Chuyển Đổi Cây Trồng Vật Nuôi Theo Hướng Hàng Hóa Ở Tỏa Tình
Tỏa Tình là 1 trong 2 xã của tỉnh Điện Biên được chọn thí điểm thực hiện mô hình bí thư kiêm chủ tịch xã. Xã sớm thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa đạt hiệu quả. Hiện nay, Tỏa Tình đã hình thành vùng chuyên canh cà phê, sơn tra cho giá trị thu nhập cao.
Nhiều hộ dân trong xã đã có thu nhập và tích lũy được vốn đầu tư cho con cái học hành, mua sắm các phương tiện phục vụ sản xuất. Thành tựu đó có nguyên nhân căn bản từ việc Đảng bộ xã đã lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thành công.
Chúng tôi có dịp trao đổi cùng ông Mùa Dũng Dình, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND tìm hiểu cách làm hiệu quả của Tỏa Tình, ông Dình chia sẻ: Sự đoàn kết giữa các thành viên Ban Chấp hành; mối quan hệ giữa Đảng với dân gắn bó, mỗi cán bộ đảng viên luôn quan tâm, gần gũi với nhân dân, gương mẫu tiên phong trong cả nhận thức và hành động sẽ mang lại hiệu quả trên tất cả các mặt của đời sống xã hội.
Minh chứng cho bài học kinh nghiệm này, như việc thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa của xã. Đầu tiên phải kể đến việc Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tuần Giáo về phát triển cây cao su, cà phê và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa. Quán triệt Nghị quyết, Đảng bộ xã đã xây dựng chương trình hành động.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, Đảng bộ nêu cao vai trò đảng viên đi trước, làm trước. Nhờ đó, phong trào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của xã ngày càng đi lên. Trên cơ sở phân công đảng viên bám, nắm cơ sở, tìm hiểu tình hình thực tiễn và nguyện vọng của người dân, xã đã chọn 2 bản có điều kiện đất đai tương đối màu mỡ là Hua Sa A và B để trồng cà phê với diện tích ban đầu là 15ha.
Đến nay, diện tích trồng cà phê toàn xã đã tăng lên 41,5ha ở 5 bản: Hua Sa A + B, Chế Á, Háng Tàu, Tỏa Tình. Trong đó, 15ha ban đầu đã cho thu hoạch. Năm 2012, năng suất cà phê đạt 14 tạ/ha. Tính theo thời giá hiện tại là 12.000 đồng/kg đã cho thu 180 triệu đồng/ha, trừ chi phí còn lãi 120 triệu đồng/ha. Loại cây thế mạnh thứ 2 của Tỏa Tình là sơn tra.
Cũng xuất phát từ nhu cầu thị trường, xã chỉ đạo phát triển diện tích cây sơn tra đã có, đồng thời mở rộng diện tích trồng loại cây này ở những vùng phù hợp. Hiện nay, toàn xã có 70ha cây sơn tra, trong đó 40ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt 16 tạ/ha; bình quân cho thu 160 triệu đồng/ha. Ngoài 2 loại cây chủ lực, xã còn khuyến khích nhân dân trồng cây sa nhân, dưa mèo, trồng rừng và chăn nuôi trâu, dê... theo điều kiện thực tế để đa dạng hóa mặt hàng, tăng thu nhập cho người dân.
Đảng bộ xã chủ trương phát huy vai trò của đảng viên trong việc nói đi đôi với làm để đưa nghị quyết vào cuộc sống bằng việc động viên quần chúng nhân dân tích cực chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, đồng thời chủ động hướng dẫn các hộ nông dân cách trồng và chăm sóc. Các tổ chức hội phụ nữ và hội nông dân phát huy vai trò nòng cốt phối hợp các ngành cùng tổ chức thực hiện...
Bên cạnh việc kích cầu, hỗ trợ các hộ dân sản xuất, chính quyền xã còn tổ chức cho một số hộ dân, đảng viên đi tập huấn, tham quan, học tập kinh nghiệm để về địa phương hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Điển hình như gia đình các ông: Vàng Chứ Dơ (bản Lồng), Vừ Gà Nếnh, Mùa A Gấu (bản Hua Sa B)... đạt mức thu từ 100 - 200 triệu đồng/năm.
Nắm bắt được nhu cầu, nguyện vọng của người dân, sau thời gian triển khai trương trình hành động thực hiện nghị quyết, Đảng ủy, UBND xã đã tổng kết, rút kinh nghiệm và mở rộng diện tích qua từng năm, kết hợp với chủ động tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm nhằm duy trì sản xuất đạt hiệu quả lâu dài. Những mô hình kinh tế được triển khai, nhân rộng đã tạo thành thế mạnh của các bản.
Ví dụ như bản Lồng có thế mạnh về trồng sa nhân với diện tích trên 10ha, thu hút gần 100 hộ tham gia; bản Hua Sa có thế mạnh về cây cà phê với tổng diện tích gần 20ha, thu hút trên 90% số hộ. Các bản Hàng Tàu, Chế Á thì khoanh nuôi, bảo vệ rừng, trồng cây sơn tra và chăn nuôi gia súc. Những thế mạnh đó đã làm cho xã Tỏa Tình từng bước vươn lên. Toả Tình có 7 bản, 430 hộ với 100% đồng bào là dân tộc Mông.
Hơn 10 năm về trước, tỷ lệ đói nghèo và cận nghèo ở đây chiếm tới gần 90% nhưng nay tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn dưới 19%, cận nghèo là gần 4%; xã không còn nhà tạm. Công tác xây dựng Đảng ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực về chất lượng và số lượng, 5/7 chi bộ đạt trong sạch, vững mạnh, 2 chi bộ đạt khá, đảng bộ xã nhiều năm đạt danh hiệu đảng bộ trong sạch, vững mạnh...
Một trong những yếu tố quan trọng, quyết định đưa xã Tỏa Tình trở thành một trong những cơ sở thành công trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của huyện Tuần Giáo chính là sự đoàn kết nhất trí từ trong nội bộ cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Bởi vì hoạt động của Tỏa Tình có nét đặc thù. Mô hình Bí thư Đảng ủy kiêm chủ tịch UBND xã có cái thuận thấy rõ:
Người đứng đầu vừa là người lãnh đạo vừa là người thực hiện sẽ rất thuận lợi trong việc ra chỉ thị, nghị quyết cũng như tổ chức thực hiện nghị quyết. Song như anh Mùa Dũng Dình chia sẻ, nếu không có sự đoàn kết nhất trí cao của Đảng bộ, sự đồng thuận của nhân dân anh khó có thể làm tròn cả 2 vai: Bí thư và Chủ tịch vốn đã rất nặng nề. Cho nên có thể nói Đảng bộ Tỏa Tình đã thành công trong lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa để thoát nghèo.
Có thể bạn quan tâm
Từ xã vùng núi khó khăn, sau 3 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Nhạo Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc đã bứt phá về đích ngoạn mục, làm tấm gương sáng cho các xã trong và ngoài huyện học tập.
Được thực hiện từ năm 2007, đến nay, chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã đi vào cuộc sống của người dân thuộc những vùng khó khăn, đang hàng ngày trực tiếp tham gia trồng và bảo vệ rừng.
Mấy tuần nay, giá khoai lang tím tại huyện Bình Tân (Vĩnh Long) tăng gấp 3-4 lần. Tuy nhiên, nông dân không còn hàng để bán.
Có thể nói, việc các cơ quan chức năng quyết liệt chống hàng giả để bảo vệ người tiêu dùng, nhất là phân bón đang làm khổ nhà nông, là một thái độ đáng hoan nghênh.
Vừa mới thành lập, Câu lạc bộ nông dân (CLB ND) sáng tạo kỹ thuật Nông Phú, huyện Châu Phú, An Giang đã nhanh chóng quy tụ được nhiều hội viên ND tham gia với những phát kiến độc đáo, hỗ trợ hữu ích cho ngành nông nghiệp, nông thôn.