Chuyến điền dã của chú Hai
Vừa qua, nhân dịp về dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIII, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng đã đến thăm HTX Bưởi Kế Thành (huyện Kế Sách).
Cùng đi với nguyên Phó Thủ tướng có lãnh đạo Sở NN-PTNT Sóc Trăng, lãnh đạo ngành nông nghiệp huyện Kế Sách và các đơn vị liên quan.
Dù đã ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng nguyên Phó Thủ tướng, chúng tôi gọi thân mật là chú Hai, vẫn đi thăm cả khu vườn rộng hơn 1 ha của “vua bưởi” da xanh Đặng Văn Nám.
Từ những liếp bưởi mới cho trái chín đến khu vườn bưởi đang độ sung sức cho trái “hái ra tiền” đều có dấu chân chú Hai.
Dừng lại nhiều lần ở những gốc bưởi điển hình cho từng độ tuổi, từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển để quan sát và thảo luận với nhà vườn trong HTX, chú Hai quan tâm đến tất cả các yếu tố trong kỹ thuật canh tác như cách nhân giống, mật độ trồng, bón phân, xử lý ra hoa rải vụ, tỉa trái, phòng trừ sâu bệnh, quản lý cỏ… trong điều kiện đất đai ở Kế Thành.
Ông hỏi và hào hứng trao đổi rất tỉ mỉ với các nhà vườn trong HTX từng biện pháp canh tác cây bưởi da xanh và đặc biệt quan tâm đến cách ghép bưởi da xanh trên gốc ghép Tám Quy để có cây giống khỏe của HTX.
Cuộc trao đổi thật thú vị vì hơn 3 năm qua chú Hai đã trực tiếp trồng, chăm sóc khu vườn bưởi da xanh của mình ở Bến Tre nên đã có nhiều kinh nghiệm SX như một nhà vườn lão luyện!
Được biết, trồng cây ăn trái, nhất là cây bưởi da xanh là sở thích và thú vui của nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng.
Vườn bưởi da xanh hơn 3 năm tuổi của ông ở ấp Lương Thuận, xã Lương Quới (huyện Giồng Trôm, Bến Tre) luôn xanh tốt và nặng trĩu quả không thua kém bất cứ nhà vườn chuyên nghiệp nào.
Chú Hai cũng ghé thăm “lâu đài bưởi” đang được xây dựng của giám đốc HTX Bưởi Kế Thành. Từ tầng cao của tòa nhà, chú Hai đã quan sát tổng quát về quy mô, tình hình phát triển và hiệu quả của SX cây bưởi để có góp ý chung cho HTX.
Trong buổi trò chuyện với các thành viên trong HTX, chú Hai khen ngợi sự siêng năng, sáng tạo và thành công của bà con nhà vườn trong HTX.
Nguyên Phó Thủ tướng đề nghị chính quyền và ngành nông nghiệp tiếp tục đồng hành cùng bà con nhà vườn để đưa bưởi Kế Thành phát triển mạnh hơn, vươn đến thị trường xa hơn nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn để có nhiều “tỷ phú bưởi” và “lâu đài bưởi” xuất hiện ở vùng quê tươi đẹp này.
Nguyên Phó Thủ tướng cũng khuyến cáo nhà vườn không nên tự mãn với thành quả đã đạt được mà phải không ngừng quan sát, tích lũy kinh nghiệm cũng như học hỏi từ các nhà khoa học, nhà vườn khác về kỹ thuật trồng bưởi.
Chú Hai tình nguyện làm cầu nối để nhà vườn trồng bưởi ở Kế Thành nói riêng, Kế Sách nói chung, đến giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với những “địa chỉ xanh”, nhà vườn trồng bưởi da xanh nổi tiếng của Bến Tre như các ông Hai Hoa, Ba Rô… để nâng cao hơn nữa năng suất và chất lượng đặc sản bưởi da xanh của Nam bộ.
Chú Hai tâm sự, vui thú điền viên vốn là mơ ước của ông từ lâu. Từ ngày về hưu ông cũng chẳng ở không, ngày nào ở nhà thì từ sáng sớm cho tới tận 5 giờ chiều ông luôn tay bận rộn với công việc làm vườn. Ông cười sảng khoái và trải lòng “làm vườn tuy cực mà vui” và thấy cuộc sống mình có ý nghĩa hơn.
Có thể bạn quan tâm
Ở thôn Nam Tượng 1, xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn, Bình Định) ai cũng biết nông dân Nguyễn Hồng Phúc và vợ là bà Trần Thị Lý Mai đã vươn lên từ nghèo khó, có thu nhập ổn định từ nghề nuôi thỏ và nuôi chim bồ câu.
Căn cứ vào giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, điều kiện thời tiết, các loài thiên địch hiện diện ngoài đồng (bọ xít mù xanh, kiến 3 khoang,...), Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ dự báo rầy nâu, bọ trĩ, ốc bươu vàng… là những đối tượng gây hại chính đối với lúa đông xuân 2013-2014 và hè thu 2014 trong những ngày tới.
Người dân thôn 2, xã vùng cát Điện Nam Bắc, huyện Điện Bàn, Quảng Nam rất tâm đắc với mô hình nuôi bồ câu của bà Nguyễn Thị Lệ Xuân. Mô hình này mỗi năm mang lại thu nhập cho bà Xuân gần 2 tỷ đồng.
Toàn tỉnh Thái Nguyên có 19 nghìn ha chè, trong đó có gần 17 nghìn ha chè kinh doanh; 70 vườn ươm giống chè, hiện các hom giống đang ở giai đoạn nẩy mầm, mọc rễ. Tuy nhiên, gần 1 tháng qua, thời tiết âm u, mưa phùn, độ ẩm cao trên 90% nên lác đác một số nơi đã xuất hiện bệnh phồng lá chè.
Xoài cát Hòa Lộc là 1 trong 7 chủng loại trái cây chủ lực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, với diện tích 4.700 ha trồng, tập trung chủ yếu ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy; là loại trái cây đặc sản của tỉnh, cũng là sản phẩm trái cây đầu tiên của vùng ĐBSCL được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý và được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.