Chuẩn bị rau củ sạch cho mùa tết
Bước vào nhà lồng rộng mênh mông với dưa lưới và dâu tây trồng theo mô hình công nghệ sạch của Công ty Sinh Học Sạch (TP Đà Lạt), nhiều tiểu thương các chợ đầu mối ở TP.HCM không khỏi bất ngờ và liên tục hỏi chủ nhà vườn: “Bây giờ đặt hàng để bán tết, hàng còn không?”.
Nhiều người đã tiếc nuối khi chủ trang trại này cho biết hàng đã được các đầu mối đặt mua hết từ 3-4 tháng trước.
Nguồn hàng dồi dào
Chị Thủy - chủ trang trại này - cho biết dâu tây và dưa lưới là những sản phẩm đầu tiên được chị thử nghiệm theo công nghệ sạch hữu cơ, treo trên giá thể, sử dụng công nghệ phun tưới của Hà Lan nên giá cả sản phẩm thường rất đắt, phải có đặt hàng, có đầu ra chắc chắn thì mới dám trồng.
Dự kiến giá của hai sản phẩm này ra thị trường tết không dưới 200.000 đồng/kg. Nhiều nhà vườn tại Đà Lạt cũng cho biết thường chuẩn bị hàng hóa cho mùa tết từ rất sớm.
“Từ tháng 9, chúng tôi đã nhận được dự báo tiêu thụ hàng hóa dịp tết của siêu thị để lên kế hoạch chuẩn bị” - ông Nguyễn Hồng Phong, chủ trang trại rau Phong Thúy (Đà Lạt) - chuyên cung ứng rau cho hệ thống Co.op Mart và BigC, nói.
Theo ông Phong, năm nay trang trại sẽ tăng sản lượng thêm hơn 20%, với khoảng 600 tấn rau như bắp cải, cà chua, hành tây, nhóm rau củ muối...
Đại diện Công ty rau Thảo Nguyên cũng cho biết sản lượng rau cho mùa tết mỗi năm thường tăng 25-30%, một phần do nhu cầu tăng nhưng chủ yếu là nhà vườn phải dự phòng sản lượng để đảm bảo giá không biến động nhiều.
Sau khi tiếp xúc với một số nhà vườn tại Đà Lạt, chị Trần Thị Triều - tiểu thương chợ đầu mối nông sản Thủ Đức - cho biết sẽ tìm thêm được nguồn cung mới.
“Bây giờ đi tìm mối hàng tết cũng hơi muộn, nhưng vẫn có nhà vườn cam kết cung ứng đủ số lượng một số sản phẩm cho thị trường tết với giá cả được đảm bảo sẽ không tăng” - chị Triều nói.
Nhiều đầu mối bán sỉ tại TP.HCM cho biết việc lên kế hoạch sớm rồi báo cho các nhà vườn thì vừa không lo về giá, vừa đảm bảo được nguồn cung lại không sợ thiếu hụt hàng.
Theo chủ đại lý hoa Long Thảo tại chợ Bến Thành (TP.HCM), riêng ngành hàng hoa sẽ không thể đảm bảo được số lượng bao tiêu cũng như giá cả cụ thể.
Tuy nhiên, sau mỗi mùa kinh doanh có thể dự báo được tình hình mùa tết năm tới, nên khoảng tháng 9-10 sẽ thông báo số lượng tiêu thụ, chủng loại hoa tết để các nhà vườn có kế hoạch gieo trồng.
“Như vậy, đến thời điểm nhập hàng sẽ không lo bị thiếu hụt hàng hóa và cũng không sợ giá sẽ nhảy múa nữa” - vị này cho biết.
Liên kết để ổn định nguồn cung và giá cả
Bà Nguyễn Thanh Hà, phó giám đốc Ban quản lý chợ đầu mối Thủ Đức, cho biết trong những chuyến khảo sát ở Đà Lạt, bà thấy rất xót xa trước cảnh nhà vườn bỏ hoang nông sản không thu hoạch do không tìm được đầu ra.
Do đó, việc tổ chức kết nối giữa các tiểu thương và nhà vườn không chỉ giúp tiểu thương có nguồn cung dồi dào với giá cả ổn định, mà nhà vườn cũng không còn sản xuất theo kiểu tù mù, được chăng hay chớ như trước.
“Chúng tôi luôn sẵn sàng tiếp đón hàng hóa, nông sản của các địa phương vào chợ có mức giá phù hợp và ổn định, nhưng nông dân cần phải có kế hoạch sản xuất và dự báo được thị trường, tránh thừa thãi hàng hóa” - bà Hà nói.
Nhiều nhà phân phối tại các chợ và siêu thị ở TP.HCM cũng cho rằng để hàng tết không bị dư thừa và giá cả bất ổn, cần có sự phối hợp từ nhiều phía, trong đó các nhà vườn cũng phải có kế hoạch sản xuất cụ thể trên cơ sở số lượng đặt hàng của nhà phân phối.
Ông Hoàng Ngọc Hải, phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, thừa nhận nếu muốn giá cả ổn định phải có thông tin hai chiều. Nông dân sản xuất theo số lượng dự báo của các nhà phân phối, chẳng hạn loại rau gì, sản lượng bao nhiêu...
Ngoài ra, bản thân các nhà vườn cũng phải liên kết để đảm bảo không cạnh tranh nhau theo kiểu mạnh ai nấy làm, dẫn đến thừa cung rớt giá.
Theo ông Hải, ngoài những nhà vườn đã có hợp đồng ký kết với doanh nghiệp bao tiêu ổn định, trên địa bàn vẫn còn một số nhà vườn sản xuất theo kiểu tự phát, thiếu thông tin thị trường và thiếu liên kết.
Do đó, trong thời gian tới Lâm Đồng sẽ tổ chức để nông dân liên kết với nhau, sản xuất một sản lượng nhất định cho một số sản phẩm căn cứ trên thông tin về tình hình tiêu thụ. Ngoài sự liên kết, cần phải xây dựng mối quan hệ tốt hơn giữa người nông dân và nơi tiêu thụ.
Bà Lê Ngọc Đào, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết Lâm Đồng là địa phương cung ứng chủ lực các loại rau củ, hoa cho thị trường thành phố vào các dịp tết, nên việc liên kết giữa tiểu thương với các nhà vườn là bước đi cần thiết.
“Khác với mọi năm, năm nay chúng tôi đưa tiểu thương trực tiếp đến các nhà vườn để kết nối, trên cơ sở đó hai bên có thể chủ động thông tin cho nhau về nhu cầu thị trường, khả năng sản xuất, giá cả…, đảm bảo nguồn cung và giá ổn định” - bà Đào nói.
Hơn 16.000 tỉ đồng hàng hóa phục vụ tết
Sở Công thương TP.HCM vừa công bố kế hoạch cung ứng hàng hóa Tết Bính Thân 2016.
Tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị đạt 16.208,2 tỉ đồng, tăng 462 tỉ so với cùng kỳ năm trước, trong đó nguồn cung từ các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá chiếm 30-40%, các doanh nghiệp khác chiếm 10-20%, còn lại là ba chợ đầu mối lớn của thành phố (Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn) sẽ cung cấp.
1.500 đợt khuyến mãi, giảm giá
Ngoài ra, các doanh nghiệp sẽ thực hiện hơn 1.500 đợt khuyến mãi, tập trung vào các mặt hàng tết, với tổng giá trị khoảng 800 tỉ đồng.
Các hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op, Satra, BigC... tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá 5-49% cho hàng ngàn mặt hàng phục vụ tết như nước giải khát, bánh kẹo, mứt... trong một tháng trước và sau tết 2016.
Đặc biệt, doanh nghiệp bình ổn thị trường cùng hệ thống phân phối có kế hoạch khuyến mãi, giảm giá sâu vào các ngày cận tết. Đơn cử, giá trứng gia cầm có thể giảm 1.000 - 2.000 đồng/chục vào hai ngày trước tết, thịt gia cầm giảm 10% vào ba ngày cận tết, thịt gia súc giảm 5-10% trước tết một tháng...
Các siêu thị cũng sẽ tăng thời gian bán hàng thời điểm cận tết. Cụ thể, từ ngày 20 đến 26 tháng chạp, siêu thị mở cửa từ 7g-23g, từ 26 đến 28 tết mở cửa từ 6g-24g. Ngày 29 tết mở cửa từ 6g-12g.
Có thể bạn quan tâm
Năm 1982, ông Thục từ chiến trường miền Nam trở về quê hương với thương tật ¼. Về quê, ông cùng với vợ con chăm chỉ làm ăn nhưng đói nghèo cứ bủa vây lấy gia đình ông. Năm 1988, ông “bén duyên” với nghề nuôi ong. Lúc đầu, ông nuôi thử 5 đàn ong.
Nhìn ông Tư Đắc khó ai biết được ông đã ở vào cái tuổi 70. Những bước chân thoăn thoắt bám theo đàn bò trên vùng đất gập gềnh sỏi đá của ông khiến chúng tôi đeo theo muốn bở hơi tai. 20 năm trước, ông Tư Đắc cùng hai người bạn từ phố thị Phan Rang rủ nhau lên đây thuê 120ha đất khai hoang.
Nhờ nuôi cá sấu, người nông dân tròm trèm 60 tuổi với nước da ngăm đen, giọng nói điềm đạm từng rướn mình chở khách trên khúc sông trước nhà, nay đã trở thành doanh nhân tỷ phú, đối tác mãi tận trời Tây .
48 tuổi đời, hơn 30 năm kinh nghiệm làm nông, anh Từ Đình Vang (thôn Cù Và, xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) đã có được cơ ngơi bạc tỷ.
Theo đó, Công ty Rijk Zwaan sẽ phối hợp với các hộ nông dân Đà Lạt hình thành một cơ sở trồng và nghiên cứu các loại giống rau Đà Lạt và giống ngoại nhập (khoảng 3 - 5ha), đồng thời sẽ lập một trang trại chuyên sản xuất hạt giống, đặc biệt là hạt giống rau, để cung cấp cho Việt Nam và xuất khẩu (khoảng 15 - 20ha).