Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cơ Hội Kèm Thách Thức Trở Lại Với Ngành Tôm

Cơ Hội Kèm Thách Thức Trở Lại Với Ngành Tôm
Ngày đăng: 10/08/2013

VASEP dự báo, nguồn cung tôm năm 2013 giảm so với 2012 do dịch bệnh tại Thái-lan và nhiều nước khác dẫn tới giá tôm sẽ giữ xu hướng tăng và ở mức cao trong sáu tháng cuối năm 2013. Nhờ đó, xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam dự kiến sẽ tăng 9% lên 2,4 tỷ USD so với 2012.

Nguồn cung giảm, tôm được giá

Báo cáo về hiện trạng và tiềm năng thị trường tôm Việt Nam của VASEP cho biết, sáu tháng đầu năm 2013, XK tôm Việt Nam đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2012. XK sang các thị trường trọng điểm tăng khả quan như sang Nhật Bản tăng 6,6%, sang Mỹ tăng 22,4% và sang Trung Quốc tăng 33,7%.

Nhật Bản và Mỹ vẫn duy trì vị trí thứ nhất và thứ hai về nhập khẩu (NK) tôm Việt Nam. Trung Quốc đã vượt qua EU trở thành nước NK tôm lớn thứ ba của Việt Nam với tỷ trọng tăng từ 11,4% năm 2012 lên 13,3% trong sáu tháng đầu năm 2013.

Theo dự báo của Hiệp hội Thực phẩm đông lạnh Thái-lan, sản lượng tôm năm 2013 của nước chi phối nguồn cung tôm thế giới này dự kiến giảm 50% so với 550 nghìn tấn năm 2012 do ảnh hưởng của dịch bệnh. Điều này đã đẩy giá tôm trên thị trường thế giới tăng nhanh, tác động tích cực đến cả lượng và giá tôm XK của Việt Nam.

Ở trong nước, giá tôm nguyên liệu đang tăng trở lại đã khuyến khích người nuôi tôm thả nuôi trở lại, giúp giảm bớt căng thẳng về nguồn nguyên liệu cho chế biến trong nước. Tôm sú nguyên liệu cỡ 30 con/kg có giá bán 180 nghìn đồng/kg tăng 20% so với đầu năm. Tôm chân trắng cỡ 100 con/kg có giá bán 102 đồng/kg, tăng 8,5%.

Theo báo cáo của một số địa phương, tôm nhiễm bệnh đã giảm đáng kể so với năm 2011 và 2012 do nhiều hộ nuôi đã kiểm soát tốt dịch bệnh trên tôm nuôi. Thống kê của Tổng Cục Thủy sản cho thấy, sáu tháng đầu năm 2013, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại gần 24 nghìn ha, giảm 35% so với cùng kỳ năm 2012.

Chủ động đương đầu thách thức

Tuy nhiên, VASEP cũng chỉ ra những thách thức và khó khăn mà các doanh nghiệp sẽ phải đương đầu trong những tháng cuối năm, đó là nhiều “rào cản” đang gia tăng từ các thị trường. Cụ thể, ngày 29-5-2013, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra phán quyết sơ bộ về thuế chống trợ cấp đối với tôm NK từ bảy nước, trong đó có Việt Nam với lý do ngành tôm các nước này nhận trợ cấp từ chính phủ. Việt Nam bị áp thuế 6,07%. Ngày 13-8 tới DOC sẽ ra phán quyết cuối cùng, tuy nhiên, tôm Việt Nam XK sang Mỹ hoàn toàn có khả năng bị áp thuế “kép” gồm thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp.

Đối với thị trường Hàn Quốc, nước này đã quyết định kiểm tra Ethoxyquin với dư lượng 0,01ppm đối với tôm NK từ Việt Nam từ ngày 1-1-2013, khiến XK tôm sang thị trường này sáu tháng đầu năm giảm tới 23,1%. Ngoài ra, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc sẽ thực hiện kiểm tra tăng cường chỉ tiêu axit Nalidixic trong các lô hàng tôm Việt Nam từ ngày 22-7 đến 31-12-2013, với tần suất kiểm tra là 3% và chỉ tiêu kiểm tra dư lượng cho phép ≤0,03 mg/kg.

Tại Nhật Bản, năm 2013, chính phủ nước này đã hạ giá đồng Yên so với đồng USD khiến giá các mặt hàng thực phẩm, trong đó có tôm tại Nhật tăng mạnh, khiến hoạt động NK và kinh doanh tôm ở Nhật Bản trở nên khó khăn. Trong khi, một số nước duy trì chính sách tỷ giá theo hướng tạo nhiều lợi thế cho XK. Chẳng hạn, Ấn Độ đã sử dụng chính sách hạ giá đồng nội tệ trong năm 2013 nhằm tạo thêm lợi thế cho các DN XK tôm. Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2013, đồng Rupee của Ấn Độ đã mất giá 9% so với đồng USD. Nhờ đó, giá trị XK tôm của Ấn Độ tính theo đồng Rupee tăng thêm 18%. Ngoài ra, Mexico và Dominica cũng quyết định đóng cửa với tôm của một số nước, trong đó có Việt Nam.

Ở trong nước, VASEP cũng cảnh báo: “Dịch bệnh và thiếu vốn tiếp tục gây bất ổn nguồn cung nguyên liệu”. VASEP cho rằng, tôm chết loạt do dịch bệnh từ năm 2012 khiến nhiều hộ nuôi tôm kiệt quệ, không còn đủ vốn để thả nuôi tiếp. Việc thế chấp từ ao đầm đã được người nuôi sử dụng nhưng việc định giá đất đã được quy định từ nhiều năm nay nên khung giá đất rất thấp, người dân vay được rất ít.

VASEP kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan quản lý cần tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn và quản lý kiểm soát chất lượng theo chuỗi từ con giống, thức ăn nuôi tôm tới sản phẩm chế biến XK, nhằm duy trì và cải thiện chất lượng tôm Việt Nam. Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ vốn phù hợp cho người nuôi và doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh quan hệ ngoại giao, tìm cơ hội đàm phán để giải quyết hoặc giảm nhẹ các rào cản thương mại từ các thị trường NK.

VASEP cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần theo dõi, nắm bắt thông tin và động thái thị trường Trung Quốc, tránh lệ thuộc quá nhiều vào thị trường này.


Có thể bạn quan tâm

Mận Tam Hoa Bắc Hà Tấp Nập Vào Mùa Mận Tam Hoa Bắc Hà Tấp Nập Vào Mùa

Năm 2014, toàn huyện Bắc Hà (Lào Cai) có khoảng 118 ha cho thu hoạch, chủ yếu là diện tích tại các xã Tà Chải, Na Hối, Bản Phố, Lầu Thí Ngài và thị trấn Bắc Hà.

05/06/2014
Thu Nhập Cao Nhờ Rau An Toàn Thu Nhập Cao Nhờ Rau An Toàn

Cái tên “Hà Độ” được nhiều người biết đến ở xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo (Bình Dương) bởi ông là người trồng rau an toàn (RAT) giỏi. Hiện gia đình ông trồng rau trên diện tích trên 1.500m2, mỗi năm trừ tất cả mọi chi phí vẫn còn thu nhập trên 180 triệu đồng.

06/06/2014
Ðệm Lót Sinh Học Tạo Đột Phá Mới Trong Chăn Nuôi Ðệm Lót Sinh Học Tạo Đột Phá Mới Trong Chăn Nuôi

Việc ứng dụng hệ vi sinh vật để làm đệm lót sinh học (chế phẩm Balasa N01) trong chăn nuôi mang tính đột phá, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn 15% so với chăn nuôi thông thường. Tuy nhiên, việc ứng dụng đệm lót sinh học vẫn cần những cải tiến mới và sự tham gia tích cực của doanh nghiệp để mô hình này có thể nhân rộng trong cả nước.

06/06/2014
Thu Nhập Khá Từ Trồng Cam, Quýt Thu Nhập Khá Từ Trồng Cam, Quýt

Cư Elang là xã đặc biệt khó khăn của huyện Ea Kar (Đắk Lắk). Vài năm trở lại đây, một số gia đình ở Cư Elang đã sử dụng một số diện tích đất đồi để trồng cam, quýt và bước đầu đã có thu nhập khá.

16/05/2014
Hệ Lụy Biến Đổi Khí Hậu Với Sản Xuất Vụ Xuân Hệ Lụy Biến Đổi Khí Hậu Với Sản Xuất Vụ Xuân

Nơi khô hạn, nắng nóng, nơi lại mưa rầm kéo dài đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp vụ Xuân 2014. Biến đổi khí hậu đã dẫn đến hậu quả khôn lường đang diễn ra trên diện rộng tại địa bàn tỉnh ta. Nguy cơ mất mùa, thiếu đói lương thực đang hiện hữu trong các vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh là điều có thực...

16/05/2014