Chuyên Canh Cây Dược Liệu

Tại xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã hình thành vùng chuyên canh cây kim tiền thảo, đáp ứng một phần nhu cầu sản xuất dược liệu.
Hơn 10 năm trước, bà con nơi đây cấy lúa trên những chân đất với năng suất rất thấp, có những năm còn mất trắng nên đã cùng nhau chuyển đổi sang trồng kim tiền thảo. Anh Vũ Văn Mến, thôn Dùm cho biết: "Thấy cây kim tiền thảo mọc ở các bờ rào, bụi rậm, biết là cây thuốc, chúng tôi nhổ về trồng rồi tự nhân giống ở vườn nhà. Sau một vài vụ cho hiệu quả kinh tế cao nên tôi đã mở rộng diện tích”. Ban đầu anh Mến trồng 3 sào, chăm sóc cẩn thận, sau hơn 3 tháng mỗi sào cho thu hoạch 7-8 tạ cây tươi, phơi khô còn 3 tạ, anh phải lặn lội sang tỉnh bạn tìm thương lái để bán.
Tìm được thị trường tiêu thụ, những năm tiếp theo gia đình anh mở rộng diện tích từ 3 sào thành 3 mẫu đồng thời hướng dẫn bà con trong xã cùng sản xuất. Hiện nay, anh Mến là chủ cung ứng giống và thu mua kim tiền thảo cho bà con. Theo thống kê, toàn xã Nghĩa Phương có gần 40 ha (chiếm gần 1/3 diện tích) trồng kim tiền thảo của cả huyện (125 ha), ước tính mỗi năm thu về hơn 3 tỷ đồng.
Kim tiền thảo dễ trồng trên đất cao thoát nước, không tốn công chăm sóc, không phải phun thuốc trừ sâu, khi cắt về cần phơi thật khô để tránh ẩm mốc, chi phí cho mỗi sào rất ít (3-4 kg đạm/sào). Cây trồng chính vụ vào cuối tháng 2 sang đầu tháng 3, đến tháng 6 được cắt, thời gian thu hoạch kéo dài. Đặc điểm này rất thuận lợi nhằm giúp bà con có thể tranh thủ cắt vào những ngày nắng. Các ruộng chọn nhân giống chờ tới tháng 11 để hạt già hơn.
Bà Nguyễn Thị Năm, thôn Dùm nói: "Nhà tôi trồng 1 mẫu kim tiền thảo. Năm ngoái, với giá từ 13-15 nghìn đồng/kg, trừ chi phí lãi 40 triệu đồng”. Cùng với bà Năm, chị Vũ Thị Hồng, anh Vũ Đức Chính… cũng có thu nhập từ 30- 40 triệu đồng sau mỗi vụ.
Nhận thấy mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2006, xã đã mời cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn bà con học cách chăm sóc cây trồng, giờ đây cả xã đã hình thành vùng chuyên canh cây dược liệu đồng thời là nơi cung ứng giống cho toàn tỉnh. Nhiều Công ty dược phẩm ở Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội, Thái Nguyên… đến thu mua. Từ khi chuyển sang trồng kim tiền thảo, bộ mặt nông thôn ở Nghĩa Phương được đổi mới, đời sống nông dân tăng lên đáng kể.
Có thể bạn quan tâm

Tại Việt Nam, giống cây thanh long khá đa dạng: Ruột trắng vỏ đỏ, ruột trắng vỏ vàng, ruột đỏ vỏ đỏ, ruột tím hồng vỏ đỏ. Trong đó các giống có ruột màu có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao hơn ruột trắng. Qua quá trình sản xuất, nhiều nhà vườn có kinh nghiệm đã lựa chọn, sử dụng phân bón Văn Điển bón cho cây thanh long phù hợp với các giai đoạn sinh trưởng và phát triển.

Sinh ra trong gia đình thuần nông, chị Trương Thị Miền, tổ 9, thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang (Gia Lai) từng nghĩ làm nghề nông may lắm cũng chỉ đủ ăn… Nhưng nay chị đã trở thành tỷ phú từ cái nghề mà chị từng coi là khó nhọc và vô vọng…

Vườn nhãn ghép của ông Xê đã được 3 năm, phát triển xanh tốt, tỷ lệ 99% kháng được bệnh chổi rồng. Ông Xê cũng đã thử nghiệm xử lý cho 10 cây ra trái, kết quả đậu sai, trái lớn, hạt nhỏ, cơm dày và rất thơm ngon.

Cứ khoảng giữa mùa mưa (từ hạ tuần tháng 6 âm lịch) hàng năm, người dân vùng Bảy Núi của tỉnh An Giang lại bắt đầu làm đặc sản khô nhái.

Sở NNPTNT tỉnh Lào Cai vừa phối hợp Công ty CP Giống cây trồng Miền Nam (SSC), Công ty Dekalb Việt Nam, tổ chức Hội nghị “Đánh giá kết quả triển khai thí điểm mô hình liên kết sản xuất ngô lai thương phẩm DK6919 và DK8868 vụ xuân hè 2015” trên địa bàn tỉnh.