Chuyển Lúa Sang Mía Tại Sao Không?
Đưa mía xuống ruộng thay thế lúa kém hiệu quả, Việt Nam sẽ chỉ cần 1/3 diện tích mía so với hiện nay mà vẫn giữ được sản lượng 1,5 triệu tấn đường. Lúc ấy, giá thành SX đường sẽ giảm xuống dưới 10 nghìn đồng/kg, ngành mía đường mới có thể được giải cứu.
Lại một vụ mía ở ĐBSCL bước vào thu hoạch, tuy nhiên, giá mía đường vẫn đang dậm chân tại chỗ, khi mà 1 ha mía, tính ra nông dân chỉ có lãi 4-5 triệu đồng.
Làm sao để ngành mía đường thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn như hiện nay? Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn (ảnh), “kiến trúc sư” Chương trình 1 triệu tấn đường trước đây đã trăn trở chia sẻ với NNVN.
Chương trình mía đường qua 20 năm, hiện đang phải đối mặt với thử thách không nhỏ, nếu không kịp thời cải tổ đổi mới, nhiều DN sẽ có nguy cơ phá sản. Sau 20 năm, bài toán yếu nhất tới nay của mía đường VN vẫn là vấn đề giá thành, khi mà giá thành SX đường của VN đang cao nhất trong khu vực với mức tới 11 nghìn đồng/kg, trong khi Thái Lan chỉ khoảng hơn 9 nghìn đồng/kg.
Giá mía mà các NM mua vào cho nông dân chỉ quanh quẩn 900 nghìn đồng/tấn. Đó là chưa nói năng suất mía hiện quá thấp, chữ đường thấp. Mỗi ha mía chỉ 60 – 70 tấn, bán được 50-60 triệu đồng, nếu thu hoạch thủ công bằng tay, cộng với tiền phân bón, giống... thì xem như dân không lãi đồng nào. Nếu bỏ thuế cho đường NK vào, ngành mía đường VN sẽ sụp đổ.
VN có lợi thế để phát triển mía đường không? Rõ ràng là có, ai cũng nhìn ra. Khí hậu đất đai đều rất thuận lợi, các NM đều có năng lực SX, vậy vấn đề đang ở đâu? Nguyên nhân theo tôi, đang nằm ở nội tại ngay chính bản thân ngành mía đường, chứ không phải do chính sách nhà nước. Các chính sách từ cấp Chính phủ, cấp Bộ ngành đã làm đủ cả. Lỗi ở đây cũng chẳng phải do nông dân, mà do chính các DN mía đường, tự họ phải cải tổ nếu muốn tồn tại.
Để giải quyết được bài toán này, cần giảm được giá thành SX đường xuống dưới 10 nghìn đồng/kg. Bài toán này hoàn toàn có cách giải quyết.
Theo đó, không còn cách nào khác phải đi vào SX nguyên liệu với quy mô công nghiệp, cánh đồng lớn tập trung và đưa cơ giới hóa vào SX, chứ không thể thủ công được nữa, trừ những nơi đặc thù cho phép SX nhỏ lẻ. Hiện nay, những giống mía năng suất cao chúng ta không thiếu, việc tổ chức SX cánh đồng lớn cũng không phải quá khó bởi Đông Nam bộ, Tây Nguyên... đều đã có cánh đồng lớn.
Vấn đề cơ giới hóa toàn bộ trong SX, đi đôi với thủy lợi cho mía đang là khó khăn nhất. Nếu giải quyết được hai vấn đề này, trồng mía vẫn sẽ lãi trên 50%, và giá thành mía sẽ giảm xuống dưới 10 nghìn đồng/kg.
Về giải pháp cụ thể, khả thi nhất là đưa cây mía xuống ruộng thay thế cây lúa kém hiệu quả, chứ không thể chỉ trồng trên đồi, đất xấu, thiếu về thủy lợi được. Chúng ta đang bàn câu chuyện giảm diện tích lúa, tại sao không nghĩ tới chuyển lúa sang mía? Việc chuyển lúa sang mía không có gì khó khăn, thậm chí dễ làm, thiết thực. Các NM chỉ cần ngồi lại với các tỉnh, và nông dân bàn nhau là có thể chuyển được ngay, chẳng cần thủ tục gì khó khăn. Chính sách chuyển đổi, Chính phủ cũng đã có.
Đưa mía xuống ruộng có cái lợi là đã có sẵn thủy lợi, mà thủy lợi nhà nước miễn thủy lợi phí rồi, nên sẽ chẳng phải tốn chi phí tưới vào giá thành SX mía nữa. Nhờ chủ động tưới, năng suất mía sẽ cầm chắc tăng gấp rưỡi, gấp đôi, đạt 150 tấn/ha, thậm chí 200 tấn/ha. Có thủy lợi, không chỉ nâng cao năng suất gấp rưỡi so với hiện nay, mà còn nâng chữ đường tăng ít nhất 20%.
Nếu tạm tính năng suất mía trên đất lúa chỉ cần 150 tấn/ha, chữ đường tăng 15% so với hiện nay thôi, 1 ha mía trồng ở đất lúa có thể cho 20 tấn đường. VN hiện có tới 300 nghìn ha mía, mà mới chỉ cho chưa đầy 1,5 triệu tấn đường, trung bình 1 ha chỉ được 5 tấn đường, bây giờ nếu đưa được mía xuống đất lúa, năng suất đường sẽ tăng lên 3-4 lần.
Như vậy, nếu chúng ta chủ trương chỉ giữ nguyên sản lượng đường để đáp ứng nhu cầu trong nước, nếu chuyển mía xuống ruộng, chỉ cần khoảng 70 nghìn ha đất trồng mía là đủ có 1,5 triệu tấn đường như hiện nay. Những nơi đất lúa xấu, kém hiệu quả, cứ chuyển sang trồng mía, dù có cách NM dăm chục km đi nữa, chở về vẫn cứ có lãi hơn nhiều lần trồng lúa. Với năng suất trung bình 150 tấn/ha, nếu áp dụng cơ giới hóa, trừ chi phí, dân vẫn sẽ có lãi ít nhất 100 triệu đồng/ha, cao hơn lúa rất nhiều.
Đối với các vùng đất đồi hiện nay, chỉ những vùng nào bằng phẳng, thuận lợi cho cơ giới hóa và thủy lợi mới nên trồng mía, nơi nào đất dốc thì đừng trồng nữa. Làm được như thế thì năng suất mía vùng đồi cũng sẽ tăng được lên 120-150 tấn/ha, chữ đường sẽ tăng 15%. Nếu đi theo hướng này, tính chung cả đất đồi và đất ruộng trồng mía, năng suất mía trung bình cả nước sẽ nâng lên khoảng 150 tấn/ha là điều nằm trong lòng bàn tay. Lúc ấy, tôi cam đoan dù giá mía chỉ cần giữ ở mức 900 nghìn đồng/tấn như hiện nay thôi, dân vẫn sẽ có lãi ít nhất 50%, ngành đường sẽ thắng lợi hoàn toàn chứ không có gì phải lo lắng.
Trong khi chưa thể thực hiện các chiến lược dài hơi để giảm giá thành SX đường, trước mắt, Chính phủ, Bộ Công thương làm thế nào đó phải cố gắng giữ cho được thuế NK để bảo hộ SX trong nước ít nhất là khoảng 3-4 năm nữa để ngành đường tái cơ cấu lại.
Tuy nhiên muộn nhất tới 2018, bắt buộc sẽ phải bung ra tự do, không thể trì hoãn thêm được nữa. Lúc ấy, NM nào sống được thì sống, không thì phải phá sản, không có cách nào khác.
Nhiều NM đường hiện liên tục kêu lỗ, không thể mua mía cho dân cao hơn nữa, ông nghĩ họ lỗ thật không?
Tôi nghĩ nói làm mía đường mà lỗ thì chỉ là trò nói bịp. Hiện nay có ai đi thẩm định hay hạch toán thử NM đường làm ăn ra sao đâu mà biết họ lỗ thật hay lỗ giả? Nhiều DN hiện nay cứ kêu vống lên để vòi vĩnh nhà nước, chứ thực chất chẳng hẳn bi đát như họ nói.
“Nếu đưa được mía xuống thay thế đất lúa kém hiệu quả, sẽ xoay chuyển bước ngoặt cho ngành mía đường. Các DN, lãnh đạo các địa phương cũng phải thay đổi tư duy đi, đừng quan niệm rằng làm mía không có lời! Cả Tây Nguyên, Đông Nam bộ, miền Trung, miền Bắc đều có thể đưa mía xuống ruộng được”. (Ông Nguyễn Công Tạn)
Thái độ đó của các DN mía đường là không ổn. Thực tế lợi tức, cổ tức nhiều DN tôi biết vẫn đạt rất cao, có đơn vị tới trên 70%. Vậy nên có chết thì chỉ có nông dân chết thôi, DN còn lâu họ mới chết. Tôi nghĩ Chính phủ bây giờ cần phải tuyên bố với DN mía đường rằng, nếu 3-4 năm nữa, anh nào không chịu đổi mới, sau này phá sản thì tự chịu trách nhiệm lấy, đừng có kêu nhà nước.
Cũng xin nói cho các NM đường rõ, Chương trình mía đường đã 20 năm rồi, nhiều NM đường khấu hao cũng đã hết rồi, nên đừng có kêu nhà nước hỗ trợ nữa.
Ông nói bài toán cơ giới hóa đang là nguyên nhân khiến ngành mía đường xập xệ như hiện nay. Hẳn các DN họ cũng đã nghĩ tới chuyện này rồi chứ?
Qua khảo sát tôi thấy cũng có DN làm, nhưng chẳng anh nào làm đến nơi đến chốn. Vẫn phải nhắc lại, vấn đề là các DN, nhất là DN nhà nước có chịu làm, chịu thay đổi hay không mà thôi.
Xin nói DN mía đường nước ngoài đầu tư ở VN, họ đã tuyên bố chỉ sang năm 2015 thôi, giá thành SX đường sẽ giảm xuống dưới 10 nghìn đồng/kg, và họ cũng đang xúc tiến đưa mía xuống đất lúa nên họ sẽ vẫn sống khỏe. Chỉ có DN nhà nước ỉ lại mới chết mà thôi. Hướng đưa mía xuống đất lúa kết hợp cơ giới hóa đang lợi thấy rõ đấy, DN nước ngoài họ làm rồi, sao không thấy DN Việt Nam nào làm đi?
Trong hoàn cảnh chúng ta đang thừa đường, có cách nào có thể XK không thưa ông?
Trước mắt, cứ tính SX trong nước đáp ứng nhu cầu tại chỗ đã, tới khi hạ giá thành xuống dưới 10 nghìn được rồi thì tha hồ XK. Trung Quốc sẽ mãi mãi thiếu đường, XK qua Trung Quốc thôi thì chẳng lo gì chuyện thừa đường nữa.
Tuy nhiên trước mắt, trong hoàn cảnh đang tồn kho, bằng cách nào cũng phải tìm đường XK bằng được, giá XK có thấp đi một chút cũng còn hơn tồn kho. Cứ ngồi chờ giá lên, nhưng đâu có lên, chỉ thấy xuống, vì vậy theo tôi cứ xuất đi, lúc nào giá lên rồi hẵng bàn tiếp.
Bên cạnh đó, cần phải quyết liệt ngăn đường nhập lậu. Đường nhập lậu hiện ước tới 300 nghìn tấn, tồn kho trong nước cũng thường xuyên khoảng 300 nghìn tấn, nếu ngăn được nhập lậu thì xem như đường trong nước đã tiêu thụ được hết, không phải mệt mỏi chuyện ứ thừa đường như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Đậu đỏ (có nơi gọi đậu gạo) trước đây trồng phổ biến ở các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân (Phú Yên). Thế nhưng do ảnh hưởng khí hậu nên loại cây trồng này liên tiếp bị mất mùa, bây giờ ở nhiều nơi không còn bóng dáng cây đậu đỏ.
Từ khi chuyển từ trồng lúa sang trồng màu, Tổ hợp tác (THT) trồng rau an toàn ấp Đai Tèn, xã Lương Hoà A, huyện Châu Thành (Trà Vinh) đã giúp cho nhiều hộ Khmer cải thiện cuộc sống và góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.
Tiền Giang được mệnh danh là “vương quốc” trái cây. Lợi thế này của tỉnh càng có điều kiện phát triển khi có Viện Cây ăn quả miền Nam đứng chân trên địa bàn. Từ khi thành lập, việc hợp tác giữa Viện và các cơ quan chức năng của tỉnh luôn được quan tâm, gắn bó chặt chẽ, góp phần củng cố, nâng vị thế “vương quốc” trái cây của địa phương.
Sản xuất theo GAP (Good Agricultural Practices) gồm VietGAP, GlobalGAP,…nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quản lý cây trồng, dinh dưỡng tổng hợp và chú ý phúc lợi của nông dân sản xuất lúa.
“Dự án trồng cam hữu cơ tại xã Phù Lưu (huyện Hàm Yên) nhằm giúp nông dân sản xuất thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng” - ông Đỗ Trung Kiên - Phó Chủ tịch Hội nông dân Tuyên Quang chia sẻ.