Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chủ Động Nước Tưới Để Tăng Năng Suất Cây Mía

Chủ Động Nước Tưới Để Tăng Năng Suất Cây Mía
Ngày đăng: 23/04/2013

Thời tiết khô hạn kéo dài khiến năng suất, sản lượng mía niên vụ 2012 - 2013 ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) thấp hơn năm trước. Tuy nhiên, những diện tích mía đủ nước tưới vẫn có năng suất cao hơn năng suất trung bình 30 - 40%.

Từ việc làm của nông dân

Giữa trưa nắng chang chang, trên vùng mía lưu gốc (vừa thu hoạch xong) ở thôn 3 xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa của anh em ông Huỳnh Văn Thông và Huỳnh Văn Giáo, hệ thống tưới nước tự động với 30 đầu béc đang hoạt động, phun đều cho cả diện tích mía lớn. Anh em ông Thông có khoảng 42ha mía ở thôn 3. Trước đây, diện tích này toàn nhờ nước trời. Nhưng cách đây khoảng 5 năm, thời tiết nắng nhiều, mía cháy khô, nên các ông đã có ý tưởng dẫn nước từ thác Bay cách đó vài cây số về tưới. Hai ông đã đầu tư 100 triệu đồng làm hệ thống nước tự chảy; đào hồ dẫn nước về, để lắng rác rồi cho chảy vào hệ thống ống dẫn Φ90 dài khoảng 4.000m.

Nước về đến ruộng được chia ra 2 nhánh ống dẫn Φ60 chảy vào 2 giàn phun mưa, mỗi giàn 30 đầu béc. Theo ông Thông, nếu tưới nhanh, mỗi ngày, hệ thống tưới được 1ha, còn tưới thấm sâu 30 - 40cm thì 1 ngày cũng được 0,5ha. Diện tích mía đang chờ thu hoạch thì không tưới để đảm bảo chữ đường; hai ông chỉ tưới nước luân phiên cho khoảng 30ha mía tơ mới trồng và mía lưu gốc mới thu hoạch. Đủ nước, cây mía lên đều, năng suất cao hơn nhiều so với vùng thiếu nước.

Ông Thông cho biết, trước đây, năng suất trung bình cho cả vùng mía của hai anh em khoảng 40 tấn/ha, giờ đây tăng lên trung bình 65 tấn/ha. Diện tích được tưới đều có thể đạt 80 - 90, thậm chí 100 tấn/ha. Với giá mía 880 ngàn đồng/tấn cho mía 10 chữ đường mà nhà máy đang thu mua hiện nay và năng suất trung bình khoảng 52 tấn/ha, nông dân thu lãi khoảng 20 triệu đồng/ha; nếu năng suất đạt 70 - 80 tấn/ha, người trồng sẽ lãi khoảng 35 triệu đồng/ha. Năm ngoái, giá mía hơn 1 triệu đồng/tấn, doanh thu vùng mía của anh em ông đạt 2,7 tỷ đồng, lãi khoảng 1,3 tỷ đồng. Năm nay, giá mía thấp, doanh thu còn khoảng 2,2 tỷ đồng, lãi khoảng 800 triệu đồng.

Gia đình ông Trần Ký (thôn 3, xã Ninh Thượng) có hơn 10ha trồng mía, trong đó có khoảng 4 - 5 ha được tưới ổn định nhờ nguồn nước từ 2 hồ chứa và suối Mơ. Ông Ký nhận xét: “Diện tích có nước tưới ổn định đạt 70 - 80 tấn/ha, còn nước trời đạt khoảng 45 - 50 tấn/ha”. Đưa chúng tôi đến cánh đồng mía bên suối Mơ, ông Nguyễn Tiến Trúc - Phó Trạm Nông vụ Ninh Thượng phụ trách thôn 3 cho biết, dọc khu vực suối Mơ có hơn 400ha mía nhưng diện tích mà người dân lấy được nước suối Mơ bằng máy bơm khoảng 150 ha. Ngoài lấy nước trực tiếp từ suối Mơ, trong thôn có 3 hộ dân đầu tư hệ thống nước tưới tự phun như anh em ông Thông. Năng suất mía bình quân có nước tưới khoảng 70 tấn/ha, nước trời khoảng 50 - 55 tấn/ha.

Đến chuyện đầu tư của công ty

Theo ông Nguyễn Thanh Ngữ - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa, khi Công ty tổ chức hội thảo với người dân 5 xã vùng mía nguyên liệu, nhiều người kiến nghị cần quan tâm đến vấn đề thủy lợi, đảm bảo nguồn nước tưới cho cây mía vì có đủ nước thì năng suất cây mía tăng 30 - 40%. Bà Nguyễn Thị Hoa - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cho biết: “Nếu được tưới, năng suất cây mía tăng lên rất nhiều. Niên vụ mía này, thời tiết khô hạn, năng suất mía giảm, trung bình đạt khoảng 52 tấn/ha nhưng vẫn có những diện tích đạt đến 100 tấn, thậm chí 120 tấn/ha. Tuy nhiên, số diện tích này không nhiều, bởi chỉ vài chục hộ có điều kiện tự đầu tư hệ thống tưới nước và cũng phải có nguồn nước”.

Theo bà Hoa, qua tham quan, học tập ở một số nước, Công ty nhận thấy, ở các nước này, họ đầu tư tốt cho cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu mía. Thực tế, khi quỹ đất đã hết giới hạn thì chỉ còn cách phát triển theo chiều sâu, nghĩa là áp dụng các giải pháp kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng. Muốn vậy, cần quan tâm nhiều yếu tố như: giống, thổ nhưỡng, nước tưới, cách chăm sóc. Về phía Công ty, bên cạnh việc hỗ trợ lãi suất cho nông dân, cơ cấu lại giống mía để tránh tình trạng mía chín đồng loạt, tạo áp lực khi thu hoạch, Công ty sẽ quan tâm đầu tư nước tưới cho vùng mía nguyên liệu.

Lâu nay, cây mía trồng chủ yếu nhờ nước trời, nhưng việc tưới nước chủ động đã cho thấy có thể giúp nâng cao năng suất mía. “Công ty sẽ thuê chuyên gia tư vấn; không có phương án chung cho toàn bộ diện tích mà sẽ phải nghiên cứu để có nhiều phương án phù hợp với đặc thù mỗi vùng. Hiện nay, Công ty đang trong quá trình khảo sát, lập dự án. Trước mắt, Công ty dự kiến sẽ đầu tư hệ thống tưới ở một số vùng có sẵn nguồn nước tự nhiên như: Ninh Tây, Đá Bàn..., cố gắng thí điểm vào khoảng năm 2014. Tuy nhiên, tiến độ, lộ trình thực hiện còn phụ thuộc vào nguồn nước sẵn có cũng như việc thăm dò, khảo sát nguồn nước ngầm” - bà Hoa nói.


Có thể bạn quan tâm

Thâm canh cây ăn quả theo VietGAP, thu 300 - 700 triệu đồng/ha Thâm canh cây ăn quả theo VietGAP, thu 300 - 700 triệu đồng/ha

Nông dân tại Ninh Thuận ngày càng ý thức được vai trò của việc sản xuất cây ăn quả theo quy trình kỹ thuật bài bản.

13/05/2021
Nuôi cánh kiến đỏ, lãi gấp chục lần trồng rừng Nuôi cánh kiến đỏ, lãi gấp chục lần trồng rừng

Ở miền núi Thanh Hóa, mô hình trồng cây đậu thiều làm cây chủ để thu cánh kiến đỏ cho thu nhập gấp hàng chục lần trồng rừng, nhưng dân lại chưa mặn mà.

14/05/2021
Trồng lại rong biển bằng kỹ thuật mới Trồng lại rong biển bằng kỹ thuật mới

Vùng biển Quảng Ninh có loài rong biển dược tính rất cao, nếu được nuôi trồng để cung ứng nguyên liệu cho các đơn vị chiết xuất tân dược, sẽ là hướng phát triển

21/05/2021
Thành công từ đam mê lai tạo tôm cảnh Thành công từ đam mê lai tạo tôm cảnh

Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một bức tranh đa sắc màu với sự lung linh huyền ảo từ những hồ kính nuôi tôm cảnh nơi đây.

26/05/2021
Tỉ phú ốc nhồi Tỉ phú ốc nhồi

Ông Cầu mua lại những thửa ruộng bỏ hoang của người dân để cải tạo thành trang trại nuôi ốc nhồi, mỗi năm thu hàng tỉ đồng.

27/05/2021