Chưa Cứu Được Cá Tra, Nông Dân Đã Úp Ao!

Sáu tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng cá tra đạt gần 860 triệu USD, chỉ tăng 0,53% so cùng kỳ năm trước, trong đó, ở thị trường lớn EU lại tiếp tục giảm 15,6% so cùng kỳ. Theo đánh giá của bộ Công thương, nhu cầu thị trường EU sụt giảm khiến nhiều doanh nghiệp tập trung khai thác thị trường Mỹ, làm phát triển thêm thị phần ở Mỹ từ 17,2% tăng lên 20,6% trong năm 2012.
Ông Nguyễn Văn Kịch, tổng giám đốc Cafatex (Hậu Giang) nhìn nhận: “Áp lực phải trả nợ nguồn vốn vay ngắn hạn là một yếu tố khiến nhiều doanh nghiệp phải bán tháo sản phẩm với giá rẻ; hoặc không ít doanh nghiệp phải bán được hàng bằng mọi giá để sớm thu hồi vốn, quay vòng đầu tư cho các mục tiêu khác, trong đó có việc tự chủ vùng nguyên liệu”. Còn ông Trần Văn Hùng, giám đốc công ty TNHH Hùng Cá (Đồng Tháp) cho biết: “Có doanh nghiệp còn cạnh tranh giá bán bằng cách giảm chất lượng hàng hoá thông qua kỹ thuật chế biến”.
Với một cách nhìn khác, bà Trương Thị Lệ Khanh, tổng giám đốc công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) cho rằng, khủng hoảng thừa nguyên liệu cá tra cũng là một yếu tố làm phát sinh nhiều vấn đề khác trên thương trường. Theo bà Khanh, khủng hoảng thừa là do chưa tổ chức chặt chẽ hoạt động của ngành cá tra một cách toàn diện và khoa học, cả từ hoạt động nuôi trồng đến chế biến xuất khẩu.
Quyết định bán hàng cá tra giá rẻ do cạnh tranh sản lượng bán, mức thuế chống phá giá phải chịu… của các doanh nghiệp xuất khẩu đã làm vơi lợi nhuận của họ. Chính sự cân đối chi phí để bù đắp những mất mát này đã làm cho giá thu mua cá tra nguyên liệu trong nước ngày càng giảm thấp. Bởi theo ông Nguyễn Ngọc Hải, chủ nhiệm hợp tác xã thuỷ sản Thới An (quận Ô Môn – Cần Thơ), “cuối cùng, không ai khác mà chính nông dân nuôi cá phải gồng lưng, gánh chịu tất cả các chi phí, để doanh nghiệp đưa sản phẩm vượt qua các rào cản trong xuất khẩu cá tra”.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, chủ nhiệm hợp tác xã thuỷ sản Châu Phú (huyện Châu Phú – An Giang) cho biết: “Hồ sơ vay nuôi cá tra ngân hàng không từ chối, nhưng cứ nhận để đó rồi hẹn lần hẹn lựa. Mình cần tiền thì phải tìm cách khác chứ đâu thể đánh đu với ngân hàng”. Tuy nhiên, không phải ai cũng “tìm được cách khác để tồn tại!
Ông Lê Chí Bình, phó chủ tịch hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thuỷ sản An Giang (AFA) cho biết: “Lỗ lã, thiếu vốn, nên hơn 30% hộ nuôi cá tra ở An Giang đã bỏ nghề, số còn lại cũng đã giảm dần quy mô nuôi”. Cụ thể như: ông Võ Kế Nghiệp, nông dân huyện Châu Phú, người từng đầu tư nuôi sản lượng gần 2.000 tấn cá tra/năm, nhưng năm nay, quy mô nuôi đã giảm 70%; ông Cao Lương Tri ở Long Xuyên từ quy mô nuôi khoảng 2.000 tấn cá tra/năm, năm nay giảm phân nửa và dự kiến bỏ nghề sau đợt thu hoạch cá tới đây...
Tương tự, ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) cá tra từng là thế mạnh hàng đầu của huyện; tuy nhiên mấy năm nay, không ít người nuôi cá tra như ông Nguyễn Văn Mách ở xã Tân Thành phải ôm nợ khi phải bán cá với giá thấp hơn giá thành. Ông Mách cho biết: “Tui bán được gần 200 tấn cá tra với giá 20.000 đồng/kg, lỗ gần 600 triệu đồng”. Hiện tượng treo ao cũng đang diễn ra phổ biến ở tỉnh An Giang.
Theo ông Nguyên, hầu hết các nguồn vốn đều treo lơ lửng ngay trước mắt, nhưng tất cả đều là một sự thách đố đối với nông dân do “tay” họ quá ngắn, bởi bị trói buộc bằng nhiều thủ tục, từ ngữ chuyên ngành...
Có thể bạn quan tâm

Nói đến mô hình chuyển đổi đất trồng mía sang trồng cây chanh ở huyện Bến Lức (Long An), phải kể đến anh Phạm Văn Nhuận ở ấp 3, xã Thạnh Hòa là người đi đầu trồng chanh ở huyện với 3,5 ha, thu hơn 1,5 tỷ đồng.

Nông dân Cà Mau đang đối mặt với vụ nuôi tôm công nghiệp (NTCN) không thành công bởi dịch bệnh đốm trắng và gan tụy cấp tiếp tục hoành hành. Chính vì thế, việc tìm giải pháp căn cơ để gỡ khó cho ngành kinh tế mũi nhọn này là việc làm cấp bách.

Nhằm khai thác thế mạnh vùng nước ngọt để phát triển nuôi thủy sản, tỉnh Long An quy hoạch đến năm 2020 chuyển 10.000 ha đất trồng lúa 2 vụ sang nuôi trồng thủy sản, để cân đối lại diện tích sản xuất lúa trong tỉnh.

Vụ tôm xuân hè năm 2013, gia đình anh Lê Phú Tâm, thôn Xuân Phụ, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa - Thanh Hóa), thu hoạch tôm he chân trắng đạt năng suất 15 tấn/ha.

Được mệnh danh là “vua ong” ở Tuyên Quang, sở hữu trong tay gần 1.500 đàn ong mật, mỗi năm cho thu nhập trên dưới 1,3 tỷ đồng, mô hình nuôi ong lấy mật của anh Trần Xuân Phong ở thôn Phúc Lộc A, xã An Khang, thành phố Tuyên Quang đã và đang trở thành địa điểm tham quan, học tập tin cậy cho nhiều hộ trong và ngoài tỉnh trên con đường thoát nghèo bền vững.