Chứng Nhận Nhóm Hướng Đi Mới Cho Hộ Nuôi Nhỏ Lẻ
Chứng nhận nhóm mở ra hướng đi mới cho các hộ nuôi thủy sản nhỏ đạt được các tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế. Tuy nhiên, để áp dụng và mở rộng mô hình đòi hỏi phải thực hiện rất nhiều công việc và vượt qua không ít thách thức.
Chứng nhận nhóm – Hướng đi mới cho hộ nuôi nhỏ
Trong những năm gần đây, phong trào nuôi và chế biến XK cá tra tại Trà Vinh phát triển khá nhanh, được xác định là ngành hàng XK quan trọng của tỉnh với nhiều chuyển biến tích cực. Từ diện tích nuôi chỉ vỏn vẹn vài hecta vào năm 2007 đến nay toàn tỉnh đã có trên 110 hộ dân và 7 doanh nghiệp tham gia ngành hàng với diện tích nuôi hơn 120 ha mặt nước, sản lượng trung bình hàng năm đạt từ 25.000 đến 30.000 tấn.
Mặt dù đã đạt được những thành tích nhất định, nhưng theo nhận định ngành hàng cá tra của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế hiện có khi chỉ chiếm 1,6% diện tích và 1,3% sản lượng cá tra của toàn vùng ĐBSCL.
Bên cạnh những vùng nuôi do doanh nghiệp chế biến đầu tư, còn lại các hộ nuôi cá tra tại Trà Vinh đều có qui mô nhỏ, phát triển tự phát theo dạng kinh tế hộ gia đình, trình độ nuôi còn hạn chế và hầu hết đều chưa áp dụng các tiêu chuẩn nuôi trồng bền vững như Global GAP, Viet GAP, ASC/BAP…
Chính vì thế, trong xu thế thị trường luôn đòi hỏi sản phẩm cá nuôi phải có khả năng truy xuất nguồn gốc, đảm bảo thực hiện phát triển bền vững về môi trường, xã hội và an toàn thực phẩm… thì đây là những trở ngại rất lớn để con cá tra Trà Vinh hội nhập vào thị trường thế giới và người dân nuôi cá của tỉnh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trong việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm.
Để vượt qua rào cản này, ngay từ đầu năm 2011 UBND tỉnh Trà Vinh đã giao cho Hội Thủy sản tỉnh tiến hành triển khai thực hiện chương trình Chuỗi cung ứng cá tra bền vững. Đây là chương trình được triển khai thực hiện ở 3 tỉnh ĐBSCL gồm Tiền Giang, Đồng Tháp và Trà Vinh, do Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên hoang dã Thế giới (WWF), Sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan (IDH), Tổ chức GlobalGAP ở châu Âu, Công ty Anova Seafood Hà Lan tài trợvới mục tiêu chủ yếu là hỗ trợ hộ nuôi nhỏ tiếp cận và tiến tới đạt được chứng nhận nuôi trồng thủy sản bền vững với những gói công việc chủ yếu như triển khai thực hiện các hoạt động giúp hộ nuôi tiếp cận với các tiêu chuẩn, đăng ký tham gia chương trình, phân tích thiếu hụt và lập kế hoạch tiến hành nâng cấp cho từng hộ nuôi, tập huấn, hướng dẫn hộ nuôi ghi chép sổ sách, cập nhật thông tin, đánh giá thử, đánh giá chính thức….
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, sáng ngày 8/8/2014, Hội Thủy sản Trà Vinh đã tổ chức hội nghị tổng kết chương trình và trao Giấy chứng nhận GlobalGAP cho nhóm hộ nuôi cá tra. Phát biểu tại buổi lễ, Ông Trương Thế Vân – Phó Chủ tịch Hội Thủy sản tỉnh cho biết “Ban đầu với 33 hộ nuôi được chọn tham gia chương trình, trải qua nhiều khó khăn đến khi dự án kết thúc chỉ có 4 hộ nuôi đạt được chứng nhận với tổng diện tích chỉ hơn 1 ha nhưng đây là nhóm những hộ nuôi cá tra quy mô nhỏ đầu tiên ở Việt Nam và trên thế giới đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, mở ra hướng đi mới, bền vững cho những hộ nuôi nhỏ”.
Thật vậy, chương trình đã góp phần giải quyết các vấn đề về kinh tế và môi trường mà ngành cá tra ĐBSCL đang gặp phải, nhất là đã mở ra một hướng đi mới, tháo gỡ khó khăn cấp thiết mà những hộ nuôi nhỏ lẻ đang đối mặt. Đó là việc áp dụng những tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản quốc tế.
Trong bối cảnh đặc thù sản xuất với qui mô nhỏ, nguồn lực tài chính vô cùng hạn hẹp thì chứng nhận nhóm được xem như là một mô hình mới, một giải pháp hữu hiệu giúp hộ nuôi nhỏ tiến tới thực hiện nuôi trồng thủy sản bền vững, đạt các chứng nhận nuôi trồng thủy sản quốc tế.
“Trước đây, tôi chưa từng nghĩ là con cá mình nuôi có thể đạt được tiêu chuẩn này vì chi phí đánh giá chứng nhận quá cao, vượt quá khả năng. Chương trình đã mang đến niềm vui, một hướng đi mới, niềm hy vọng lớn đối với nông dân sản xuất nhỏ lẻ như chúng tôi.
Khi đạt được chứng nhận này, thị trường đầu ra sẽ được đảm bảo hơn, con cá tra do chúng tôi làm ra có “trọng lượng” hơn, có tiếng nói hơn đối với doanh nghiệp thu mua và người tiêu dùng” ông Giảng Văn Bảy, một trong 4 hộ nuôi đạt chứng nhận phấn khởi cho biết.
Tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình chứng nhận nhóm
Mặc dù các kết quả bước đầu đạt được là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên để niềm vui của hộ dân nuôi cá qui mô nhỏ có thể duy trì mô hình và tiếp đó là có cơ hội phát triển ổn định, bền vững về lâu dài, còn rất nhiều việc phải thực hiện trong thời gian tới.
“Qua gần 4 năm thực hiện dự án, kết quả đạt được đã chứng minh rằng những hộ nuôi nhỏ lẻ hoàn toàn có thế nhóm lại với nhau và đạt được các chứng nhận quốc tế” Ông Nguyễn Thanh Linh – Điều phối chương trình khẳng định đồng thời chia sẻ kinh nghiệm “Muốn dự án đi đến thành công phải thúc đẩy mô hình hợp tác công tư và đặc biệt hơn hết là nhân rộng tinh thần quản lý nhóm.
Tuy nhiên, đây chưa phải là điểm kết thúc của dự án mà cần phải tiếp tục duy trì chứng nhận, nhân rộng mô hình và thúc đẩy mối gắn kết giữa nhà máy đông lanh, cơ sở thu mua trực tiếp từ hộ nuôi”.
Nhất trí với quan điểm như trên, ông Trương Thế Vân đề nghị “Theo qui định, mỗi chứng nhận của tổ chức GlobalGAP chỉ có giá trị trong một năm, do đó người nuôi chỉ thực hiện được một vụ nuôi, sau đó phải tái chứng nhận trong khi chi phí đánh giá chứng nhận khá cao.
Do đó, tôi đề nghị tổ chức GlobalGAP cần nghiên cứu cho phép giấy chứng nhận có giá trị trong 2 năm. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ một phần (50%) cho tái chứng nhận đối với các tổ hợp tác là các hộ nuôi cá tra qui mô nhỏ”.
Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi trong việc nhận rộng mô hình, các đơn vị, tổ chức có liên quan cần tạo mọi điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự hình thành và phát triển các tổ hợp tác sản xuất với qui mô lớn hơn, thu nạp thêm các thành viên mới, ưu tiên các hộ nuôi đã đăng ký tham gia chương trình, được đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nhưng chưa tham gia chứng nhận.
Ngoài ra, đối với các tổ hợp tác hiện tại cần phải có chế độ sinh hoạt thường kỳ cho các tổ viên nhằm duy trì và tuân thủ tiêu chuẩn GlobalGAP, không ngừng củng cố và nâng cao chất lượng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tái chứng nhận hoặc nâng cấp chứng nhận trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi lễ tổng kết chương trình, ông Phạm Minh Truyền – PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh ghi nhận sự nỗ lực của các bên có liên quan trong quá trình thực hiện dự án và đánh giá cao các kết quả đạt được như là một tiền đề quan trọng mở ra hướng đi mới cho các hộ nuôi nhỏ lẻ đạt được các tiêu chuẩn quốc tế đồng thời khẳng định “Lãnh đạo Sở NN&PTNT, các đơn vị có liên quan sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình chứng nhận nhóm cho các hộ nuôi nhỏ, thành lập các tổ hợp tác mới, phối hợp tìm thị trường tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm”.
Đó là những việc làm rất cần thiết, tuy nhiên một yếu tố quan trọng và có tính quyết định mà các hộ nuôi cá cần phải quan tâm là cán cân cung cầu trên thị trường nguyên liệu trong nước và thị trường tiêu thụ sản phẩm quốc tế, cũng như giá cả thu mua cá nguyên liệu.
Theo ông Lư Văn Út Hiền, một trong những nông hộ tham gia chương trình, được đầu tư nâng cấp hạ tầng nhưng ông lại không tham gia chứng nhận vì giá cá xuống thấp và không tiếp tục đầu tư nuôi.
Ông cho rằng cho dù được hỗ trợ như thế nàomà giá cá tra sụt giảm nặng nề, giá bán không bù đáp nổi chi phí, thì hộ nuôi vẫn không an tâm sản xuất và mất dần niềm tin, thiện chí tham gia chương trình. Chỉ khi nào giải quyết được bài toán về giá thì mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Có thể bạn quan tâm
Những năm gần đây, phong trào chăn nuôi phát triển mạnh trên địa bàn xã Yên Trạch (Cao Lộc - Lạng Sơn). Đặc biệt, mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học đã mở ra cơ hội mới cho người dân, vừa đem lại lợi nhuận cao, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Đối với giống K95-156 đẻ nhánh khỏe, phát triển rất nhanh, lóng lớn và dài, chịu hạn tốt, năng suất trên 85 tấn/ha. Cả 2 giống mía trồng theo mô hình không tưới nước.
Nhờ nuôi ếch mà gia đình anh Lý Thường Tình cũng như nhiều hộ dân ở thôn Đức Long 2, xã An Nông (Triệu Sơn - Thanh Hóa) đã thoát nghèo, từng bước vươn lên khá - giàu.
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL: “Với diện tích sản xuất lúa giống năm 2013 của An Giang là 22.338 héc-ta, sản lượng lúa giống đưa ra thị trường cả nước 138.500 tấn, An Giang trở thành tỉnh đứng đầu về xã hội hóa giống lúa”.
Không ít người tò mò tìm đến xã Xuân Bảo (Cẩm Mỹ - Đồng Nai) để chiêm ngưỡng những cây bơ cho “trái vàng”. Bởi chỉ thu hoạch 2-3 cây bơ đã có thể mua được cả lượng vàng.