Nuôi Thành Công Cá Lăng Chấm Ở Ao Đất Ở Quảng Bình
Cá lăng chấm được xem là loài cá có giá trị kinh tế cao và là đặc sản nước ngọt hàng đầu ở miền Bắc. Loài cá quý hiếm hoang dã này vốn chỉ sống ở hệ thống sông Hồng nay đã được nuôi thử nghiệm thành công ở Quảng Bình.
Cá lăng chấm được nuôi thành công ở ao đất không chỉ mở ra một hướng làm giàu mới cho các hộ nuôi trồng thủy sản ở Quảng Bình mà còn góp phần bảo tồn giống cá lăng chấm quý hiếm hoang dã đang dần cạn kiệt, cần đuợc bảo vệ.
Cá lăng chấm rất giàu chất dinh dưỡng, thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng nên giá thành rất cao. Năm 5/2011, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình đã triển khai mô hình nuôi thử nghiệm cá lăng chấm thương phẩm trong ao nuôi.
Trang trại ông Bùi Viết Phương ở thị trấn Nông trường Việt trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình là đơn vị được chọn làm điểm để triển khai mô hình nuôi mới này với quy mô 2.200 m2. Sau khi nhập mua con giống tại Trung tâm quốc gia thủy sản nuớc ngọt miền Bắc thuộc Viện Nguyên cứu Nuôi Trồng Thủy sản I tại tỉnh Hải Dương, cá lăng chấm được thả nuôi với số lượng 1.100 con.
Cá giống được thả nuôi với mật độ 0,5 con/m2. Trước và trong quá trình nuôi, cán bộ của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi và cùng với chủ trang trại nuôi theo dõi sát sao tình hình sinh trưởng và phát triển của cá lăng chấm.
Sau 17 tháng thả nuôi, cá sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống khoảng 80%, trong đó trên 60% số cá đạt trọng lượng khoảng 1,3 - 2 kg/con. Sản lượng cá lăng chấm nuôi trong ao khi thu hoạch ước đạt trên 900 kg với giá bán trung bình 200.000 đồng/kg, tổng doanh thu uớc đạt gần 200 triệu, trừ chi phí người nuôi cũng thu lãi gần 50 triệu đồng, cao hơn hẳn các đối tượng nuôi truyền thống.
Ông Bùi Viết Phương hồ hởi chia sẻ loài cá này sống chủ yếu ở hệ thống sông Hồng, tưởng về đây cá lăng chấm sẽ khó nuôi nhưng thực ra thì chúng lại thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên ở địa phương, đặc biệt chịu đựng rất tốt với môi trường lạnh, ít bị dịch bệnh, không tốn công chăm sóc. "Đỉnh điểm, chúng tôi bán được với giá từ 300.000 đến 350.000 đồng/kg. Sau khi bán xong vụ cá này, chúng tôi nhất định sẽ tiếp tục đầu tư nuôi tiếp," ông Phương cho biết thêm.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình, cá lăng chấm nuôi trong ao thích ứng tốt với điều kiện nuôi mới, ít dịch bệnh, tỷ lệ sống cao. So với quy trình kỹ thuật nuôi cá Lăng chấm của Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I (sau thời gian nuôi hai năm trọng lượng trung bình đạt 1 - 1,5 kg/con, năng suất đạt 4 - 5 tấn/ha, tốc độ sinh trưởng phát triển cá Lăng chấm của mô hình nuôi thử nghiệm ở trang trại ông Bùi Viết Phương là rất tốt.
Cũng theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình, vì nguồn giống cá lăng chấm phải mua ở Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nuớc ngọt miền Bắc tỉnh Hải Dương nên chi phí vận chuyển cao và thiếu chủ động. Thời gian nuôi kéo dài (từ hai năm trở lên), chi phí đầu tư cao nên hiện nay chỉ có thể thực hiện ở các trang trại, các công ty thủy sản có tiềm lực.
Tuy là đối tượng mới, thị trường chưa quen sử dụng nhưng cá lăng chấm lại có giá trị dinh dưỡng cao và mang lại nhiều lợi ích cho người nuôi, cung cấp sản phẩm chất lượng cao cho người tiêu dùng. Vì thế, Trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện mô hình để có điều kiện tuyển chọn đàn cá hậu bị phục vụ nghiên cứu sản xuất giống; tiến tới hoàn thiện quy trình nuôi cá lăng chấm trong ao đất.
Đồng thời, Trung tâm tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ dân có nhu cầu học hỏi nuôi lăng chấm thương phẩm trong ao đất. Trong tương lai, Trung tâm sẽ thực hiện thêm các loại hình nuôi khác như nuôi lồng, nuôi trên ao cát nhằm tận dụng tiềm năng sẵn có của địa phương.
Việc nuôi thử nghiệm thành công cá lăng chấm thương phẩm trong ao đất đã không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đa dạng hình thức nuôi, mở hướng đi mới cho nghề nuôi cá nước ngọt ở Quảng Bình mà còn góp phần bảo tồn giống cá quý hiếm hoang dã.
Có thể bạn quan tâm
Vùng duyên hải miền Trung có nhiều lợi thế để phát triển thủy sản. Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, Chính phủ xác định vùng này sẽ trở thành trung tâm nghề cá lớn của cả nước, gắn với các ngư trường trọng điểm. Điều này đặt ra yêu cầu cần có những định hướng và giải pháp xúc tiến thu hút đầu tư đúng đắn để tận dụng các lợi thế vốn có của từng địa phương trên cơ sở cân bằng lợi ích tổng thể của vùng nhằm nâng cao giá trị ngành thủy sản.
Sau chuyến biển hơn 1 tháng 15 ngày, các thuyền đã kịp cập bờ, mang theo hàng trăm con cá ngừ đại dương, mỗi con có trọng lượng hơn nửa tạ để ăn Tết muộn. Cảng cá Đại Lãnh (Vạn Ninh, Khánh Hòa), Phường 6, Đông Tác (TP Tuy Hòa, Phú Yên)… ngư dân vui sướng khi hầu hết các thuyền được mùa, được giá. Hiện tại, cá ngừ được thu mua 130.000-145.000 đồng/kg, so với cách đây 2 tháng tăng 15.000 đồng/kg.
Quả thật, khoảng chục năm trở lại đây, những phiên chợ sát ngày Tết bên cạnh những quầy bán gà, thịt lợn thì mặt hàng thủy sản cũng được khá nhiều người ưu tiên lựa chọn để đổi món trong những bữa ăn ngày Tết. Những hàng cá ngon, mỗi con to từ 3 đến 6kg với các loại trắm đen, trắm cỏ, trôi… luôn đắt khách.
Do đang nghỉ Tết, nên ít tư thương thu mua chình giống và do chình giống khai thác được còn đang ở giai đoạn chình trắng nên giá chình bán được chưa cao, chỉ 1.400 đồng/con. Tuy nhiên, nhờ lượng chình khai thác được khá lớn, bình quân mỗi đêm một người có thể khai thác được từ 75 - 125 con chình giống, đem lại thu nhập từ 200 - 300 nghìn đồng.
Năm 2014, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh Cà Mau đạt 480.000 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, có 170.000 tấn tôm, vượt 10% kế hoạch. Có được kết quả trên là do tỉnh Cà Mau từng bước thực hiện chương trình quy hoạch phát triển nuôi tôm công nghiệp đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, làm cho sản lượng thủy sản cũng từ đó tăng cao.