Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chuyển Đổi Mùa Vụ Câu Chuyện Mới Ở Bắc Mê

Chuyển Đổi Mùa Vụ Câu Chuyện Mới Ở Bắc Mê
Publish date: Wednesday. February 11th, 2015

Câu chuyện đầu năm của chúng tôi với những người làm nông nghiệp ở Bắc Mê xoay quanh vấn đề chuyển đổi mùa vụ. Có thể đối với các huyện khác, là chuyện đã cũ, nhưng với Bắc Mê, thì đây là bước “đột phá”, không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo mà còn góp phần tháo “nút thắt” quan trọng để phát triển nông nghiệp bền vững.

Những năm trước đây, Bắc Mê gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi mùa vụ và áp dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất cây trồng. Nguyên nhân được “mổ xẻ” là do không chủ động nguồn nước và tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, một bộ phận người dân lười lao động.

Thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, Đảng bộ, chính quyền  huyện Bắc Mê đã ra các chỉ thị, kế hoạch về tăng cường chuyển đổi mùa vụ, thâm canh, tăng năng suất cây trồng vụ Đông - Xuân. Theo đó, nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp về tăng cường chuyển đổi mùa vụ được khuyến khích, tạo điều kiện để người dân thực hiện: Hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật thâm canh; hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp; đầu tư hệ thống thủy lợi, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu; phát động phong trào thi đua gieo cấy vụ Xuân sớm...

Năm 2014, toàn huyện Bắc Mê gieo trồng trên 2.709ha lúa, đạt trên 107% kế hoạch. Trong đó, diện tích lúa thâm canh đạt trên 2.095 ha, năng suất lúa trung bình đạt 52,3 tạ/ha; mô hình chuyển đổi khung thời vụ ở Lạc Nông, Minh Ngọc, Giáp Trung bước đầu mang lại hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập.

Chị Nèn Thị Ninh, người dân thôn Nà Pâu, xã Lạc Nông cho biết: “Thực hiện mô hình chuyển đổi mùa vụ của huyện, chúng tôi rất phấn khởi, trên thửa ruộng này, việc sản xuất bây giờ được thực hiện liên tục quanh năm, giống lúa mới thay thế giống lúa thuần mang lại năng suất cao, giúp nhiều hộ dân có thêm thu nhập”.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở và tích cực tham gia của người dân, tình hình sản xuất nông nghiệp ở Bắc Mê đã có chuyển biến rõ nét. Các địa phương tổ chức thực hiện việc chuyển đổi mùa vụ bằng các giải pháp thiết thực, hiệu quả, và phù hợp với điều kiện thực tế như: Thôn Bản Đuốc, xã Yên Phong đặt ra hương ước gắn việc xét duyệt hộ nghèo hàng năm với phong trào lao động sản xuất, không để đất bỏ hoang; xã Yên Định thành lập tổ dịch vụ nông nghiệp có đội cấy thuê, tổ chức hội thi cấy, thực hiện mô hình đầu tư có thu hồi, đưa cơ giới hóa vào sản xuất; xã Yên Phong tổ chức giao ban thôn định kỳ, học hỏi kinh nghiệm và tạo phong trào thi đua giữa các thôn...

Trao đổi về vấn đề chuyển đổi khung thời vụ, Chủ tịch UBND huyện, Triệu Trung Hiệp nhấn mạnh: Để tháo gỡ “nút thắt” trong sản xuất nông nghiệp ở Bắc Mê, việc chuyển đổi mùa vụ sẽ là khâu đột phá. Đến nay, người dân đang dần thay đổi tư duy sản xuất, từ trông chờ, ỷ lại đến chủ động trên đồng ruộng của mình.

Việc chuyển đổi mùa vụ mang lại hiệu quả đã được chính người dân khẳng định. Huyện sẽ tiếp tục có những chính sách đầu tư để khuyến khích người dân yên tâm sản xuất, chỉ đạo các cấp, các ngành cùng phối hợp vào cuộc. Cùng với đó, đội ngũ khuyến nông viên cơ sở phải “cầm tay chỉ việc” cho nông dân. Từ đó, hướng đến sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Sự đổi thay trên đồng đất Bắc Mê đang mang về những mùa vàng no ấm. Việc tổ chức lại sản xuất, thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi khung thời vụ, tạo bước “đột phá” trong tư duy, nhận thức từ cấp ủy, chính quyền đến người dân có thể xem là thành tựu nổi bật của ngành Nông nghiệp Bắc Mê trong thời gian qua.


Related news

Thanh Long Ruột Đỏ Thanh Long Ruột Đỏ "Bén Rễ" Trên Vùng Đất Nhiễm Phèn

Là người tiên phong trong việc chọn vùng đất nhiễm phèn (Thạnh Tân, Tân Phước, Tiền Giang) để phát triển thanh long ruột đỏ, lúc đầu từng bị cho là “dở hơi” nhưng giờ đây anh Đoàn Văn Sang đã có thể thuyết phục được mọi người về quyết định táo bạo của mình khi mà hiệu quả mang lại hơn cả sự mong đợi

Saturday. October 26th, 2013
Phát Triển Nghề Nuôi Trồng Thủy Sản Phát Triển Nghề Nuôi Trồng Thủy Sản

Minh Côi là một trong những xã có diện tích nuôi thủy sản lớn của huyện Hạ Hòa (Phú Thọ). Trong gần 10 năm trở lại đây phong trào nuôi thủy sản ở Minh Côi đã phát triển mạnh mẽ. Trước đây chỉ có một số hộ dân nuôi cá phục vụ đời sống, đến nay toàn xã đã có 230 hộ nuôi thủy sản theo hướng kinh doanh với tổng diện tích 68,87ha, phân bố ở 7 khu hành chính.

Friday. June 7th, 2013
Tạo Thương Hiệu Tôm “Sạch” Để Vươn Xa Tạo Thương Hiệu Tôm “Sạch” Để Vươn Xa

Ông Lê Văn Sử, Giám đốc sở nn&ptnt, cho biết, để “gỡ rối” cho nghề nuôi tôm ở Cà Mau trong tình hình khó khăn như hiện nay, Sở đã triển khai nhiều mô hình sản xuất mang tính bền vững và đang phát huy hiệu quả.

Monday. June 24th, 2013
Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cá Nước Ngọt Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cá Nước Ngọt

Sau hơn 7 tháng thả nuôi, đến nay mô hình nuôi cá nước ngọt của hộ ông Bùi Tá Lợi ở xã Nghĩa Kỳ và hộ ông Nguyễn Điều ở xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) đã đem lại kết quả. Đây là mô hình được kỳ vọng sẽ giải quyết cho nhiều diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả trong sản xuất của địa phương.

Wednesday. January 9th, 2013
Phát Triển Nghề Ba Ba Gai Phát Triển Nghề Ba Ba Gai

Được sự hỗ trợ của Sở KH-CN Bắc Ninh, Cty TNHH MTV SX & tiêu thụ VAC Nam Hà đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng TBKT SX giống và nuôi thương phẩm ba ba gai”.

Monday. October 28th, 2013