Chuyển Đổi Mùa Vụ Câu Chuyện Mới Ở Bắc Mê
Câu chuyện đầu năm của chúng tôi với những người làm nông nghiệp ở Bắc Mê xoay quanh vấn đề chuyển đổi mùa vụ. Có thể đối với các huyện khác, là chuyện đã cũ, nhưng với Bắc Mê, thì đây là bước “đột phá”, không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo mà còn góp phần tháo “nút thắt” quan trọng để phát triển nông nghiệp bền vững.
Những năm trước đây, Bắc Mê gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi mùa vụ và áp dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất cây trồng. Nguyên nhân được “mổ xẻ” là do không chủ động nguồn nước và tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, một bộ phận người dân lười lao động.
Thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, Đảng bộ, chính quyền huyện Bắc Mê đã ra các chỉ thị, kế hoạch về tăng cường chuyển đổi mùa vụ, thâm canh, tăng năng suất cây trồng vụ Đông - Xuân. Theo đó, nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp về tăng cường chuyển đổi mùa vụ được khuyến khích, tạo điều kiện để người dân thực hiện: Hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật thâm canh; hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp; đầu tư hệ thống thủy lợi, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu; phát động phong trào thi đua gieo cấy vụ Xuân sớm...
Năm 2014, toàn huyện Bắc Mê gieo trồng trên 2.709ha lúa, đạt trên 107% kế hoạch. Trong đó, diện tích lúa thâm canh đạt trên 2.095 ha, năng suất lúa trung bình đạt 52,3 tạ/ha; mô hình chuyển đổi khung thời vụ ở Lạc Nông, Minh Ngọc, Giáp Trung bước đầu mang lại hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập.
Chị Nèn Thị Ninh, người dân thôn Nà Pâu, xã Lạc Nông cho biết: “Thực hiện mô hình chuyển đổi mùa vụ của huyện, chúng tôi rất phấn khởi, trên thửa ruộng này, việc sản xuất bây giờ được thực hiện liên tục quanh năm, giống lúa mới thay thế giống lúa thuần mang lại năng suất cao, giúp nhiều hộ dân có thêm thu nhập”.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở và tích cực tham gia của người dân, tình hình sản xuất nông nghiệp ở Bắc Mê đã có chuyển biến rõ nét. Các địa phương tổ chức thực hiện việc chuyển đổi mùa vụ bằng các giải pháp thiết thực, hiệu quả, và phù hợp với điều kiện thực tế như: Thôn Bản Đuốc, xã Yên Phong đặt ra hương ước gắn việc xét duyệt hộ nghèo hàng năm với phong trào lao động sản xuất, không để đất bỏ hoang; xã Yên Định thành lập tổ dịch vụ nông nghiệp có đội cấy thuê, tổ chức hội thi cấy, thực hiện mô hình đầu tư có thu hồi, đưa cơ giới hóa vào sản xuất; xã Yên Phong tổ chức giao ban thôn định kỳ, học hỏi kinh nghiệm và tạo phong trào thi đua giữa các thôn...
Trao đổi về vấn đề chuyển đổi khung thời vụ, Chủ tịch UBND huyện, Triệu Trung Hiệp nhấn mạnh: Để tháo gỡ “nút thắt” trong sản xuất nông nghiệp ở Bắc Mê, việc chuyển đổi mùa vụ sẽ là khâu đột phá. Đến nay, người dân đang dần thay đổi tư duy sản xuất, từ trông chờ, ỷ lại đến chủ động trên đồng ruộng của mình.
Việc chuyển đổi mùa vụ mang lại hiệu quả đã được chính người dân khẳng định. Huyện sẽ tiếp tục có những chính sách đầu tư để khuyến khích người dân yên tâm sản xuất, chỉ đạo các cấp, các ngành cùng phối hợp vào cuộc. Cùng với đó, đội ngũ khuyến nông viên cơ sở phải “cầm tay chỉ việc” cho nông dân. Từ đó, hướng đến sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Sự đổi thay trên đồng đất Bắc Mê đang mang về những mùa vàng no ấm. Việc tổ chức lại sản xuất, thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi khung thời vụ, tạo bước “đột phá” trong tư duy, nhận thức từ cấp ủy, chính quyền đến người dân có thể xem là thành tựu nổi bật của ngành Nông nghiệp Bắc Mê trong thời gian qua.
Có thể bạn quan tâm
Con ốc hương đã gắn bó với nông dân huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) nhiều năm nay và mang lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, đến vụ nuôi năm nay, trong khi nhiều người vui mừng vì đạt hiệu quả cao thì cũng có không ít hộ lâm vào cảnh thua lỗ do ốc chậm lớn, tỷ lệ hao hụt nhiều.
Từ năm 2012 đến nay, dịch bệnh đốm trắng trên tôm nuôi đã và đang có chiều hướng gia tăng tại các vùng nuôi trồng thủy sản trong cả nước. Trung bình hàng năm, dịch bệnh đốm trắng chiếm khoảng 50% tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại.
Trạm Khuyến nông TX. Tân Châu (An Giang) vừa tổ chức trình diễn mô hình “Nuôi cá còm” tại hộ ông Lâm Vĩnh Gia (ấp 1, xã Vĩnh Xương). Trên diện tích 200m2 đất ao và theo sự hướng dẫn kỹ thuật của Trạm Khuyến nông thị xã, ông Gia thả nuôi 1.300 con cá còm giống.
Từ khi dự án nạo vét thượng nguồn sông Ba Lai hoàn thành, tuyến đê ven sông Ba Lai được đưa vào sử dụng, một số hộ dân sinh sống ven tuyến đê xã Thành Triệu (Châu Thành, Bến Tre) đã tận dụng khoảng đất trên mặt đê và hành lang bảo vệ đê để trồng rau màu, chuối, đu đủ và cây lâu năm.
Hiện nay nhiều địa phương trên địa bàn huyện Chợ Mới (An Giang) đã biết tận dụng lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế gia đình. Trong đó, việc nuôi bò theo hướng ứng dụng công nghệ cao đang được nhiều hộ dân thực hiện, vì hiệu quả kinh tế mang lại khá cao so với cách nuôi truyền thống.