Chuyên Gia Nên Bảo Tồn Cây Lúa Mùa Nổi
Sản xuất lúa mùa nổi (LMN) năng suất chỉ khoảng 100 kg/công tầm lớn (khoảng 1.300 mét vuông), lợi nhuận đem lại cho người nông dân chỉ khoảng 500.000-600.000 đồng/công (6 tháng trồng)... thế nhưng, các chuyên gia nông nghiệp vẫn khuyên nên bảo tồn loại lúa này.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Kiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông thôn, trường Đại học An Giang, cho rằng việc phục hồi và phát triển LMN có ý nghĩa rất quan trọng trong bảo tồn nguồn gen quý hiếm và đa dạng sinh học; tạo không gian chứa nước lũ, giảm áp lực vỡ đê, ứng phó với biến đổi khí hậu; trả lại nơi cư trú cho nhiều loại cá nước ngọt; ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn…
Góp phần bảo tồn đa dạng sinh học
Thực tế, kết quả nghiên cứu LMN được công bố tại hội thảo “Tổng kết giữa kỳ về kết quả nghiên cứu LMN ở xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, An Giang”, tổ chức sáng nay (18-11) tại An Giang, cho thấy sản xuất LMN kết hợp với trồng màu chẳng những mang lại cho nông dân nguồn thu nhập cao hơn hẳn so với độc canh 2-3 vụ lúa cao sản, mà nó còn góp phần bảo tồn nguồn lợi thủy sản, cải thiện đa dạng sinh học, môi trường…
TS Lê Công Quyền, Khoa Nông nghiệp và Tài nguyên thiên nhiên, trường Đại học An Giang, cho biết kết quả nghiên cứu về đa dạng sinh học trên ruộng LMN cho thấy có sự đa dạng cao về số loài thực vật và cá ghi nhận được.
Cụ thể, theo ông Quyền, trên ruộng LMN có đến 49 loài thực vật và khoảng 35 loài cá khác nhau đã ghi nhận được như cá linh ống, cá chốt sọc, cá rô đồng, cá lóc đồng, sặc bướm, mè vinh… “Đặc biệt, có một số loài ít gặp, có giá trị cao như cá ét mọi, cá cóc, thác lác, rô biển, cá leo, trê vàng…, cũng xuất hiện ở ruộng LMN”, ông Quyền cho biết.
Còn về giá trị kinh tế mang lại cho người nông dân, theo bà Đặng Thị Thanh Quỳnh, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông thôn, Đại học An Giang, so với sản xuất lúa cao sản 2-3 vụ/năm, thì sản xuất LNM thua rất xa về lợi nhuận thu được. Thế nhưng, khi kết hợp sản xuất LMN- màu (trồng khoai mì, kiệu), thì lợi nhuận mang lại cho người nông dân hơn hẳn so với độc canh 2-3 vụ lúa cao sản/năm. “Đó là chưa kể, nguồn lợi thủy sản người dân có thể thu được do khu vực trồng LMN có lượng cá tập trung về nhiều hơn”, bà Quỳnh cho biết.
Theo một số nhà chuyên môn, việc sản xuất LMN được xem là bước đệm không thể thiếu nhằm tạo nguồn rơm rạ phục vụ hoạt động sản xuất cây màu vì rơm rạ LMN rất bền, có thể đậy cho đất trồng màu được 6-7 tháng trong khi các giống lúa cao sản khác chỉ duy trì được khoảng 2-3 tháng là mục.
Cơ hội phát triển du lịch nông nghiệp
Nhờ đặc điểm lúa sinh trưởng và phát triển ngay trong mùa nước lũ tràn đồng, có nhiều loài cá và đa dạng các loại thực vật khác…, nên nơi đây còn là địa chỉ du lịch nông nghiệp trải nghiệm rất lý thú.
Bà Trang Thị Mỹ Duyên, người thực hiện đề tài Nghiên cứu tiềm năng du lịch nông nghiệp LMN tại xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, An Giang, cho biết qua kết quả khảo sát 100 khách du lịch trong và ngoài nước trên địa bàn An Giang, cho thấy có đến 90% khách chưa có tham gia du lịch nông nghiệp trải nghiệm và có 92% trong số họ muốn tham gia vào loại hình du lịch này. “Còn khi được hỏi về ý định tham quan, du lịch vùng LMN kết hợp với thưởng thức các món ăn đồng quê thì có đến 91% có ý định tham gia”, bà Duyên cho biết.
Theo PGS-TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành thuộc Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, bên cạnh tổ chức các tour du lịch vào mùa nước nổi, “ theo tôi, để tạo sự đa dạng nên mở thêm các tour vào mùa thu hoạch lúa để khách du lịch, nhất là khách nước ngoài có thể tự tay gặt lúa, xay lúa và nấu thành cơm phục vụ cho họ luôn, sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều”, ông Chín gợi ý.
Tuy nhiên, theo bà Duyên, qua kết quả khảo sát cho thấy, điều kiện hạ tầng, giao thông đi lại chưa hoàn chỉnh, thiếu sự đa dạng về các hoạt động…, là những trở ngại cần phải hoàn thiện, nếu muốn phát triển mạnh loại hình du lịch này.
Về định hướng phát triển sản xuất LMN, TS Lý Văn Chính, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn, cho biết huyện đang quy hoạch vùng bảo tồn sản xuất LMN - màu đạt 200 héc ta trong năm 2015-2016; định hướng đến năm 2030 ổn định sản xuất ở mức 500 héc ta.
Còn theo ông Kiền của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông thôn, do hiện giống LMN đang bị lẫn tạp nhiều nên thời gian tới sẽ tập khử lẫn, phục trạng lại giống LMN, tạo nguồn giống đồng nhất về chất lượng, hướng đến thương mại hóa sản phẩm LMN, nâng cao hơn nữa thu nhập cho người nông dân.
Theo Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông thôn (Đại học An Giang), một số giống LMN được người dân sản xuất phổ biến là Bông sen chiếm 11,6%; Chệt cụt 14,6%; Nàng tây nút 10,78%; Nàng pha 3,83%; Lai đuôi 2,05% và khoảng 57% còn lại là các giống giống chưa phân loại được.
Nguồn bài viết: http://www.thesaigontimes.vn/122810/Chuyen-gia-Nen-bao-ton-cay-lua-mua-noi.html
Có thể bạn quan tâm
Thời tiết lúc trồng không mấy thuận lợi, năng suất dưa hấu, dưa bở không cao như mọi năm nhưng bù lại tình hình thị trường, giá cả lại ổn định suốt từ đầu đến cuối vụ. Chính bởi điều này nên người trồng dưa hấu, dưa bở trên địa bàn huyện Kim Bôi đang trong tâm trạng phấn chấn.
Gần 1 tháng nay, giá cá tra ở khu vực miền Tây Nam bộ liên tục tăng và đạt mức kỷ lục 25.000 đến 25.500 đồng/kg - cao nhất trong mấy năm trở lại đây.
Mặc dù giá tôm hiện nay có giảm so với tháng trước nhưng vẫn ở mức cao, nông dân thu lợi từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng/ha tùy hình thức nuôi.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù giá cá tra đang nằm ở mức cao hơn giá thành sản xuất từ 2.000 - 3.000 đồng/kg nhưng diện tích thả nuôi và sản lượng cá tra hầu hết các tỉnh tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tính đến thời điểm này đều giảm, trừ Tiền Giang và Bến Tre tăng.
Đó là ý kiến kết luận của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh tại Hội nghị do UBND tỉnh chủ trì nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội 04 tháng đầu năm 2014 và bàn một số nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện từ nay đến cuối năm 2014.