Chủ Động Phòng, Chống Dịch Bệnh Trong Nuôi Trồng Thuỷ Sản
Là địa phương có nhiều lợi thế trong nghề nuôi trồng thuỷ sản, những năm qua sản lượng nuôi trồng thuỷ sản tại Quảng Ninh liên tục tăng. Tuy nhiên, vấn đề phòng, chống dịch bệnh đang là vấn đề cấp thiết đặt ra đối với nghề nuôi thuỷ sản.
Nghề nuôi tu hài ở Vân Đồn vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, năm 2014, tổng sản lượng thuỷ sản đạt trên 94.000 tấn, chiếm gần 50% giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp. Diện tích nuôi toàn tỉnh đạt 20.100ha. Sản lượng thuỷ sản nuôi đạt 39.266 tấn, tăng 8,9% so với cùng kỳ. Trên địa bàn tỉnh hiện có 17 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản, sản xuất, cung ứng ra thị trường 885 triệu con giống các loại. Tuy nhiên, sản lượng giống mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% tổng nhu cầu giống nuôi trên địa bàn.
Ông Thiều Văn Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: Năm 2014, dịch bệnh thuỷ sản xuất hiện ở hầu hết các đối tượng chủ lực tại các vùng nuôi tập trung của tỉnh, gây thiệt hại lớn cho người dân.
Trong đó, dịch đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi gây chết 448,15/611ha tôm sú, tôm chân trắng nuôi của 204 hộ dân tại 2 xã Hải Lạng và Đông Ngũ (Tiên Yên); 100,3ha tôm sú của 3 hộ dân tại Hà An (Quảng Yên); 2,7ha tôm chân trắng nuôi của 3 hộ dân tại Yên Thanh (Uông Bí) và gần 4ha tại các địa phương Hải Hoà, Bình Ngọc, Vạn Ninh (Móng Cái)… Cùng với đó, dịch bệnh trên cá nuôi gây chết cá rải rác hàng chục ô lồng nuôi tại Vân Đồn, Cẩm Phả.
Dịch bệnh tiếp tục gây chết tu hài nuôi tại Vân Đồn trong các tháng 2, 3 kéo dài đến tháng 8, 9-2014. Nguyên nhân ban đầu được đánh giá là do ký sinh trùng Perkinsus, vi khuẩn Pseudomonas, Vibrio gây sưng vòi trong điều kiện độ pH, độ mặn cao. Hiện tượng cá rô phi, trắm cỏ, cá chép nuôi tại Uông Bí, Quảng Yên và Đông Triều chết rải rác trong năm 2014 cũng là do nhiễm khuẩn Pseudomonas.
Được biết, nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả, Chi cục Thú y đã chủ trì tham mưu cho Sở NN&PTNT báo cáo UBND tỉnh phê duyệt và bố trí kinh phí đảm bảo triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thuỷ sản.
Theo đó, Chi cục đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương, căn cứ tình hình hình thực tế, cụ thể hoá và xây dựng kế hoạch, dự phòng kinh phí phòng, chống dịch bệnh tại địa phương; hướng dẫn và chỉ đạo các địa phương thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh thuỷ sản nuôi; tăng cường các hoạt động thông tin tuyên truyền, quan trắc môi trường, giám sát dịch bệnh thuỷ sản; triển khai thực hiện thanh, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động vận chuyển, sản xuất, kinh doanh và sử dụng giống, thuốc thú y thuỷ sản trên địa bàn.
Ngay từ đầu vụ nuôi, Chi cục đã tiến hành thu, gửi phân tích xét nghiệm 246 mẫu bệnh đốm trắng, đầu vàng, Taura, hoại tử gan tụy cấp tính và hoại tử cơ trên tôm tại các vùng nuôi trọng điểm, các cơ sở sản xuất tôm giống; kết quả phát hiện 8/130 mẫu tôm sú dương tính với virus gây bệnh đốm trắng, 2/130 mẫu tôm sú dương tính với bệnh hoại tử gan tụy cấp tính tại xã Hải Lạng - Tiên Yên. Thu, phân tích 35 mẫu cá song, cá bống bớp; kết quả có 3/35 mẫu cá song dương tính với VNN, 1/35 mẫu dương tính ký sinh trùng.
Tuy nhiên, cũng theo ông Thiều Văn Thành, công tác phòng, chống dịch bệnh thuỷ sản hiện nay còn gặp không ít khó khăn, trong đó phải kể đến công tác quy hoạch, quản lý và đầu tư theo quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản còn nhiều bất cập do thiếu nguồn lực đầu tư, dẫn tới khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Công tác quản lý sản xuất, kinh doanh giống, thức ăn, thuốc thú y thuỷ sản hiệu quả chưa cao do địa bàn rộng, phức tạp; lực lượng cán bộ mỏng; năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ thú y, nhất là ở tuyến cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh thuỷ sản. Sự phối hợp giữa các ngành có liên quan trong công tác kiểm soát vận chuyển thuỷ sản trên địa bàn tỉnh còn thiếu chặt chẽ.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, khó khăn trong năm qua, công tác thú y thuỷ sản trong vụ nuôi năm nay, Chi cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức, nhận thức và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nuôi trồng thuỷ sản trong công tác phòng, chống dịch bệnh thuỷ sản; tổ chức đào tạo, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ giám sát, chẩn đoán, xử lý, kiểm soát dịch bệnh thuỷ sản và vệ sinh môi trường sau dịch cho cán bộ thú y các cấp ngay từ đầu vụ nuôi năm 2015.
Chủ động trong công tác kiểm dịch, kiểm soát lưu thông giống, sản phẩm thuỷ sản; xây dựng cơ sở sản xuất giống an toàn dịch bệnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc cấp chứng nhận kiểm dịch giống thuỷ sản.
Có thể bạn quan tâm
Chỉ với ba sào đất trồng cây hoa Lily để bán trong dịp Tết Nguyên đán, năm nay, gia đình chị Hoàng Thị Nam, ở thôn Cầu Đất, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn – Bắc Giang) dự kiến sẽ thu về trên 300 triệu đồng…
Nếu như việc nuôi dế để làm thực phẩm đưa ra thị trường giúp nông dân trẻ Nguyễn Thanh Tùng (Thông Hội, huyện Củ Chi, TP. HCM) trở thành tỷ phú thì cũng tại địa phương này người cựu chiến binh Phạm Ngọc Tuân (xã Nhuận Đức) cũng đi lên từ cặp nhím giống.
Nhờ sự cần cù chịu khó và năng động trong cách nghĩ, cách làm, nhiều nông dân ở thành phố Cao Lãnh đã không chỉ đưa gia đình mình thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng.
Cứ mỗi độ tết đến xuân về, người Hương Sơn lại thi nhau ra vườn hái chọn lấy những quả cam bù đẹp nhất trong vườn đưa vào đặt lên bàn thờ cúng Tổ tiên bằng cả tấm lòng qua một năm gặt hái. Bởi vào dịp tết cổ truyền dân tộc là cam bù Hương Sơn lại vào mùa thu hoạch.
Nguyễn Ngọc Tứ, bản Hua Nguống, xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng được mọi người gọi bằng cái tên “Chàng thanh niên mê cây cà phê”.