Sau hơn 1 năm các xã triển khai mô hình tổ, nhóm chăn nuôi đã có sự thay đổi rõ rệt. Diện tích chuồng trại từ 5.000m2 tăng lên 7.000m2. Chuồng trại được tu sửa kiên cố đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, 69 hộ đã lắp đặt hầm biogas để xử lý chất thải và tạo thêm nguồn chất đốt và thắp sáng. Ở 7 tổ nhóm nuôi gà, tổng đàn từ 6.200 con tăng lên 11.000 con; gà có tỷ lệ sống cao hơn, tăng trọng và kháng bệnh tốt hơn. Với 13 tổ, nhóm nuôi lợn, số đầu lợn từ 1.900 con tăng lên 3.300 con.
Ở các xã này đã xuất hiện nhiều hộ đầu tư chăn nuôi theo quy mô tập trung từ 40 con lợn trở lên và hàng trăm con gà, góp phần xóa bỏ tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa"...