Chứng Nhận Gia Cầm An Toàn Phao Cứu Sinh Chăn Nuôi
Nhiều hộ chăn nuôi dù đã bảo vệ thành công đàn gia cầm trong dịch cúm, nhưng lại khó bảo vệ kinh tế của mình trước lượng cầu đang sụt giảm.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), dịch cúm gia cầm tái phát khiến hầu hết giá các sản phẩm gia cầm giảm mạnh. Nhiều gia đình ngừng sử dụng các sản phẩm từ gia cầm, người chăn nuôi không dám tái đàn, và còn phải chịu thêm sức ép về giá của tư thương.
Là một trong những hợp tác xã (HTX) chăn nuôi có tiếng tại miền Bắc, HTX Cổ Đông của ông Trần Văn Chiến tại Sơn Tây, Hà Nội cũng đang chịu cảnh như trên.
Ông Chiến cho biết: “Chi phí cho chăn nuôi cao khiến những người sản xuất như tôi gặp khó khăn, trong khi đó đầu ra hiện nay không dễ dàng gì. Trước dịch, giá gia cầm khoảng 30.000-32.000 đồng/kg, nhưng hiện nay chỉ còn 24.000-25.000 đồng/kg”.
Ông Chiến cũng cho biết, dù trên địa bàn của ông chưa xảy ra dịch cúm gia cầm, nhưng thông tin về dịch lại đẩy giá gia cầm xuống rất nhanh.
Dưới góc độ là người tiêu thụ gia cầm lớn, bà Nguyễn Thị Hiền, chủ một đại lý cung cấp gà đồi Yên Thế tại Hà Nội cũng chia sẻ: “Thị trường gia cầm hiện nay chẳng khác nào thời điểm dịch cúm gia cầm xảy ra vào năm 2003 và 2004. Cũng như 10 năm trước, khi thị trường ngưng trệ, người chăn nuôi là đối tượng tổn thương lớn nhất. Họ một mặt vừa lo đối phó với dịch bệnh lây lan, mặt khác phải tìm thương lái để bán hết đàn gia cầm. Trong hoàn cảnh này, tất nhiên phải chịu lỗ thê thảm...”.
Trong thời điểm này, người chăn nuôi vừa phải tiếp tục gồng mình trang trải các chi phí cho thức ăn, thuốc, vaccine phòng dịch, vừa phải nín thở chờ dịch qua. Nhưng không phải cứ “gồng mình”, “nín thở” là mọi việc sẽ như mong muốn.
Thực tế, rất nhiều hộ chăn nuôi đã gồng mình chống dịch, nhưng vẫn bị “trắng tay” vì sản phẩm gia cầm của họ nằm trong vùng dịch, dù không nhiễm bệnh đã xảy ra. Câu chuyện ở Thanh Hóa năm 2008 là một ví dụ.
Thời điểm năm 2008, tại Thanh Hoá xảy ra dịch tai xanh, đã có gần 10.000 tấn thịt lợn hơi bị chôn xuống đất để đảm bảo dập dịch. Thiệt hại lúc đó lên tới trên 300 tỉ đồng.
Thời điểm đó, cùng với Thanh Hoá, có tới 10 tỉnh thành khác cũng nằm trong diện có dịch tai xanh, nhưng tổng số thịt lợn tiêu huỷ cộng lại cũng không bằng tỉnh Thanh Hoá.
Mãi đến 1 năm sau mùa dịch đó, ngành Nông nghiệp của tỉnh mới lấy lại đà để khôi phục chăn nuôi được. Câu chuyện “dập dịch” của tỉnh Thanh Hoá giờ đã thành điển tích mỗi lần có dịch và nguy cơ ảnh hưởng đến toàn ngành Chăn nuôi cao.
Chấn chỉnh công tác chống dịch
Trở lại với tình hình dịch cúm gia cầm hiện nay, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Hiện nay trong vùng dịch vẫn có một khối lượng lớn sản phẩm gia cầm an toàn trong sản xuất, vì thế, người dân có thể yên tâm khi sử dụng. Thế giới vẫn chứng nhận sản phẩm xuất phát từ vùng an toàn dịch, hoặc cơ sở an toàn dịch vẫn được sử dụng bình thường.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cũng cho biết: Bộ NNPTNT cử các đoàn công tác của Bộ đi chấn chỉnh công tác chống dịch tại các địa phương tái phát dịch cúm gia cầm. Đồng thời chỉ đạo địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch để chủ động đối phó, kiểm soát gia cầm nhập lậu tại các tỉnh khu vực biên giới.
Đặc biệt, các địa phương cần chú trọng việc tiêu thụ gia cầm, đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học và tạo các kênh kết nối người sản xuất với thị trường để người tiêu dùng tiếp cận được sản phẩm đảm bảo an toàn và tránh việc thổi phồng thông tin dịch bệnh làm ảnh hưởng đến thị trường chăn nuôi.
Ông Tám nhấn mạnh: Gia cầm không mắc bệnh vẫn được cho phép tiêu thụ bình thường. Đối với các địa phương công bố dịch rồi, nhưng nếu những trang trại chăn nuôi an toàn vẫn cho vận chuyển bình thường.
Việc chứng nhận vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và sản phẩm gia cầm an toàn đã giao cho Cục Thú y triển khai. Đây có thể coi là giải pháp để người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng các sản phẩm gia cầm trong mùa dịch này.
Và đó cũng là chiếc phao cứu sinh cho những hộ chăn nuôi đang dần kiệt sức đôn đáo tìm đầu ra cho sản phẩm gia cầm của mình.
Có thể bạn quan tâm
Tiểu vùng khí hậu bán ôn đới là điều kiện lý tưởng cho người trồng rau ở Sa Pa phát triển những sản phẩm mang tính đặc trưng, đặc hữu, trong đó có su su. Su su Sa Pa là loại rau ngon có tiếng khắp cả nước.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết về lợi thế cũng như những thách thức của cây ăn trái Việt Nam trong xu thế hội nhập, nhất là tham gia TPP.
Hiện nay, một số vườn cây cao su và điều chưa khép tán được nông dân tận dụng đất để trồng xen các loại cây trồng khác. Những hộ ít đất sản xuất thường mượn hoặc thuê đất để trồng xen cây lương thực như đậu, bắp, lúa...
Nhờ trồng bưởi Diễn, gia đình anh Nguyễn Quang Huy ở bản Tràng Bắn, xã Đồng Vương, huyện Yên Thế (Bắc Giang) có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Xuất phát là huyện miền núi nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở hạ tầng thiếu thốn nên khi triển khai xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền huyện Thuận Châu đã dành những ưu tiên hàng đầu cho việc hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu.