Chủ động trồng cỏ làm nguồn thức ăn cho gia súc

Anh Dương Đăng Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn, cho biết: Hiện nay, tổng đàn gia súc có sừng trên địa bàn huyện có trên 31.510 con, trong đó đàn trâu bò trên 13.400 con, đàn dê cừu 18.800 con.
Nhằm bảo vệ đàn gia súc trong thời gian hạn hán gay gắt, huyện đã vận động những hộ chăn nuôi di chuyển gia súc về vùng chủ động nguồn nước và tích cực trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc. Từ đầu mùa hạn đến nay, nông dân huyện Ninh Sơn đã trồng được 184,9ha cỏ, chủ yếu chuyển đổi từ những vùng đất không chủ động nguồn nước tưới sang trồng cỏ nên đã cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu thức ăn và duy trì được đàn gia súc trong mùa nắng hạn.
Đơn cử như xã Nhơn Sơn có tổng đàn gia súc có sừng 11.282 con, xã đã tích cực vận động, khuyến khích những hộ chăn nuôi chủ động trồng cỏ, nên trong mùa hạn này đã trồng được 59ha cỏ. Trồng nhiều nhất là cỏ voi, vì loại cỏ này dễ trồng, lại chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, cách làm này hiệu quả nên ngày càng được nhiều hộ chăn nuôi áp dụng.
Chị Nguyễn Thị Huệ, thôn Tân Mỹ, xã Mỹ Sơn, cho biết: Xác định chỉ có việc trồng cỏ mới có đủ thức ăn cho đàn bò, gia đình quyết định chuyển 2 sào đất trồng hoa màu sang trồng cỏ voi, nên không còn lo thiếu cỏ như trước nữa, 6 con bò cái của gia đình phát triển tốt.
Huyện Ninh Sơn cũng đang tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc. Theo kế hoạch tiêm phòng gia súc năm 2015, huyện đã triển khai tiêm 4.808 liều lở mồm long móng đàn trâu, bò.
Anh Dương Đăng Minh, cho biết thêm: Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, mưa sẽ xuất hiện ở tỉnh ta bắt đầu vào tháng 9. Trên cơ sở đó, để tiếp tục đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc trong thời gian tới, huyện tiếp tục khuyến khích, vận động bà con trồng cỏ trên những vùng đất trống, gò đồi và chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Có như vậy, mới bảo đảm duy trì đàn gia súc trong tình hình khô hạn còn diễn biến phức tạp”.
Related news

Nghiên cứu trên được đăng trên Tạp chí Môi trường và Quốc tế cho thấy, đồng là một khoáng chất cần thiết cho sự sống, tuy nhiên, nếu hàm lượng cao trong cơ thể sống, nó sẽ gây hại. Khi các nhà máy, khu công nghiệp thải các chất trên ra đất, nguồn nước với hàm lượng cao chất này sẽ tạo ra sự nguy hại nghiêm trọng tới cây trồng và hệ sinh thái dưới nước

Huệ đỏ là cây thân giả (giống hành tây). Lá hình giải hẹp, thuôn nhọn, mọc đối nhau thành hai hàng xanh đậm. Cọng hoa tròn to, mọc lên từ nách lá có thể cao đến 20-30cm. Thường mỗi cành hoa có 4 nụ, từ khi nở đến khi tàn khoảng 5-10 ngày, lúc đầu nở 2 hoa vài ngày sau nở tiếp hai hoa còn lại.

Tình trạng phá giá lẫn nhau,chất lượng sản phẩm của một số doanh nghiệp không đồng nhất ở lĩnh vực xuất khẩu cá tra trong hơn 10 năm qua đã dẫn đến hệ lụy khôn lường. Nhiều hộ nuôi cá treo ao, doanh nghiệp chế biến thua lỗ hoặc sản xuất cầm chừng.

Virus gây bệnh đốm trắng (WSSV) thuộc họ Nimaviridae, có cấu trúc virion có dạng hình trụ đến elip hoặc hình trứng, rộng khoảng 121±9nm, dài khoảng 276±26nm, có vỏ bọc, không có thể vùi. Bộ gen của virus này là DNA sợi đôi với kích thước khoảng 305 kb. Đây là loại virus gây chết tôm nhiều, nhanh nhất và có khả năng lây nhiễm cao. Khi thâm nhập vào cơ thể tôm, loại virus này cư trú ở nhiều bộ phận như mô nội bì, mô dạ dày, mang, buồng trứng (hay tinh hoàn), hệ thống thần kinh, mắt, chân bơi… Khi nhiễm bệnh, tôm có màu đỏ hồng, đốm trắng ở vỏ giáp đầu ngực, tỷ lệ tôm bị chết khi nhiễm bệnh lên đến 80-100%.

Trong những tháng qua, ở Ninh Thuận, “sự cố” tôm nuôi chết hàng loạt đã làm các vùng nuôi tôm Đầm Nại (Ninh Hải), An Hải (Ninh Phước), Phước Dinh (Thuận Nam) trở nên ảm đạm thấy rõ. Thạc sĩ Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản (NTTS) tỉnh cho biết: “Bệnh lạ từng được nói tới vài tháng trước giờ đã được các nhà khoa học định danh là hội chứng tôm chết sớm bởi bệnh hoại tử gan tụy, có điều chưa tìm ra tác nhân”.