Chủ Động Nguồn Nước Cho Sản Xuất Vụ Xuân
Sản xuất nông nghiệp vụ xuân thường phải đối phó với tình trạng khó khăn về nguồn nước. Theo nhận định của Trung tâm khí tượng thủy văn Bắc Kạn, tổng dòng chảy trên các triền sông, suối thuộc địa bàn tỉnh sẽ ở mức xấp xỉ dưới trung bình nhiều năm với lượng thiếu hụt khoảng 10-20%.
Hạn xảy ra cao điểm vào tháng 2, tháng 3. Đây là lúc bà con cần nước để cấy nhất với diện tích hạn dự báo năm nay khoảng trên 1.800ha trong tổng số 8.000ha lúa xuân.
Các huyện thường xảy ra hạn hán với diện tích lớn gồm Na Rì; Ba Bể; Chợ Đồn; Bạch Thông. Cùng với khó khăn về nguồn nước, một số công trình thủy lợi phục vụ nước tưới cho vụ xuân bị hư hỏng do mưa lũ. Vụ mưa lũ năm 2014, 199 công trình thủy lợi bị hư hỏng, trong đó Chợ Mới 49 công trình; Bạch Thông 46 công trình; Ba Bể 36 công trình…
Đến nay các địa phương và Công ty TNHH MTV Thủy nông đã chủ động xây dựng kế hoạch tu sửa, nạo vét kênh mương, sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp để phục vụ sản xuất vụ xuân, điển hình như Huyện Chợ Mới hiện đã nạo vét, phát dọn kênh mương 124/126 công trình; sửa chữa nhỏ 21 công trình, duy tu bảo dưỡng 46 máy bơm, sửa chữa 4 trạm bơm điện.
Huyện Na Rì cũng đã hoàn thành công tác nạo vét, sửa chữa công trình bị hư hỏng, bảo dưỡng máy bơm dầu và bơm điện. Các địa phương còn lại tiến độ chậm hơn mới ở giai đoạn xây dựng kế hoạch sửa chữa.
Riêng đối với Công ty TNHH MTV Thủy nông năm 2014 đã thực hiện nạo vét, phát dọn 401 công trình; sửa chữa nhỏ 90 công trình. Ông Nguyễn Văn Đức- Giám đốc Công ty cho biết: Ngay sau khi kết thúc vụ mùa, Công ty đã tiến hành tích nước vào các hồ thủy lợi, tuy nhiên do lượng mưa năm nay ít nên mực nước không cao bằng mọi năm. Trước tình hình đó Công ty đã xây dựng các phương án phòng, chống hạn.
Hiện tại đơn vị đang trực tiếp quản lý 211 máy bơm dã chiến. Các công trình có diện tích bị hạn chưa có kênh mương đơn vị bố trí dùng bạt nilon, vòi, ống nhựa rải để dẫn tạm nước, đồng thời áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm, lắp đặt máy bơm tại các diện tích bị hạn và chuẩn bị nhiên liệu, nhân công sẵn sàng triển khai bơm nước khi có hạn, chủ động tận dụng nguồn nước hiện có tại thời điểm để tiến hành cày ải trước thời vụ.
Giải pháp tiết kiệm nước được thực hiện đó là: đối với các hồ chứa phải quản lý chặt chẽ nguồn nước hiện có, công trình đập dâng cần trát, nạo vét cửa khẩu lấy nước, tu sửa kênh mương chống rò rỉ, thất thoát nước, giữ ổn định nước trên bề mặt ruộng không để chảy xuống suối, kênh tiêu, tuyệt đối không mở nước để đánh bắt cá.
Đơn vị cũng đã xây dựng kế hoạch điều hành hệ thống kênh tưới phù hợp với bố trí lịch sản xuất của nhân dân, điều hòa phân phối nước tiết kiệm, lập lịch tưới luân phiên, cấp nước nhanh, kết thúc nhanh, rút ngắn thời gian và lượng nước tưới.
Giải pháp tiết kiệm nhiên liệu cho chống hạn: có kế hoạch bơm chi tiết cho từng công trình, vùng hạn, giải quyết dứt điểm từng thửa, bố trí nhân công hợp lý và luân chuyển máy bơm dã chiến đảm bảo hợp lý tiết kiệm. Với các trạm bơm điện cố định tập trung bơm vào giờ thấp điểm, tổ chức bơm dứt điểm cùng một thời đoạn lấy nước.
Nước cho sản xuất nông nghiệp chiếm vị trí quan trọng hàng đầu, quyết định đến hiệu quả của mùa vụ, vì vậy khai thác tốt các công trình thủy lợi đã được đầu tư cùng với các biện pháp bơm tận dụng nguồn nước từ sông suối là giải pháp cần được tập trung thực hiện đồng bộ, khẩn trương trong thời điểm này.
Nguồn bài viết: http://baobackan.org.vn/channel/1121/201412/chu-dong-nguon-nuoc-cho-san-xuat-vu-xuan-2358262/
Có thể bạn quan tâm
Chiều 7/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng chủ trì cuộc họp bàn về quy hoạch chi tiết nuôi, chế biến cá tra trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đên năm 2025.
Mặc dù ngư dân Đà Nẵng được hoạt động theo tổ, đội và nghiệp đoàn, song tính liên kết vẫn chưa được phát huy. Vì vậy, cần một mô hình cao hơn để tập hợp họ. Việc thành lập một hợp tác xã (HTX) về thủy sản trong tương lai, có thể sẽ là điều cần thiết.
Huyện Hoài Nhơn (Bình Định) có diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản trên 250 ha. Những năm qua, tình hình dịch bệnh tôm nuôi gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi tôm ở đây, nên diện tích nuôi tôm ngày càng giảm đáng kể. Trước thực trạng đó, huyện đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp hướng đến nuôi tôm bền vững.
Từ năm 1999, khi Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư đầu tư xây dựng mô hình nuôi tôm sú thâm canh thành công thì phong trào nuôi tôm bắt đầu phát triển, ngày càng mở rộng và khởi sắc. Hiện nay, diện tích nuôi tôm thâm canh trên 10 ngàn héc-ta, tập trung ở Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú.
Tôm hùm ở Khánh Hòa rớt giá từ 400.000 - 750.000 đồng/kg. Việc mua bán phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc khiến nuôi loài thủy sản có giá trị này như bước vào canh bạc