Chủ Động Ương Cá Tra Giống An Toàn Sinh Học Ở Cai Lậy (Tiền Giang)

Huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đang thí điểm ương cá tra giống theo hướng an toàn sinh học, nhằm cải thiện chất lượng con giống đáp ứng nhu cầu nuôi cá tra xuất khẩu. Toàn huyện có 350 ha ương cá giống, trong đó diện tích ương cá tra giống chiếm khoảng 30%, chủ yếu ở xã Thạnh Lộc, Mỹ Thành Bắc và Tân Hội.
Vụ hè thu chính vụ năm 2012, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Tiền Giang và Trạm Khuyến nông - khuyến ngư huyện Cai Lậy về kỹ thuật, kinh phí tổ chức, mô hình ương cá tra giống an toàn sinh học lần đầu tiên được thực hiện trình diễn trên diện tích 400 m2 mặt nước của anh Nguyễn Văn Nguyện ở ấp Tân Hiệp, xã Tân Hội. Anh Nguyện cho biết, gần 10 năm ương cá giống, trong đó có 5 năm ương cá tra, mặc dù tỉ lệ ương đạt cao nhưng do chất lượng con giống kém thương lái ép giá, lợi nhuận thấp. Tham gia mô hình ương cá an toàn sinh học, anh được cán bộ Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư huyện hướng dẫn kỹ thuật, thường xuyên theo dõi, kiểm tra nguồn nước, chuyển giao qui trình ương cá sinh học và được hỗ trợ 80% chi phí thuốc thú y thủy sản, anh an tâm sản xuất không còn lo ngại đầu ra con giống bị ép giá.
Tham gia mô hình này người nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt các qui định về sử dụng thuốc, thức ăn thủy sản, men vi sinh theo đúng qui trình an toàn sinh học, hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh, tăng cường sử dụng các loại thuốc thú y vi sinh, đảm bảo chất lượng cá giống đồng thời bảo vệ môi trường. Hiện mô hình này, bước đầu được anh Nguyện thực hiện đạt kết quả khả quan, sản lượng thu hoạch đạt 3 tấn, cao hơn từ 8 - 10% so với cách sản xuất truyền thống trước đây, tỉ lệ hao hụt giảm, trọng lượng cá đồng đều, đặc biệt bán giá cao hơn thị trường, giá thành sản xuất giảm hơn 10% so với sản xuất theo truyền thống.
Kỹ sư Đặng Tấn Bá, Phó Trưởng Trạm Khuyến nông - khuyến ngư huyện Cai Lậy cho biết: Đây là mô hình ương cá tra giống theo hướng an toàn sinh học đầu tiên được thí điểm ở xã Tân Hội, hàng tháng trạm phân công cán bộ kỹ thuật đến ao nuôi kiểm tra môi trường nước theo định kỳ, khẩu phần ăn không để ô nhiễm nguồn nước và dư lượng thuốc thú y, bước đầu đạt được kết quả khả quan. Thời gian tới huyện chú trọng chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn nông dân liên kết sản xuất cá tra giống theo hướng an toàn sinh học, có như vậy nghề ương cá tra giống mới thật sự phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Bò lai chiếm ưu thế so với bò cỏ cả về trọng lượng lẫn chất lượng thịt. Nhờ hiệu quả kinh tế cao nên đàn bò lai tăng nhanh, nhiều gia đình chỉ nuôi từ 1-2 con vài năm trước, giờ đã tăng đàn bò lên gần chục con. Hiện tổng đàn bò toàn tỉnh Bình Định gần 247 ngàn con, trong đó có khoảng 169 ngàn con bò lai, chiếm 68,7% tổng đàn.

Để thúc đẩy phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm theo quy mô lớn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ tăng cường phát triển các Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi nhằm nâng cao ý thức của người dân từ khâu tổ chức sản xuất, quản lý trang trại đến bao tiêu sản phẩm.

Với giá trị kinh tế cao, hiện chưa có dấu hiệu dịch bệnh, sá sùng đang được xem là đối tượng nuôi mới, phù hợp ở vùng ven biển Khánh Hòa.

Khoảng vài năm trở lại đây, người dân ở đây đầu tư nuôi bò, có hộ vài con, có hộ lên tới hàng chục con.

Trong khi các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra đang mở rộng chuỗi sản xuất bằng cách mở rộng sang lĩnh vực nuôi trồng với nhiều lợi thế từ vốn, kỹ thuật, số nông hộ nuôi cá tra đang ngày trở nên yếu thế, hoặc bỏ nghề hoặc làm thuê cho doanh nghiệp.